Những người nhập cư châu Phi 'không có lối thoát' trong chiến sự ở Lebanon

Hàng nghìn công dân châu Phi mắc kẹt tại Lebanon đang đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn khi 'không có lối thoát' trong xung đột leo thang.

Lebanon, trong khi mọi người cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn thì có những người nhập cư đã bị bỏ lại, đặc biệt là những người đến từ châu Phi. Những người lao động nhập cư gốc Phi cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nơi trú ẩn khẩn cấp giữa vùng xung đột ngày càng tồi tệ.

Chính phủ Lebanon ước tính tình trạng bạo lực hiện tại đã khiến hơn 1,2 triệu công dân Lebanon phải di dời. Tuy nhiên, không có số liệu đáng tin cậy về số lượng người nước ngoài bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Regina Blessing Kyalo, một người giúp việc người Kenya đến Lebanon vào năm 2023, cho biết: "Chúng tôi bị mắc kẹt. Không có lối thoát".

Mariatu Tholley, một người di cư Sierra Leone sống tại Beirut, nói rằng cô đã mất ngủ nhiều đêm. "Họ ném bom khắp mọi nơi vào ban đêm. Đất nước này hiện không an toàn cho chúng tôi", cô nói, cho biết thêm rằng cô không có nơi nào để đi.

 Hàng trăm nghìn người đã chạy trốn khỏi cuộc tấn công bằng pháo kích và tên lửa của IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel). Ảnh: AP

Hàng trăm nghìn người đã chạy trốn khỏi cuộc tấn công bằng pháo kích và tên lửa của IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel). Ảnh: AP

Những nơi trú ẩn quá tải

Các viên chức Liên hợp quốc cho biết hầu hết các nơi trú ẩn ở Lebanon dành cho người di tản hiện đã kín chỗ. Thay vào đó, mọi người chuyển sang ngủ ngoài đường hoặc trong công viên công cộng để tránh pháo kích và tên lửa.

Rula Amin, từ Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR), cho biết trong một cuộc họp báo tại Geneva: "Hầu hết trong số gần 900 nơi trú ẩn tập thể do chính phủ thành lập tại Lebanon đều không còn sức chứa nữa".

Mathieu Luciano, người đứng đầu Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Lebanon, cũng bày tỏ mối quan ngại của mình đối với hàng nghìn người giúp việc gia đình, thường là phụ nữ nhập cư. "Họ phải đối mặt với rất ít lựa chọn nơi trú ẩn", ông nói.

Theo Dara Foi'Elle từ Migrant Workers' Action, một tổ chức phi chính phủ của Lebanon, tình hình đặc biệt khó khăn đối với phụ nữ di cư vì nhiều người trong số họ làm nghề giúp việc tự do và được trả lương theo giờ. Nhiều người đã làm giúp việc tại các khu vực trung lưu ở nam Lebanon, khu vực mà Israel pháo kích trong cuộc chiến chống lại Hezbollah vài tuần qua.

 Những người di cư bị mắc kẹt đã ngủ trên đường phố Beirut để tránh bị pháo kích. Ảnh: Anadolu

Những người di cư bị mắc kẹt đã ngủ trên đường phố Beirut để tránh bị pháo kích. Ảnh: Anadolu

Không thể di tản vì thiếu giấy tờ

Theo ước tính của IOM, có hơn 175.000 người di cư từ 98 quốc gia đang cư trú tại Lebanon. Tuy nhiên, những con số đó chỉ phản ánh tình hình trước cuộc xung đột hiện tại giữa Israel và Hezbollah.

Tệ hơn nữa, nhiều lao động di cư không thể di tản nếu không có giấy tờ tùy thân, thường do chủ lao động quản lý.

"Ông chủ của chúng tôi đang giữ hộ chiếu và giấy tờ đi lại của chúng tôi. Họ cũng đang chạy loạn với giấy tờ của chúng tôi", Kyalo nói, mô tả mọi nỗ lực trở về nhà là "nhiệm vụ bất khả thi".

Hệ thống Kafala ở Lebanon cho phép các nhà tuyển dụng và các cơ quan tuyển dụng việc làm tịch thu giấy tờ đi lại để đảm bảo người lao động không bỏ trốn. Tuy nhiên, điều này đã làm phức tạp đáng kể không chỉ việc sơ tán người lao động di cư mà còn cả việc tiếp cận hầu hết các dịch vụ công.

Một số quốc gia nước ngoài hiện đã bắt đầu tổ chức kế hoạch sơ tán cho công dân của họ, nhưng tiến độ cho đến nay vẫn còn chậm. Bangladesh, Kenya và Philippines đều đã yêu cầu công dân của mình ở Lebanon đăng ký sơ tán.

Trong khi đó, nhiều lao động nhập cư từ nhiều quốc gia châu Phi và châu Á khác đang phải vật lộn để có được giấy tờ thông hành khẩn cấp nhằm rời khỏi Lebanon.

Ngọc Ánh (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-nguoi-nhap-cu-chau-phi-khong-co-loi-thoat-trong-chien-su-o-lebanon-post316182.html