Những nô lệ tình dục của phiến quân FARC

Trong cuộc nổi dậy ở Colombia, nhiều bé gái đã bị bắt khỏi nhà để gia nhập hàng ngũ quân nổi dậy. Những bé gái này đã bị hiếp, ép triệt sản và ép phá thai một cách dã man.

Người ta thường gọi tình trạng hỗn loạn ở Colombia nhiều năm về trước là một cuộc chiến vô hình. Tuy nhiên, đối với trẻ em và thanh thiếu niên bị đẩy vào chiến trường ở đây, bạo lực là vô cùng rõ ràng.

Trong cuộc xung đột dân sự đẫm máu kéo dài hơn 50 năm đó, tuổi thơ, sự trong trắng và cả mạng sống của gần 17.000 binh sĩ trẻ em đã bị cướp đi. Và những đứa trẻ này không chỉ là bia đỡ đạn.

 Tòa án xét xử tội ác chiến tranh ở Colombia đang lấy lời khai về việc chiêu mộ trẻ em bất hợp pháp của FARC. Ảnh: AFP.

Tòa án xét xử tội ác chiến tranh ở Colombia đang lấy lời khai về việc chiêu mộ trẻ em bất hợp pháp của FARC. Ảnh: AFP.

Bị bắt cóc và cưỡng hiếp

Các bé gái và đôi khi là các bé trai được chiêu mộ để trở thành nô lệ tình dục. “Tôi như là một món đồ chơi mới”, cô Yamile Noscúe, người đã bị bắt cóc bởi quân nổi dậy khi mới 15 tuổi vào năm 2005 nói với Telegraph. “Về cơ bản thì tôi đã trở thành con điếm trá hình của họ”, cô chua chát.

Chỉ vài giờ sau khi đến một nơi đóng quân thuộc Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (Farc) ở Tolima, miền trung Colombia, Yamile đã bị cưỡng hiếp và tấn công tình dục. Cô đã phải chịu đựng như vậy trong suốt hai năm.

“Sau khi chỉ huy động vào một cô gái thì tất cả những người khác cũng có thể làm như vậy bất cứ khi nào họ muốn. Các vụ hiếp dâm xảy ra liên tục”, Yamile nói thêm.

Vụ việc của Yamile đang được tòa án tội ác chiến tranh Colombia điều tra. Tòa án này được lập ra theo thỏa thuận hòa bình năm 2016 giữa chính phủ Colombia và phiến quân Farc. Tòa sẽ bắt đầu xét xử về việc chiêu mộ trẻ bất hợp pháp vào tháng 1 và các cựu chỉ huy du kích sẽ bị thẩm vấn về những vụ lạm dụng tình dục đã xảy ra.

 Cô Yamile Noscue, cựu chiến binh Farc và nạn nhân của việc cưỡng ép phá thai. Ảnh: Telegraph.

Cô Yamile Noscue, cựu chiến binh Farc và nạn nhân của việc cưỡng ép phá thai. Ảnh: Telegraph.

Cô Yamile, hiện 29 tuổi, đã cố gắng báo lại việc mình bị lạm dụng tình dục với các chỉ huy nữ, nhưng đã bị lờ đi. “Trở thành công cụ tình dục là cách cô đóng góp cho cách mạng”, họ đã nói với Yamile như vậy.

“Vì bị hiếp nên tôi đã có thai. Tôi thậm chí còn không biết cha đứa bé là ai. Đó có thể là bất kỳ ai trong doanh trại”, Yamile nói. Yamile mang thai ở tuổi 16. Khi thai kỳ đã được 6 tháng, cô buộc phải bỏ đứa bé. “Họ đè tôi xuống và bắt tôi uống thuốc. Tôi cảm thấy không khỏe và tôi bị ra huyết. Nó rất đau”, cô nhớ lại.

Yamile là một trong những cựu nữ chiến binh ra làm chứng cho các vụ lạm dụng tình dục. Việc dám lên tiếng đã khiến cô phải trả giá.

Cô đã bị theo dõi và đe dọa nhiều lần bởi những người đàn ông đeo mặt nạ, họ bảo cô hãy im miệng và quên đi.

1000 ca phá thai mỗi năm

Năm 2016, một báo cáo từ các công tố viên Colombia cho biết đã có ít nhất 214 trường hợp các cô gái bị cưỡng hiếp, ép triệt sản, bắt phá thai và các hình thức bạo lực tình dục khác dưới bàn tay của du kích Farc.

Báo cáo này cũng ước tính rằng có thể có tới 1000 ca phá thai mỗi năm được thực hiện bởi quân nổi dậy.

 Bà Victoria Sandino, cựu chỉ huy du kích và hiện là thượng nghị sĩ của đảng Farc. Ảnh: Telegraph.

Bà Victoria Sandino, cựu chỉ huy du kích và hiện là thượng nghị sĩ của đảng Farc. Ảnh: Telegraph.

Cô Camila - người giấu tên thật vì quá sợ hãi - đã bị du kích đưa khỏi nhà khi cô mới 14 tuổi. Khi mang thai một năm sau đó, cô bị tiêm thuốc và bị đưa lên bàn mổ trái với ý muốn của mình. “Tôi chỉ nhớ là tôi tỉnh dậy và thấy rằng mình chảy rất nhiều máu”, Camila nhớ lại.

Giờ đây, Camila phải vật lộn với căn bệnh suy thận mạn tính do bị phá thai mà không đảm bảo an toàn. Tổ chức Liên kết Phụ nữ Toàn cầu đã nộp một báo cáo về hành vi bạo lực sinh sản của Farc lên tòa án tội ác chiến tranh vào tháng 10/2019.

“Hoạt động phá thai đã được tiến hành trong điều kiện mất vệ sinh và không an toàn. Đôi khi, họ sử dụng thuốc hoặc các phương pháp không chính thống để chấm dứt thai kỳ. Họ cũng sử dụng phương pháp phẫu thuật”, bà Mariana Ardila, một trong những luật sư của tổ chức trên nói với Telegraph.

Các nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục bên trong lực lượng Farc nói rằng ép phá thai là một chính sách của lực lượng du kích để đảm bảo rằng doanh trại không đầy trẻ em.

 Báo cáo năm 2016 cho biết đã có ít nhất 214 trường hợp các cô gái bị cưỡng hiếp, ép triệt sản, bắt phá thai và các hình thức bạo lực tình dục khác dưới bàn tay của du kích Farc. Ảnh: AFP.

Báo cáo năm 2016 cho biết đã có ít nhất 214 trường hợp các cô gái bị cưỡng hiếp, ép triệt sản, bắt phá thai và các hình thức bạo lực tình dục khác dưới bàn tay của du kích Farc. Ảnh: AFP.

Điều này đã bị bà Victoria Sandino phủ nhận. Bà Sandino từng là một chỉ huy du kích và hiện là thượng nghị sĩ của đảng Farc. Sau hiệp ước hòa bình, Farc đã chấm dứt các hoạt động quân sự và chuyển đổi thành một đảng phái chính trị hợp pháp ở Colombia.

“Đó không phải là một chính sách hay một quy tắc. Tôi không hề biết về nó và tôi chắc chắn không đặt ra nó”, bà Sandino nói với Telegraph. “Tất nhiên vụ việc này cần phải được điều tra, nhưng thật vô lý khi phụ nữ được chiêu mộ chỉ để phục vụ cho nhu cầu tình dục. Ngoài ra, trong chiến tranh, phải hiểu rằng không thể mang thai. Điều bắt buộc phải làm là tránh thai”.

Bà Sandino thừa nhận rằng có hoạt động phá thai trong cuộc nổi dậy. “Là phụ nữ, chúng tôi có lựa chọn đó”, bà nói. “Giống như chúng tôi có thể rời lực lượng nổi dậy và lập gia đình nếu đó là điều mà chúng tôi muốn, và nhiều phụ nữ đã làm như vậy”.

Theo Yamile, sự thật không phải vậy. “Bạn của tôi bị xử tử, bị xử bắn vì họ muốn giữ đứa bé. Chúng tôi không được lựa chọn”, cô nói. “Hoặc là bạn bỏ thai hoặc là bạn bị bắn.

"Kẻ ác phải trả giá"

Câu chuyện của Héctor Albeidis Arboleda, thường được gọi là “Y tá” hoặc “Bác sĩ”, cũng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phụ nữ có thể chọn ra khỏi lực lượng phiến quân.

Tháng 3/2017, ông bị dẫn độ từ Tây Ban Nha sang Colombia. Ông bị buộc tội thực hiện hơn 500 ca phá thai bắt buộc trên các nữ chiến binh và hiện bị giam giữ trong một nơi được canh gác cẩn thận trong khi chờ xét xử.

 Lãnh đạo của Farc, ông Rodrigo Londonõ (hay còn gọi là Timochenko), phát biểu trong buổi lễ ở Medellín. Ảnh: Telegraph.

Lãnh đạo của Farc, ông Rodrigo Londonõ (hay còn gọi là Timochenko), phát biểu trong buổi lễ ở Medellín. Ảnh: Telegraph.

“Bất kì điều gì ép buộc làm đều là quyết định của chỉ huy”, ông Sandino nói.

Những người bị buộc phải phá thai không được nhà nước Colombia xem là nạn nhân. Nhà nước Colombia coi họ là những kẻ nổi dậy hơn là những người trải qua các vụ tấn công tình dục và bạo lực sinh sản.

Tuy nhiên, vào tuần trước, Tòa án Hiến pháp của Colombia đã ra phán quyết bác bỏ chính sách này. Những phụ nữ như Yamile và Camila đảm bảo được bồi thường.

“Nhà nước phải bảo đảm sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em gái, thanh thiếu niên và người lớn tuổi đã trải qua bạo lực tình dục do lực lượng vũ trang gây ra”, theo phán quyết.

 Gần 17.000 binh sĩ trẻ em đã bị cướp đi tuổi thơ họ trong cuộc xung đột dân sự đẫm máu kéo dài hơn 50 năm. Ảnh: AFP.

Gần 17.000 binh sĩ trẻ em đã bị cướp đi tuổi thơ họ trong cuộc xung đột dân sự đẫm máu kéo dài hơn 50 năm. Ảnh: AFP.

Trong một sự kiện gần đây ở Medellín được tổ chức để tưởng nhớ 2,3 triệu nạn nhân trẻ tuổi của cuộc xung đột ở Colombia, lãnh đạo của Farc, ông Rodrigo Londonõ (hay còn gọi là Timochenko) không thừa nhận có việc lạm dụng tình dục xảy ra trong hàng ngũ du kích. Ông chỉ xin lỗi các thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên trong nước đã phải chịu đựng cuộc chiến.

“Chúng tôi đã gây ra đau đớn và sự đau khổ. Nhiều đứa trẻ đã chết, nhưng đó không bao giờ là ý định của chúng tôi”, ông nói. “Chúng tôi xin lỗi vì điều đó”.

Đối với Yamile, lời xin lỗi này chưa đủ. “Họ phải trả giá cho những gì họ đã làm”, cô nói. “Tôi chỉ hy vọng họ nhận được hình phạt mà họ đáng phải nhận”.

Như Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-no-le-tinh-duc-cua-phien-quan-farc-post1033263.html