Những người mẹ anh hùng

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH và TP Tuy Hòa thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Phương. Ảnh: KIM CHI

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, nhưng hàng triệu người mẹ, thân nhân liệt sĩ mãi mãi không gặp lại những người thương yêu nhất của mình. Sự cống hiến của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau của người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu.

Phú Yên có 2.335 mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), trong đó có 58 mẹ còn sống. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, toàn tỉnh có thêm 14 mẹ được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý này.

Những ký ức vẹn nguyên

Trong những ngày tháng 7 nghĩa tình, chúng tôi về thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị No. Dù mái tóc đã bạc phơ, da dẻ hằn nhiều dấu vết thời gian, chân đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, nhưng ký ức về những năm tháng đau thương, kiên cường vẫn in rõ trong tâm trí của người mẹ 84 tuổi này.

“Năm 1974, chỉ trong vòng 2 tháng, mẹ mất đi chồng và con trai cả thân yêu”, mẹ No bùi ngùi.

Giờ đây, ngồi trong căn nhà nhỏ, đơn sơ, nói về những nỗi đau thương mất mát khôn tả ấy, giọng mẹ nghẹn lại, hai khóe mắt rưng rưng. Mẹ No kể: Chồng mẹ (liệt sĩ Nguyễn Nhạn) tham gia kháng chiến một thời gian dài, đến tháng 10/1974, mẹ nghe tin ông ấy hy sinh. Thằng con trai cả Nguyễn Văn Lẹ, năm 1972 cũng theo bước cha lên đường nhập ngũ. Mẹ còn nhớ rõ, lúc nó lên đường, mẹ còn đang cắt lúa ngoài ruộng nên không hay biết. Chiều tối về nhà mới hay tin nó trốn theo cha tham gia kháng chiến, không kịp từ biệt mẹ. Nó nung nấu ý nghĩ này đã lâu nên nói là đi liền như cái tên mẹ đặt cho nó. Lúc đó, mấy đứa em nó ở nhà khuyên nhủ mẹ cứ yên tâm, anh tụi con đi rồi nhất định trở về khi đất nước thống nhất”. Anh Lẹ đi rồi, mẹ không sao chợp mắt được. Bao ngày anh đi là bấy nhiêu thời gian mẹ đằng đẵng chờ đợi. Nỗi nhớ con hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Mẹ chỉ mong chân cứng đá mềm.

Cũng trong năm 1974, khi nghe tin con trai hy sinh, mẹ bủn rủn tay chân. Anh Nguyễn Văn Cảnh, con trai thứ của mẹ, kể lại: “Hôm ấy, khi đang làm ruộng thì có người gửi cho mẹ một tờ giấy. Sau khi đọc, mẹ tôi như thất thần, rồi ngất lịm đi. Đến lúc ấy thì cả nhà tôi mới biết là người ta gửi giấy báo tử của anh hai về cho mẹ”.

Giờ đây ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, mẹ No tâm sự rằng mẹ cảm thấy rất vui khi cuộc sống mỗi ngày một đổi thay, phát triển. Mẹ cũng thấy ấm lòng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho gia đình mẹ và các gia đình chính sách khác.

Năm nay, Mẹ VNAH Lương Thị Phương (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) bước sang tuổi 90, tuy có lúc nhớ lúc quên những câu chuyện xưa cũ, nhưng mẹ vẫn nhớ về hai người con trai đã hy sinh anh dũng để góp phần thống nhất đất nước. Mẹ Phương nói: “Đau thương lắm nhưng mẹ cũng rất tự hào vì sự hy sinh của tụi nó được đền đáp xứng đáng bằng hòa bình, độc lập của dân tộc và sự phát triển của đất nước sau ngày giải phóng”. Mẹ khoe với chúng tôi: “Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ rất vui vì các con cháu chắt, đứa nào cũng đều chăm ngoan, hiếu thảo. Bà con Nhân dân xã, cán bộ luôn quan tâm, thăm hỏi, nghe mẹ kể chuyện mỗi khi có dịp. Mẹ càng vui khi quê hương mình ngày một đẹp giàu, yên bình”.

Lãnh đạo huyện Phú Hòa thăm tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị No. Ảnh: KIM CHI

Lãnh đạo huyện Phú Hòa thăm tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị No. Ảnh: KIM CHI

Nhắc nhở con cháu tiếp nối truyền thống cha ông

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người mẹ Việt Nam nhân hậu, đã sinh ra và tần tảo nuôi dưỡng những người con anh dũng, kiên cường, để đất nước có được hòa bình, độc lập, thống nhất ngày hôm nay. Sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã góp phần không nhỏ làm nên trang sử vàng của dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, giờ đây, dù tuổi cao nhưng nhiều mẹ vẫn còn rất minh mẫn, thường xuyên nhắc nhở con cháu tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông.

Ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: Phú Hòa có 193 Bà mẹ VNAH, trong đó 6 mẹ còn sống. Ngày trước, các mẹ ngày đêm tần tảo nuôi con, tiễn đưa những người thân yêu của mình đi theo cách mạng, giải phóng quê hương. Bản thân các mẹ cũng là những “chiến sĩ thầm lặng” kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù.

Mẹ VNAH Ngô Thị Rơi ở xã Hòa Quang Nam, năm nay 86 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, dáng vẻ còn nhanh nhẹn. Mẹ chia sẻ: “Những mất mát khi chồng và con của mẹ hy sinh chưa bao giờ nguôi ngoai. Nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt lắm, hàng triệu người hy sinh, có những gia đình không còn một ai. So với những khó khăn, gian khổ mà đất nước mình đã trải qua và những gia đình ấy thì sự đóng góp của gia đình mẹ chỉ là một phần nhỏ”.

Dù tuổi cao, nhưng trong cuộc sống hàng ngày mẹ Rơi vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn, xóm. Mỗi khi địa phương phát động phong trào gì, mẹ đều kêu gọi con cháu tham gia, đóng góp công sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội luôn thể hiện lòng biết ơn các Bà mẹ VNAH bằng những việc làm thiết thực như phong trào “Áo lụa tặng bà” của thiếu nhi cả nước; “Tấm chăn tặng mẹ” của các tổ chức, đoàn thể xã hội; xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây nhà Tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm Tình nghĩa; đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ VNAH… “Trên địa bàn tỉnh ta, 100% Bà mẹ VNAH còn sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng”, ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết.

Để ghi nhớ công lao to lớn của những người mẹ có chồng, con hy sinh trong kháng chiến, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/281068/nhung-nguoi-me-anh-hung.html