Những người lưu giữ văn hóa cồng chiêng

Ông Bùi Huy Giáp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết, bà Lâm, bà Túng, ông Yên… là những người đang góp sức vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng người Mường.

Cuối năm 2020, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Ban Dân tộc TP Hà Nội về xã Khánh Thượng, một xã miền núi của huyện Ba Vì. Trong chuyến công tác, tôi có dịp được gặp và trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Lâm (thôn Gò Đá Chẹ). Bà Lâm dù đã 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và giàu tâm huyết với cồng chiêng.

Đội cồng chiêng xã Khánh Thượng biểu diễn tại Lễ đón nhận danh hiệu văn hóa làng Bưởi. Ảnh: Minh Phong

Đội cồng chiêng xã Khánh Thượng biểu diễn tại Lễ đón nhận danh hiệu văn hóa làng Bưởi. Ảnh: Minh Phong

Cầm trên tay dụng cụ cồng chiêng được đúc bằng đồng thau tròn trĩnh, bà Nguyễn Thị Lâm đưa chúng tôi trở về miền ký ức. Bà kể, ngày còn nhỏ, bà ham thích chơi chiêng nên thường quấn quýt theo ông bà, bố mẹ chơi chiêng. Từng điệu chiêng được đánh không chỉ mỗi dịp ngày hội, ngày Tết mà cả khi ngồi quay bông cũng chơi. Rồi giặc Pháp tàn phá bản làng, địa phương không còn chiếc chiêng nào nữa. Thời gian dài qua đi, người dân mải lo làm kinh tế để thoát nghèo,chẳng còn ai để ý đến cồng chiêng và từ đó núi rừng im bặt tiếng chiêng.

Cho đến khi cơm áo đã đủ đầy, người dân nhớ lại kỷ vật thiêng liêng của cha ông và cùng gây dựng lại. Cuối những năm 90 của thế kỷ 20, nhân dân đóng góp tiền mua chiêng về chơi và thành lập câu lạc bộ cồng chiêng đầu tiên tại thôn Gò Đá Ghẹ, thành viên của đội chiêng gồm những người cao tuổi sinh hoạt đều đặn, cùng nhau tập luyện các bài chiêng. Từ đó đến nay, tiếng chiêng đã vang lên khắp sườn đồi, chân núi, người dân lại được sống với đúng bản sắc văn hóa của dân tộc Mường.

Bà Lâm cho hay, bản thân bà đã phục dựng được 3 bài và được chơi thường xuyên đó là bài: Đi Đường, Đợi và Bông Trắng. Mỗi bài chơi chừng 10 đến 20 phút, tùy vào sức khỏe của đội. Người đứng đầu điều hành sẽ ra hiệu hồi, ngắt cho phù hợp.

Bên cạnh chủ trì trong kỹ thuật chơi chiêng, bà Lâm còn tự may trang phục truyền thống của người phụ nữ Mường cho những thành viên trong đội khi biểu diễn.

Cũng là người giàu tâm huyết với cồng chiêng, bà Nguyễn Thị Túng, 80 tuổi, trong câu lạc bộ cồng chiêng Gò Đá Chẹ kể về việc chơi chiêng như món ăn tinh thần không thể thiếu. Bà Túng cho hay, đánh chiêng thì dễ xong để tiếng chiêng hay, vang vọng cần có sự hòa quyện, âm vang thì cả đội phải có sự hiểu nhau, hiểu về chiêng để thuần thục, để mỗi một tiếng vang lên thành một bản nhạc của núi rừng, có thể đi vào tâm trí người nghe.

Đối với bà Lâm, bà Túng và những thành viên trong câu lạc bộ cồng chiêng Gò Đá Chẹ say sưa chơi chiêng không chỉ là sở thích cá nhân mà còn là thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc người Mường.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, hiện toàn xã Khánh Thượng có 12 bộ cồng chiêng, 11/12 thôn đã có câu lạc bộ cồng chiêng và nòng cốt là những người phụ nữ, cùng người đàn ông cao tuổi giàu nhiệt huyết với văn hóa dân tộc Mường. Từ khi huyện Ba Vì sáp nhập về Hà Nội đã được TP, huyện Ba Vì quan tâm hỗ trợ cồng chiêng, mở các lớp tập huấn, tuyên truyền cho bà con dân tộc Mường khôi phục bản sắc văn hóa.

Cũng từ khi các câu lạc bộ được thành lập, núi rừng vang tiếng cồng chiêng giúp cho đời sống tinh thần của người dân ngày một tốt lên, kinh tế, xã hội địa phương khởi sắc.

Cùng với xã Khánh Thượng, nét đẹp văn hóa cồng chiêng xã Ba Trại cũng được quan tâm, phát triển. Câu lạc bộ cồng chiêng ở thôn 9 xã Ba Trại thu hút 20 người tham gia, đặc biệt cả người dân tộc Kinh.

Ông Đinh Công Yên, 77 tuổi, là người có 27 năm gắn bó với việc bảo tồn và phát triển cồng chiêng ở Ba Vì. Ông Yên không chỉ là nhạc trưởng, mà còn là người thầy của các thành viên trong câu lạc bộ.

Ông Yên sinh ra trong gia đình có truyền thống đánh cồng chiêng, lại là nghệ sỹ chèo, là thầy giáo nên việc truyền đạt văn hóa cồng chiêng rất cuốn hút, dễ hiểu, dễ làm theo. Giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Yên vẫn minh mẫn và tích cực truyền dạy cho lớp thanh niên trẻ học và chơi được cồng chiêng để tiếp nối văn hóa quý báu. Ông Yên đã dạy nghề cho 30 lớp với hàng trăm học viên ở các thôn và trường học.

Ông Bùi Huy Giáp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết, cồng chiêng là một loại nhạc cụ rất quen thuộc với người Mường. Nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa đặc biệt này, năm 2020, phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện Ba Vì mua 03 bộ cồng chiêng chuẩn tặng cho các câu lạc bộ ở các xã: Khánh Thượng, Ba Trại và Tản Lĩnh, nâng tổng số thôn có bộ cồng chiêng lên 24/76 thôn có người Mường sinh sống tập trung. Bên cạnh hỗ trợ các bộ cồng chiêng chuẩn, huyện cũng mở các lớp dạy âm nhạc cồng chiêng cho các xã.

Bên dòng Đà Giang, dưới chân núi Tản, m ỗi d ịp xu ân v ề những người Mường ở Ba Vì đánh tiếng chiêng để nghe lời của núi rừng, của cha ông ngàn năm vọng lại. Chiêng mừng Tết, mừng Xuân mới ngân nga giữa núi Tản, sông Đà…

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-nguoi-luu-giu-van-hoa-cong-chieng-228044.html