Những người thầy dẫn lối hoàn lương

Chỉ cách trung tâm TP Tây Ninh (Tây Ninh) khoảng 4km, Trại Tạm giam Công an tỉnh Tây Ninh tọa lạc tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Xưa kia đây là rừng cao su hoang vắng, đất đai cằn cỗi. Bây giờ dày đặc cây xanh, phủ đầy bóng mát chạy dài từ đầu cánh cổng tới cuối hàng rào trại.

Thượng tá Nguyễn Trung Thái, Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Trại tạm giam được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2005. Để có được cơ sở khang trang như hôm nay, nhiều thế hệ đi trước đã phải dày công lao động. Ngoài những khu làm việc, khu biệt giam còn có khu vui chơi, giải trí, sân bóng đá, bóng chuyền giành cho CBCS sau giờ làm việc mệt nhọc.

Thời gian tới, Trại sẽ đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu công tác chuyên môn và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp phục vụ tốt công tác giáo dục can, phạm nhân. Trại đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống, y tế, nâng cao thể trạng cho phạm nhân. Ngoài công tác giáo dục cải tạo, Trại còn phát động 2 đợt thi đua cho phạm nhân hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao để họ phần nào bớt nhớ nhà, yên tâm giáo dục cải tạo.

Trung tá Phan Thế Bảo hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất.

Trung tá Phan Thế Bảo hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất.

Những CBCS phải một lúc phải làm tốt ba chức năng, như: Cảnh vệ, giáo dục và cải tạo lao động phạm nhân. Tuy đã vào trại tạm giam nhưng nhiều phạm nhân vẫn chưa vứt bỏ được “bóng đen” quá khứ. Do vậy, cán bộ quản giáo cũng đặc biệt cảnh giác với mọi hoạt động đã ăn sâu vào máu nghề nghiệp của phạm nhân. Nhiều đêm mưa gió, cả khu trại tối như bưng, những lúc ấy các can phạm nhân đã chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, phía ngoài hành lang ánh đèn pin vẫn chiếu, cán bộ quản giáo vẫn thay nhau canh gác để giữ an toàn cho khu trại.

Với thâm niên 18 năm gắn bó công tác quản giáo, Trung tá Phan Thế Bảo, Phân Trại trưởng Phân trại quản lý phạm nhân, cho biết: “Công việc ngày không giờ, tuần không thứ, nhiều lúc có những công việc đột xuất trong gia đình cũng không về được. Ngày nào, cán bộ quản giáo cũng phải làm đủ các khâu từ quản lý phạm nhân, tổ chức sản xuất, giáo dục can phạm đến giải quyết những tình huống phát sinh. Phải kiên trì, vì phạm nhân lúc mới vào tư tưởng không ổn định. Có lúc chúng tôi rất cứng rắn nhưng nhiều khi cũng phải ứng xử ôn hòa. Muốn phạm nhân hoàn lương phải giải thích cho họ hiểu được pháp luật. Khi họ hiểu được sẽ nhận ra được lỗi lầm của mình”.

Trung tá Phan Thế Bảo dẫn chúng tôi tiếp xúc các phạm nhân đang miệt mài lao động, người nhổ cỏ, người hái rau. Anh bảo: “Phần lớn phạm nhân đều phục tùng kỷ luật trại giam, chịu khó cải tạo lao động. Họ ở nhiều vùng miền, lứa tuổi và cá tính rất khác biệt. Lao động không chỉ giúp cho phạm nhân rèn luyện sức khỏe, quên dần nỗi buồn từ quá khứ. Điều cốt lõi giúp họ hiểu giá trị chân chính nhất của con người là hạnh phúc bắt đầu từ lao động”.

Một phạm nhân trẻ tuổi gây sự chú ý cho chúng tôi bởi dáng dấp thư sinh, ăn nói lịch sự nhẹ nhàng. Chia sẻ về lỗi lầm, Huỳnh Minh Luân (SN 2001), nói: “Do lười biếng lao động và túng tiền tiêu xài, em đã cưỡng đoạt tài sản của người khác. Đến khi bị bắt giữ, được cán bộ nơi đây giáo dục mới nhận ra hành vi sai trái của mình. Để có được đồng tiền phải tạo ra từ chính sức lao động của mình mới quý giá. Em đã vơi bớt mặc cảm, giờ chỉ cố gắng cải tạo để sớm được về với gia đình”.

Còn phạm nhân Trần Văn Ninh (SN 1993) thì cho biết: “Năm 2020, em bị TAND huyện Gò Dầu tuyên án phạt tù về tội cố ý gây thương tích. Những ngày đầu vào trại, em mặc cảm, ngang bướng không chịu chấp hành các nội quy của trại. Hơn hai năm ở trại, em đã nhận ra tội lỗi của mình, yên tâm cải tạo. Năm nay, em được xét, đề nghị giảm án. Nếu được ra trại về đoàn tụ với gia đình thì đó là hạnh phúc lớn nhất của đời em...”.

Theo Trung tá Phan Thế Bảo, niềm vui, niềm hạnh phúc của cán bộ quản giáo là thông qua công tác của mình, cảm hóa, giáo dục phạm nhân để họ sớm được trở về với gia đình và trở thành người có ích cho xã hội.

P.Công – T.Lực

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-nguoi-thay-dan-loi-hoan-luong-i660758/