Những người lo 'chuyện bao đồng'

'Thành phố nghĩa tình' lâu nay đã trở thành 'thương hiệu' của TPHCM. Ở nơi đó, chúng ta luôn tìm thấy những câu chuyện đẹp về tình người, về việc làm bình dị nhưng đậm tính nhân văn. Nhằm vinh danh những cá nhân, tập thể đã có những việc làm vì xã hội, vì cộng đồng, góp phần làm cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, UBND TPHCM tổ chức lễ tuyên dương 'Những tấm gương thầm lặng mà cao cả' lần 4.

Làm sạch môi trường

10 giờ sáng ngày chủ nhật đầu năm mới, chiếc ghe nhỏ của bà Nguyễn Thị Nhời (phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) tấp vào bờ tại khu phố 2. Trên chiếc ghe cũ kỹ ấy, ngoài cơ man nào chai nhựa, ve chai còn có các thùng xốp đựng đầy rác. Ngồi trước mũi ghe, tiện tay bà lấy cây sào lùa thêm một mớ rác nữa đang lều bều trên mặt nước. Vừa tấp hết rác lên mé bờ, bà Nhời nói: “Để đây chút xíu nữa mấy em bên môi trường sẽ ghé lấy”.

Trong căn chòi nhỏ trên bờ kênh, bà Nhời ngồi móm mém nhai trầu sau khi đã tắm giặt và bắc nồi cơm xong. Nhìn ra đám rau muống xanh mơn mởn ở mé kênh, bà Nhời cười hiền hậu: “Trước kia, rác cứ tấp vào đấy đen ngòm, hôi dữ lắm. Giờ thì con rạch sạch rồi. Người này góp một tay, người kia góp chút sức thì môi trường sẽ tốt lên thôi”.

Hành động đẹp của bà Nguyễn Thị Nhời đã giúp làm sạch môi trường mỗi ngày

Hành động đẹp của bà Nguyễn Thị Nhời đã giúp làm sạch môi trường mỗi ngày

Hơn 10 năm qua, cứ 4 giờ sáng, bà lại lên ghe ra con rạch Văn Thánh mưu sinh. Ngoài vớt ve chai trên mặt nước bán đổi lấy gạo, thấy rác trôi lềnh bềnh, bà tiện tay vớt hết lên bờ. Nhờ hành động ấy, dòng chảy trên con rạch được khơi thông, hạn chế được hôi thối. Người phụ nữ 73 tuổi ấy bộc bạch: “Tôi thấy dơ thì làm thôi. Hồi đầu cũng thấy ngại vì hôi quá, nhưng làm riết rồi quen. Muốn môi trường sạch, trong lành thì mình góp chút sức. Tôi không nghĩ việc mình làm sẽ được tuyên dương đâu”. Thấy bà Nhời đã lớn tuổi còn đi vớt rác, nhiều người dân sống ven và trên kênh rạch cũng lấy làm thẹn mà nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Niềm vui làm vệ sinh đường phố trong ngày chủ nhật của người dân và Phật tử chùa Liên Hoa

Niềm vui làm vệ sinh đường phố trong ngày chủ nhật của người dân và Phật tử chùa Liên Hoa

Không chỉ cá nhân thực hiện, mà hơn 4 năm qua, Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (quận 11) còn tạo được thói quen và thu hút đông đảo người dân tham gia dọn vệ sinh đường phố. Đều đặn, cứ 5 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, gần 60 chư tăng, phật tử chùa Liên Hoa và người dân lại ra quân quét rác, dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, tuyến hẻm, khai thông cống rãnh, trồng thêm cây xanh trên các con đường, ngỏ hẻm ở phường 8 quận 11. Thượng tọa Thích Duy Trấn cho biết, từ khi có Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, chương trình “Hành trình xanh” đã tăng cường dọn vệ sinh thêm vào ngày thứ bảy. Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, mình chỉ gieo duyên, tạo ý thức bảo vệ môi trường đến người dân, từ đó khơi gợi sự nhiệt tình, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của mọi người.

Hồi đầu, nhiều người nói ông Hồ Chí Cường (huyện Bình Chánh) “rảnh hơi” đi lo chuyện bao đồng khi thấy ông lang thang công viên, dọc các con đường có trồng hoa để nhổ cỏ, tỉa cành, dọn rác. Thấy cây nào chết thì ông trồng thêm vào. Rồi ông lại đi dọn rác trên các tuyến đường, nhảy xuống con rạch Ông Đồ, rạch Ngọn Đình để vớt rác, lục bình nhằm khơi thông dòng chảy. Thấy rác cứ nhiều dưới các con rạch, ông về nhà lấy tiền tích lũy đi mua một chiếc ghe, rồi vận động người dân cùng tham gia vớt rác. Thấy ông Cường nhiệt tình lo việc chung, nhiều người từ chế nhạo chuyển sang góp sức để cùng ông vớt rác, dọn vệ sinh xung quanh khu phố.

Vì nhớ ơn một người lớn tuổi đã giúp đỡ gia đình, khi còn sống mẹ luôn dặn chị em bà Lê Thị Kim Nhung (phường Long Trường, TP Thủ Đức) phải giúp đỡ những người lớn tuổi như một cách trả ơn cuộc đời. Ban đầu, bà Lê Thị Kim Nhung nhận chăm sóc 3 cụ già neo đơn trên địa bàn phường.

Đến năm 2013, bà mở rộng và xây dựng mới khu vực riêng biệt dành cho việc chăm sóc người già và nhận giúp đỡ thêm 4 cụ ở phường khác. Ân cần chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, bà Nhung còn liên hệ Trạm y tế phường định kỳ hàng tháng đến khám sức khỏe cho các cụ. Những người bệnh nặng, bà Nhung còn mời bác sĩ tới điều trị, để các cụ được chăm sóc tốt nhất…

Những “vì sao” trong đêm

“Ai gặp nạn cần giúp đỡ trong đêm, hãy gọi 0888190113, đấy là số điện thoại của Đội giúp dân của huyện tôi, họ nhiệt tình lắm”, ông Phạm Văn Thành (ngụ huyện Hóc Môn) tự hào giới thiệu.

Ở huyện Hóc Môn, hầu như ai cũng biết đến Đội giúp dân Hóc Môn và nhớ vanh vách số điện thoại của họ. Mọi người đã coi đây như là số điện thoại phòng thân mỗi khi có việc phải ra đường vào đêm khuya. Đội được thành lập từ năm 2018 với 6 thành viên, thường hoạt động từ 22 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Hoạt động trợ giúp của đội là cứu hộ, cứu nạn; vá xe đêm, thay ruột xe miễn phí; thực hiện các chương trình nhân đạo…

Đội giúp dân huyện Hóc Môn vá xe miễn phí cho người dân

Đội giúp dân huyện Hóc Môn vá xe miễn phí cho người dân

Đội trưởng Trần Yên Quốc cho biết, các thành viên trong đội làm các ngành nghề khác nhau nhưng cùng chung tâm nguyện tham gia hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Đội hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, tự đóng góp kinh phí để mua sắm, bảo dưỡng đồ nghề sửa xe, vật dụng sơ cấp cứu và làm quỹ dự phòng khi có trường hợp cần trợ giúp tiền. Chiếc xe cứu thương mang dòng chữ “Đội giúp dân Hóc Môn, Hotline 0888190113 - 0866190113” cũng do các thành viên đóng góp trang bị. Ngoài là phương tiện di chuyển trong đêm tối, chiếc xe còn hỗ trợ tốt trong việc đưa người bị nạn đến cơ sở y tế, vận chuyển các phương tiện bị hư hỏng nặng.

Hơn 2 năm hoạt động, đã có hơn 1.000 trường hợp người nghèo, người bị hư hỏng xe giữa đường, bị tai nạn giao thông hoặc người lao động bị lừa đảo môi giới việc làm… được đội hỗ trợ. Hàng chục người bị tai nạn giao thông được các thành viên tận tình giúp nhập viện, thanh toán viện phí.

Đội giúp dân huyện Hóc Môn vá xe cho người gặp nạn

Đội giúp dân huyện Hóc Môn vá xe cho người gặp nạn

Ở phường 7, quận Phú Nhuận cũng có một nữ Tổ trưởng dân phố năng nổ, hoạt bát trong các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Đó là bà Lê Thị Thu Liên, tổ trưởng tổ dân phố 79. Bà Liên cho biết, vài năm trước, khu phố 3 thường xảy ra cướp giật, một số đối tượng còn tụ tập sử dụng ma túy nên bà và một số người dân đề xuất địa phương thành lập đội tuần tra liên tổ để phối hợp cùng lực lượng công an, tham gia công tác tuần tra, giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Dù lớn tuổi, nhưng từ 2-5 giờ sáng hàng ngày, bà đều cùng các thành viên trong đội và lực lượng công an phường đi tuần tra. Qua đó, phát hiện 15 trường hợp vi phạm về ANTT, kịp thời nhắc nhở nhiều trường hợp thiếu cảnh giác trong bảo vệ tài sản của bản thân và gia đình.

Để nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm, tự bảo quản tài sản cá nhân của người dân tổ dân phố 79, bà Liên còn tích cực soạn thảo các tài liệu, nội dung về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp để tuyên truyền trong các cuộc họp. Sự nỗ lực của bà Liên đã góp phần kéo giảm các vụ việc phức tạp về ANTT, phát huy hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.

Nâng đỡ trẻ thơ

Suốt 20 năm qua, căn phòng 18m² tại trụ sở khu phố Giãn Dân (phường Long Bình, TP Thủ Đức) trở thành nơi họp hành của người dân trong khu phố, vừa là lớp học của hàng trăm lượt học sinh nghèo.

Người “lái đò” ở lớp học ấy là bà giáo Đặng Thị Hoa, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Khu phố Giãn Dân ngày ấy phần lớn là người lao động tứ xứ đổ về mướn nhà, làm thuê. Cuộc sống mưu sinh không ổn định, trẻ con không được đến trường. Em đi bán vé số, lượm ve chai, có nhiều em còn bị coi là “thành phần cá biệt”. Không nỡ bỏ tụi nhỏ, bà giáo Hoa quyết tâm mở một lớp học tình thương.

Địa phương và các nhà hảo tâm giúp trang bị cho lớp học bàn ghế mới, đồng phục học sinh, sách vở, dụng cụ học tập. Từ nơi đây, nhiều em biết đọc, biết viết, hoàn thành chương trình lớp 1, 2 và được gửi đến trường tiểu học để tiếp tục học lên cao hơn. Đến nay, đã có những em học lên tới đại học.

THÁI PHƯƠNG - THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-nguoi-lo-chuyen-bao-dong-717825.html