Những người trẻ đứng ngoài bão giá
Đọc thông tin giá trứng tăng 3.000 đồng/chục, giá xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít, Hải Thanh (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) cho rằng không ảnh hưởng đến mình.
Vài tháng qua, nhiều người quen, bạn bè của Hải Thanh chia sẻ nỗi lo về bão giá và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Nhưng với freelancer này, cuộc sống độc thân và thu nhập khá giúp cô đứng ngoài áp lực.
"Giá cả thực phẩm tăng lên, nhưng sức ăn của tôi khá ít nên tổng thể không ảnh hưởng", Hải Thanh chia sẻ. Cô lại làm việc tại nhà, không tốn kém cho khoản xăng xe. Hiện tại, Thanh vẫn chi tiêu như trước mà không cần thay đổi, cắt giảm.
Theo công bố số liệu kinh tế - xã hội Việt Nam quý I của Tổng cục Thống kê diễn ra hôm 29/3, lạm phát trên thế giới đã tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2022. Nhưng tại Việt Nam, mặt bằng giá nhìn chung vẫn được kiểm soát.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá - cho rằng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn.
Hải Thanh có thói quen mua sắm tại các chợ, cửa hàng tiện lợi gần nhà. Mỗi tháng, cô chi tiêu khoảng 3-4 triệu đồng riêng cho việc ăn uống tại nhà. Chi phí gặp gỡ bạn bè, đi hàng quán của Hải Thanh khoảng 300.000-1,5 triệu đồng mỗi bữa.
Quần áo, mỹ phẩm là khoản chi tốn kém nhất. Theo đó, trước mỗi chuyến du lịch, cô đều chi khoảng một triệu đồng mua sắm đồ mới.
"Tại các hàng quán, tôi nhận thấy giá cả có nhích nhẹ, tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/món. Nhưng đối với tôi, mức tăng như vậy vẫn trong khả năng chi trả cá nhân", cô cho hay. Theo cô sự thay đổi giá cả rõ rệt nhất là chi phí gửi xe ở các nơi công cộng. "Một số lần đến chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ hoặc các cửa hàng mua sắm, tôi đều phải trả 10.000-20.000 đồng cho mỗi lượt gửi xe máy. Trước đây, những nơi này hầu hết vẫn chỉ thu 5.000-10.000 đồng"
Theo Hải Thanh, cô may mắn vẫn giữ được mức thu nhập khá trong thời lạm phát, trong khi không phải gánh vác trách nhiệm khác. Tuy nhiên, nếu giá cả tiếp tục tăng cao mà lương, thưởng dậm chân tại chỗ, cô biết mình sẽ là "nạn nhân" tiếp theo của thị trường.
"Trong tương lai, giá cả mọi thứ tăng gấp đôi, gấp ba hiện tại, tôi chắc chắn sẽ không trụ nổi. Khi đó, tôi buộc phải tìm cách tăng thu nhập lên để thích ứng", cô bày tỏ.
Thùy Linh (25 tuổi, Hà Nội) cũng chung quan điểm. Theo cô, người độc thân, có thu nhập ổn định như mình chưa nhận thấy sự tác động quá lớn của lạm phát.
Cô chi tiêu khá xông xênh cho thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu. Ngoài giờ hành chính, nhân viên văn phòng này vẫn thoải mái ăn uống, cà phê cùng bạn bè.
"Đúng là giờ đây mọi thứ đều đắt đỏ hơn, nhưng vẫn trong khả năng chi trả của tôi. Hơn nữa, tôi hiểu không thể vì bão giá mà ngừng tiêu dùng. Thay vì tiết kiệm, tôi tìm cách kiếm nhiều tiền hơn", cô chia sẻ.
Thùy Linh đi làm tại công sở theo giờ hành chính, mang theo cơm trưa như thói quen nhiều năm qua và có sở thích mua sắm thời trang, mỹ phẩm. Ngoài việc chi trả cho sinh hoạt phí tại đô thị, cô vẫn có một khoản tiết kiệm hàng tháng tương đương 40% thu nhập. Đến thời điểm hiện tại, cô cho biết chưa thay đổi điều gì trong cách chi tiêu của mình.
"Có lẽ do tôi tiêu dùng khá đơn giản, ít khi ăn uống hoặc mua sắm đắt đỏ. Thú thật, tôi chỉ biết đến câu chuyện lạm phát khi đọc tin tức từ báo đài, chứ cá nhân tôi chưa nhận ra điều đó xung quanh mình", Linh nói.
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát do nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa CPI khác nhau ở từng quốc gia. Chẳng hạn, dầu khí - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa CPI của Mỹ và châu Âu - tăng giá mạnh vì nhu cầu phục hồi và xung đột Nga - Ukraine.
"Trong khi đó, lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa CPI của Việt Nam. Sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm của Việt Nam vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân", bà Nguyễn Thu Oanh giải thích.
Từ đầu năm, giá xăng tăng nhiều lần, kèm thêm giá gas cũng ở mức cao đã dẫn đến tình trạng giá thực phẩm và chi phí vận chuyển độn lên nhiều lần. Thế nhưng, vợ chồng Thảo Nguyễn (25 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không quá lo lắng trước cơn bão giá.
Chia sẻ với Zing, Thảo Nguyễn cho biết cô nhận trách nhiệm đi chợ trong gia đình.
Cô thường mua sắm ở siêu thị bên trong khu chung cư mình sinh sống, chỉ ghé qua chợ truyền thống khi cần mua các loại gia vị như lá chanh hay rau thơm.
Ngoài ra, cô cũng tìm mua đồ khô với mức giá hợp lý trên các sàn thương mại điện tử.
Mỗi lần đi chợ của nữ nhân viên văn phòng rơi vào khoảng 50.000-150.000 đồng, chủ yếu là các loại rau củ, hoa quả và đồ ăn vặt.
Cô cho biết sở dĩ chi phí mua nhu yếu phẩm thấp như vậy là nhờ gia đình nội, ngoại thường xuyên "tiếp tế" cho hai vợ chồng.
"Hai mẹ đều có sở thích đi chợ. Mỗi lần về nhà, các mẹ lại cho thịt, hải sản và nhiều loại thực phẩm khác đủ để ăn cả tuần. Nhờ đó, hai vợ chồng tiết kiệm được một khoản kha khá", cô chia sẻ.
Cũng vì vậy, Thảo Nguyễn và chồng, một chuyên viên công nghệ thông tin 30 tuổi, không đặt ngân sách đi chợ hàng tháng. Khi đi siêu thị, họ ưu tiên lựa chọn sản phẩm dựa trên sở thích ăn uống, nhãn hàng quen thuộc, chất lượng rồi mới quan tâm đến mức giá và các chương trình giảm giá, khuyến mãi.
Ngoài ra, do tính chất công việc bận rộn, khó sắp xếp lịch nghỉ phép, hai vợ chồng thường dành ngày nghỉ ở nhà hoặc thăm gia đình hai bên nội, ngoại, thay vì ăn uống ngoài nhà hàng hay đi du lịch.
"Có thể nói, chúng tôi không quá áp lực về tài chính. Mọi khoản chi đều chỉ xoay quanh những chi tiêu cơ bản trong gia đình nên tôi cảm thấy áp lực tiền bạc khá nhẹ nhàng", cô nói.
Với tổng thu nhập khoảng 30-35 triệu đồng/tháng, vợ chồng Trà My (24 tuổi, Hà Nội) cảm thấy chưa cần quá chi li trong chi tiêu gia đình.
Cô đi chợ 3-4 lần/tuần, mỗi lần chi 200.000-800.000 đồng để mua thực phẩm, đồ ăn vặt và sản phẩm gia dụng.
Trà My cho biết cô thường mua thực phẩm ở chợ truyền thống vì giá cả có phần rẻ hơn và dễ chọn lựa mặt hàng mong muốn. Còn về đồ gia dụng và những loại gia vị đặc biệt, cô sẽ tìm mua tại các siêu thị.
Trà My thừa nhận vì mới lập gia đình chưa đầy một năm, cô chưa phải một người đi chợ chuyên nghiệp. Cô không để tâm đến vấn đề tăng giá, trừ những mặt hàng có mức tăng đột biến, cũng như không có thói quen ghi nhớ giá sản phẩm để so sánh giữa mỗi lần mua sắm.
"Chúng tôi thường mua sắm tùy theo nhu cầu sử dụng, không đặt ra ngân sách cố định hàng tháng. Hai vợ chồng cảm thấy chưa cần phải tiết kiệm lúc này, nhất là khi không phải lo nghĩ về vấn đề tài chính. Chắc cần một thời gian nữa, khi cả hai quyết định có em bé, chúng tôi mới cẩn thận hơn trong chi tiêu", cô nói.
Theo AFP, cuộc khủng hoảng chi tiêu đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi có thể là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng chung dễ gặp hiện giờ là dân văn phòng, sinh viên mới ra trường đều phải vật lộn với tiền thuê nhà cao ngất ngưởng, lạm phát bữa trưa, giá xăng tăng.
46% Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012) rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính khi thừa nhận tiền lương của họ chỉ đủ sống qua ngày, theo khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte thực hiện với 14.808 người Gen Z trên 46 nước.
Ở thế hệ Millennials, tình thế cũng không khấm khá hơn.
"Mỗi người có thể gặp khủng hoảng lạm phát vào các giai đoạn khác nhau, nhưng thế hệ dưới 30 tuổi ngày nay thường làm thuê và kiếm được ít tiền hơn so với những người cùng độ tuổi vào những năm 1990. Tùy thuộc vào tình hình ứng phó lạm phát ở mỗi quốc gia, mỗi người phải có kế hoạch chi tiêu thận trọng và chuẩn bị tinh thần để không gặp cú sốc với việc giá cả tăng vọt nhưng thu nhập không thay đổi", nhà lập kế hoạch tài chính điều lệ Rosie Hooper khẳng định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-tre-dung-ngoai-bao-gia-post1325044.html