Những nỗi đau vẫn còn đeo đẳng các gia đình nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh đã đi xa hơn một nửa thế kỷ, nhưng với những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn không thể kể hết nỗi đau da cam để lại, đeo đẳng suốt cuộc đời họ.

Con gái mất mới biết bị nhiễm chất độc da cam

Ông Nguyễn Phúc Ba 77 tuổi, ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương mặc áo khoác ngồi đơn côi trước cửa căn nhà chồng gạch sơ sài, gương mặt hóp sâu, gầy gò. Thấy khách vào nhà, ông vội đi tìm cây quạt cũ lạch cạch bật lên, nhưng cánh quạt vẫn đứng im.

Ông Nguyễn Phúc Ba mặc áo khoác quanh năm vì lúc nào cũng thấy lạnh. (Ảnh: Đăng Ninh)

Ông Nguyễn Phúc Ba mặc áo khoác quanh năm vì lúc nào cũng thấy lạnh. (Ảnh: Đăng Ninh)

Ông cười bảo: “Từ ngày đi chiến trường về, tôi bị sốt rét liên miên, lúc nào cũng thấy lạnh, bốn mùa tôi đều mặc áo khoác. Hiếm có tháng nào tôi không bị 1 – 2 trận sốt rét hành hạ, khi thì cả tuần, khi thì 10 ngày mới dứt. Vì vậy tôi không dùng đến quạt, điều hòa lại càng không. Ra đường con cháu đều gắn cho tôi cái tên “ông Ba dở, ông Ba điên…”.

Ông Nguyễn Phúc Ba tham gia mặt trận ở Quảng Trị năm 1968, công tác tại Trung đoàn kéo pháo 68, Sư đoàn 325, Quân khu 3.

Sau giải phóng, ông về phục viên do sức khỏe kém, rồi cha mẹ giới thiệu cho ông xây dựng gia đình. Vì vẫn phải lo kinh tế, nên ông đi làm công nhân mỏ than ở Quảng Ninh.

Tai họa tìm đến gia đình khi vợ chồng ông sinh con gái đầu lòng Nguyễn Thị Hánh (SN 1976) là đứa trẻ chân tay teo tóp, cả người quái dị. Nhiều năm hai vợ chồng lo tích góp, vay mượn chạy chữa cho con gái khắp nơi mà không khỏi.

Ông Ba kể: “Con Hánh sinh ra đã dị dạng, lên 5 tuổi vẫn không biết đi, không nói được và nhận thức cũng ngu ngơ, chỉ ngồi một chỗ, thương con mà vợ chồng tôi đành bất lực”.

Vợ chồng ông Ba sinh thêm một con trai và hai con gái. May là ba đứa em của Hánh đều có hình hài bình thường, duy có điều nhận thức đều không nhanh nhẹn, sức khỏe kém, đau ốm thường xuyên. Hầu như mọi việc nặng, lớn nhỏ trong nhà chỉ có bà Nguyễn Thị Hiền, vợ ông Ba gánh vác, chăm sóc con gái tật nguyền và ba con nhỏ đều chậm phát triển.

Ngày nọ, Nguyễn Thị Hánh bị ngã xuống giếng nhà hàng xóm. Ông Ba nghẹn ngào nhớ lại: “Hôm ấy con Hánh vẫn tha thẩn ra đường làng chơi, nhưng tối không thấy nó về, vợ chồng tôi và nhiều người đi tìm kiếm, mãi đến trưa hôm sau mới phát hiện chiếc dép của Hánh cạnh giếng nhà hàng xóm. Năm ấy nó mới 24 tuổi, chưa biết yêu đương, chưa một lần biết đến niềm vui của cuộc sống.

Tôi đến giờ vẫn đau xót cho con Hánh, đến khi con mất đi tôi vẫn không biết con bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Mãi đến năm 2003, tôi được địa phương đưa đi khám mới biết mình di truyền cho con gái. Giá mà biết sớm hơn, con Hánh sẽ được mọi người yêu thương, cảm thông nhiều hơn, chứ không bị xa lánh, hắt hủi và cô đơn mà đi mãi…”.

Chăm chồng và đàn con đau yếu quanh năm, gần như cả đời làm vợ, làm mẹ của bà Nguyễn Thị Hiền đầu tắt mặt tối. Bà bị tai biến và mất năm 2017. Từ khi biết ông Ba là nạn nhân da cam, ba người con của ông, dù không nhanh nhẹn, nhưng vẫn xây dựng gia đình, sinh con cái và đi làm công nhân ở nhà máy với công việc đơn giản.

Giọng ông Ba buồn bã nói: “Chỉ có Nguyễn Thị Hồng, con gái thứ ba đã ly hôn chồng, ông cho mẹ con chị căn nhà cấp 4 phía sau nhà, ở gần ông nhất. Chị Hồng hàng ngày đi làm công ty, nuôi một con nhỏ. “Vài ngày con cháu ghé qua thăm tôi, có lúc tôi sốt rét, ốm đau vẫn phải gắng gượng một mình, chờ khi nào con cháu về thăm đưa đi bệnh viện”.

Nỗi khổ khi chồng, con "khác người"

Khác với sự cô đơn, hiu hắt tuổi già của ông Nguyễn Phúc Ba, căn nhà của vợ chồng ông Bùi Văn Bém, thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận lại có tiếng nói cười rầm rì của vợ chồng, con cháu ông.

Vợ chồng ông Bùi Văn Bém cạn kiệt sức lực và nước mắt với gia đình da cam của mình. (Ảnh: Đăng Ninh)

Vợ chồng ông Bùi Văn Bém cạn kiệt sức lực và nước mắt với gia đình da cam của mình. (Ảnh: Đăng Ninh)

Năm 1968, ông chiến trường ở Đoàn pháo binh Biên Hòa, thuộc Lữ đoàn 77, Quân chủng phòng không không quân, Quân khu 7, đến tháng 5/1975. Sau giải phóng, ông về làm quân quản ở Tỉnh Đội Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai. Năm 1980, ông Bém về phục viên.

Ông Bém vừa nói, vừa đưa cho tôi xem tấm hình đen trắng chụp con trai thứ 4 của ông với ánh mắt đau xót: “Nói về nỗi đau da cam, cô nhìn tấm hình này đi, bốn đứa con vợ chồng tôi sinh ra đều như thế này cả. Đứa nào cũng dị dạng, da thì như con ếch bị lột da, lúc mới sinh có thể nhìn thấy toàn bộ lục phủ ngũ tạng bên trong, bụng đều trướng lên như có bầu 6-7 tháng.

Thực sự, đó là những năm tháng điêu đứng nhất với 2 vợ chồng tôi, vì sinh đứa con nào cũng “khác người”. Lại thêm nhiều lời ác ý xung quanh rằng, do vợ chồng tôi ăn ở kiếp trước bạc ác, kiếp này bị quả báo mới không đẻ nổi đứa con nào lành lặn”.

Lúc sinh con gái đầu là chị Bùi Thị Biên (SN 1979), vượt cạn xong bà Đoàn Thị Nhiều vợ ông Bém bàng hoàng, sợ hãi, đưa tay run rẩy nhận con khi thấy ánh mắt các y tá xung quanh im lặng, không nói lời chúc mừng như với sản phụ khác.

Bà Nhiều, vợ ông Bém nhớ lại: “Ôm con mới sinh từ bệnh viện về, mọi nhà thì vui mừng đón rước, còn nhà tôi lặng lẽ ôm con vào phòng trong bọc kín lại”.

Cứ thế đến 10 tuổi, Biên hầu như chỉ chơi trong sân nhà, ít ra ngoài đường. Lần lượt vợ chồng bà Nhiều sinh tiếp ba con trai sau Biên, khi sinh ra cơ thể đều giống hệt với chị mình. Và người con trai thứ hai của ông bà cũng không qua khỏi sau một đợt ốm nặng, lúc mới 4 tuổi.

Bà Nhiều kể: “Không thể kể hết nỗi khổ có chồng và con nhiễm chất độc da cam mà tôi đã trải qua. Có lúc kiệt sức và cạn nước mắt khi cả ba đứa con và chồng cùng đi viện một lúc.

Có lần tôi vừa chăm chồng 10 ngày ở viện xong, đưa chồng về nhà, tôi lại lần lượt đưa các con vào viện tiếp. Cứ thế tiền thuốc thang, sức cùng lực kiệt, gia đình tôi không biết sẽ gắng gượng được mấy ngày nữa”.

Năm 2003, ông Bém được hưởng trợ cấp của nạn nhân chất độc da cam, những lời ác ý, nguyền rủa gia đình ông mới chấm dứt. Cả ba đứa con của vợ chồng ông Bém nay đều trưởng thành, nhưng sức khỏe kém, da dẻ càng lớn càng nhăn nheo, sần sùi, nhất là cậu út Bùi Văn Ban mắt kém, gan và lá lách đều bị cắt, trải qua 4 lần đại phẫu để giữ được mạng sống.

Giờ anh Ban có vợ và ba đứa con, nhưng cậu con trai Bùi Văn Bảo (SN 2009) chân tay lèo khèo, phải có người hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày và không có nhận thức.

Ngồi cạnh chồng, bà Nhiều rơm rớm nước mắt nói: “Số nhà tôi khổ thì phải chịu thôi. Giờ thằng cháu Bảo là tội nhất, bố nó sức khỏe yếu đau, mẹ đi làm xa, cả đời tôi cứ hết chăm con, lại nuôi cháu tàn tật. Chỉ mong đến lúc tôi chết đi, cháu nó cũng tự chăm sóc được bản thân cho đỡ tội một đời nó”.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam xã Thượng Quận cho biết: “Gia đình ông Ba và ông Bém là những hộ nạn nhân đặc biệt khó khăn của địa phương. Xã có hơn 10 trường hợp nhiễm chất độc da cam. Trong đó, thế hệ thứ ba có cháu của ông Bùi Văn Bém, nhưng đến nay chưa được xác nhận để hưởng trợ cấp của Nhà nước.

Hơn nữa, với các gia đình nạn nhân da cam, các con cháu dù không có biểu hiện rõ ràng bị di chứng từ bố, nhưng sức khỏe và nhận thức đều kém, dù cả đời thiệt thòi thì bản thân họ và gia đình phải tự gồng gánh chăm nhau. Chúng tôi ở địa phương cũng chỉ động viên tinh thần thôi”.

Chia sẻ về những nỗi đau của các nạn nhân da cam ở địa phương, Đại Tá Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Hải Dương, cho biết: “Tỉnh Hải Dương hiện có trên 8.000 nạn nhân da cam/dioxin, trong đó, nạn nhân trực tiếp trên 6.000, gián tiếp gần 2.000 người.

Đại Tá Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Hải Dương, trao quà và thăm hỏi gia đình ông Vũ Hồng Hà, xã Hồng Khê, huyện Bình Giang (nhà có ba thế hệ, bố, con, cháu) đều nhiễm chất độc da cam. (Ảnh: Đăng Ninh)

Đại Tá Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Hải Dương, trao quà và thăm hỏi gia đình ông Vũ Hồng Hà, xã Hồng Khê, huyện Bình Giang (nhà có ba thế hệ, bố, con, cháu) đều nhiễm chất độc da cam. (Ảnh: Đăng Ninh)

Trong số này, có hơn 100 nạn nhân là nữ. Dù vậy, những người mẹ, người vợ trong gia đình có nạn nhân da cam mới là người gánh chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn, tủi hổ nhất trong các gia đình có chồng, con nhiễm chất độc da cam”.

Theo Đại tá Vũ Xuân Thu, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều nạn nhân tuổi cao, sinh hoạt khó khăn, bên cạnh đó còn thế hệ thứ hai, thứ ba cũng vô cùng vất vả. Họ bị di chứng chất độc hóa học từ đời cha ông, sinh ra đã phải sống thực vật, không làm ra của cải vật chất, mà vẫn cần người hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.

Nạn nhân da cam đang rất cần sự chung tay, sẻ chia của toàn xã hội, giúp họ xoa dịu bớt nỗi đau da cam ám ảnh suốt cuộc đời họ, phần nào để nạn nhân da cam sớm ổn định cuộc sống”.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; nhiều người trong số đó đã mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ.

Di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải gánh chịu.

Đăng Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-noi-dau-van-con-deo-dang-cac-gia-dinh-nan-nhan-chat-doc-da-cam-237892.html