Những ông béo của Ninh

Nguyễn Đoan Ninh là một họa sĩ thường tự trào với lối vẽ tự họa hơi cường điệu. Nhưng xem tự họa của anh, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy chính mình trong ấy.

Tôi nhớ anh Nguyễn Đoan Ninh có một tấm hình chụp bên cạnh bức tranh toàn những mặt nạ mà anh tự họa chính mình. Thân hình đồ sộ, cái đầu trọc và cặp ria kiểu D'Artagnan khiến anh khó mà lẫn được với người khác.

Tôi thích những ông béo trong tranh Ninh. Thích cả cách anh tự họa chính mình. Điều đó thật “An toàn”, trong mọi nhẽ.

Chuyện làng văn nghệ còn ghi, hồi “Chí Phèo” đã nổi nang, một ông lý trưởng tìm đến Nam Cao mà trách giận “Sao ông nỡ viết tôi như Bá Kiến?”; Gần chúng ta hơn, có người còn đạp cửa phòng làm việc của nhà văn Lê Lựu ở phố nhà binh Lý Nam Đế đòi… chia nhuận bút, bởi người ta tự nhận mình là nguyên mẫu của nhân vật Núi, con ông Đại trong tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” mà sau này chuyển thể thành bộ phim rất ăn khách.

Viết chuyện bịa đã vậy, tả thực thì không biết những nguyên mẫu sẽ tìm tận chân giường tác giả mà hạch sách những gì.

Kể những chuyện ấy để thấy họa sĩ Đoan Ninh tự họa chính mình (và họa cả những người thân yêu – hiểu anh) thật sự là một điều “an toàn” trong hành trình sáng tạo. Không một ai có quyền bắt bẻ anh về điều đó.

Nói là nói vậy, nhưng tự viết về mình, tự họa mình, tự giễu mình cần có một kiến thức và nhãn quan và cả thái độ của bản thân cao hơn cái chuẩn Standard của An Toàn rất nhiều.

Nhiều lần xem tranh của Ninh, tôi bất giác nhớ về câu nói của cha đẻ “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” - Karl Marx – khi trò chuyện với con gái mình, ông nói: “Không gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”. Trong tranh của Ninh có thể nói rằng, những gì thuộc về con người đều có trong tranh của anh.

Thực thế. Xem tranh Ninh thấy hiểu anh hơn, hiểu bản thân hơn, và thấu hiểu cả cách đời sống xung quanh đang vận hành. Những yêu thương ào ạt, những trần trụi và giằng xé trong tâm trí con người hiện ra như sóng cuộn dưới mặt sông phẳng lặng.

Nguyễn Đoan Ninh vẽ nhiều, vẽ khỏe và dùng đủ mọi chất liệu. Không biết là ngẫu nhiên hay là chủ ý, những ông béo của Ninh thường được nằm trên giấy dó hay giấy giang của người Mông, cái thứ giấy được làm theo lối cũ và luôn làm hiện ra những màu sắc chân thực như nó vốn có dù quan sát từ bất cứ góc nhìn nào. Chỉn chu về bố cục, sắc sảo về kỹ thuật, nhưng những nét mộc mạc, đơn sắc mới là thứ khiến tôi say sưa trong tranh anh.

Những ông béo trong tranh Ninh là điển hình của hình mẫu “thất hình đại tội” – bảy tội lỗi lớn nhất của con người: Kiêu ngạo, Tham lam, Dục vọng, Lười biếng, Đố kị và Háu ăn.

Trong cuộc đời này, con người ta có thể béo gầy, cao thấp, nhưng trong tranh của Nguyễn Đoan Ninh, tất cả quy về một một khuôn duy nhất: Những ngấn mỡ ngồn ngộn, xô lệch vào nhau, những cặp mắt híp, nọng cằm, những bàn tay chuối mắn chùi bộ ria mép bóng nhờn mỡ màng như chèn ép, xô đẩy nhau như thể muốn vút ra khỏi mặt toan, phá vỡ khung tranh để một lần được thật thà dưới ánh sáng.

Biểu cảm của những ông béo trong tranh của Đoan Ninh chạm đến những điều ẩn sâu nhất trong suy nghĩ của con người. Đằng sau những tội lỗi, xấu xa, đê tiện của con người là những yêu thương thật thà nhất. Bởi chỉ có thừa nhận bản nguyên của chính mình mới có thể yêu thương bản thân và yêu thương những gì tồn tại xung quanh, giống như cách những người lương thiện trung thực với bản thân. Bởi lẽ, nếu không thể trung thực với bản thân mình thì chỉ có thể là kẻ đạo đức giả.

Thế nên, dù tự họa chính mình, nhưng tôi tin rằng, bất kỳ ai xem tranh của anh cũng tìm thấy mình trong những ông béo của Ninh.

Hà Nội, Mùa Đông 2020.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-ong-beo-cua-ninh-post107883.html