Những nguy cơ khi mổ lấy thai nhiều lần

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công một số trường hợp biến chứng vỡ tử cung do có thai lớn ở sản phụ có tiền sử mổ lấy thai nhiều lần. Từ nhiều nghiên cứu, các bác sĩ cảnh báo sản phụ không nên chủ động lựa chọn mổ lấy thai thay thế cho việc chuyển dạ tự nhiên khi chưa có chỉ định chuyên môn.

Nhiều trường hợp nguy kịch

Vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trường hợp thai phụ Nguyễn Thị L. (39 tuổi, TP. Cam Ranh) vào bệnh viện trong tình trạng đau bụng nhiều và choáng nặng, huyết áp không đo được. Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp bác sĩ Khoa Cấp cứu vừa tiến hành hồi sức vừa hội chẩn với các khoa liên quan. Kết quả chẩn đoán ban đầu là cần theo dõi vỡ tử cung ở thai phụ mang thai 24 tuần với tiền sử có vết mổ cũ lấy thai 2 lần. Xác định đây là một tai biến sản khoa rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nên bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu ngay lập tức.

Phẫu thuật cứu sống trường hợp vỡ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phẫu thuật cứu sống trường hợp vỡ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong quá trình phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân được ghi nhận rất phức tạp. Vết mổ cũ làm dính toàn bộ thành trước tử cung vào thành bụng, ổ bụng có khoảng 2.500ml máu tươi và máu cục; nhau thai bám xuyên vết mổ cũ gây thủng tử cung đang chảy máu. Ê-kíp bác sĩ Khoa Phụ sản của bệnh viện đã cẩn trọng và khẩn trương xử lý kịp thời tình trạng rối loạn đông máu. Sau gần 3 giờ, ca mổ thành công. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, sản phụ đã được xuất viện.

Cũng trong phiên trực cùng ngày, ê-kíp bác sĩ của bệnh viện đã chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời một trường hợp vỡ tử cung mang song thai 19 tuần, tiền sử mổ lấy thai 2 lần. Kết quả sau phẫu thuật, các bác sĩ đã bảo tồn thành công tử cung cho bệnh nhân, sản phụ ra viện sau 7 ngày điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Hoàng Phong - Trưởng khoa Phụ sản cho biết, 2 trường hợp vỡ tử cung gặp trong cùng một phiên trực là điều hiếm gặp, nhất là tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Điểm chung của cả 2 trường hợp là có tiền sử mổ lấy thai 2 lần, thai kỳ còn nhỏ, trong khi đa phần các trường hợp vỡ tử cung được ghi nhận khi thai kỳ sau 29 tuần. Hiện nay, theo các số liệu cho thấy, tỷ lệ mổ lấy thai tại Việt Nam đang ở mức cao, các biến chứng của tiền sử mổ lấy thai gặp ngày càng nhiều và phức tạp hơn.

Nhiều biến chứng

Theo bác sĩ Phạm Hoàng Phong, mổ lấy thai là một phẫu thuật nhằm đưa thai nhi ra ngoài qua vết rạch trên tử cung và thành bụng. Phương pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tai biến và tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh ở những trường hợp khó sinh hoặc không thể sinh qua ngả âm đạo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mổ lấy thai làm tăng nguy cơ biến chứng cho thai kỳ tiếp theo so với sinh thường.

Xác suất gặp phải các biến chứng ở thai kỳ tương lai sẽ càng tăng khi số lần mổ lấy thai càng nhiều. Nguy cơ sản phụ có thể gặp nhiều nhất là vỡ tử cung. Thai phụ có vết mổ cũ 2 lần có nguy cơ vỡ tử cung cao gấp đôi so với vết mổ cũ 1 lần. Bên cạnh đó, các tổn thương trong quá trình mổ lấy thai và lành vết thương sau mổ lấy thai có thể khiến sản phụ khó có thai, tăng nguy cơ thai lưu và sảy thai sớm cho thai kỳ trong tương lai. Cùng với đó là nguy cơ thai bám sẹo mổ lấy thai (một dạng của thai ngoài tử cung), dẫn đến một số biến chứng rất nghiêm trọng như: chảy máu ồ ạt, vỡ tử cung, bánh nhau xuyên qua sẹo mổ, xâm lấn, gây tổn thương bàng quang... Ngoài ra, những sản phụ có sẹo mổ cũ trên tử cung còn có nguy cơ sinh non, băng huyết sau sinh cao hơn so với bình thường...

Bác sĩ Phạm Hoàng Phong khuyến cáo, các sản phụ không nên chủ động lựa chọn mổ lấy thai thay thế cho việc chuyển dạ, sinh đẻ tự nhiên khi chưa có chỉ định chuyên môn. Phụ nữ đã mổ lấy thai nhiều lần nên cân nhắc kỹ các nguy cơ trước khi quyết định mang thai lại. Trong trường hợp quyết định mang thai, thai phụ nên khám thai đúng định kỳ tại các cơ sở y tế có uy tín...

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202406/nhung-nguy-co-khi-mo-lay-thai-nhieu-lan-a9f73b9/