Những 'ông chủ' 8X trên núi Nhạc

Cuối hạ, nhưng vẫn nóng nắng gay gắt. Thời tiết thế này mới thấy màu xanh thật quý giá, thân thương biết nhường nào. Núi Nhạc Sơn, vành đai xanh bao bọc phía Tây Bắc thành phố Lào Cai ngát hương vi vu gió. Tôi đã có một ngày hòa mình với thiên nhiên, đến với những nông dân 'nửa thị, nửa quê', thấy cuộc sống bà con nơi đây đang vươn lên trong nếp nghĩ, cách làm. Những công dân xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) đang hướng đến nền sản xuất hữu cơ an toàn. Mặc dù con đường đến hạnh phúc còn nhiều chông gai.

Khu sản xuất công nghệ cao trồng dưa lê vân lưới của HTX Trọng Tín.

Khu sản xuất công nghệ cao trồng dưa lê vân lưới của HTX Trọng Tín.

Đồng Tuyển theo tiếng Giáy có nghĩa là Tồng Siền, dịch ra là đồng tiền, đồng tiền bằng đồng, bằng vàng. Một cái tên cổ nhưng thấy rằng một vùng đất mang nhiều khát vọng ấm no. Người dân Đồng Tuyển cần cù, sáng tạo. Nhiều mô hình sản xuất, dịch vụ ra đời. Những trang trại, nhà vườn áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong số đó phải kể đến những “ông chủ” tuổi 8X dám nghĩ, dám làm.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tuyển, được biết: Được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2015, những năm qua, Đồng Tuyển luôn giữ vững 19 tiêu chí, đưa các tiêu chí đẩy cao theo hướng bền vững. Đến thời điểm này, Đồng Tuyển chỉ còn 2 hộ nghèo, chiếm 0,17%...

Ông Vi Văn Ken, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn chúng tôi đến thăm những mô hình điển hình trong sản xuất, có sản phẩm ổn định được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, gặp những ông chủ Hợp tác xã thuộc thế hệ 8X với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Mô hình trồng dưa vân lưới áp dụng công nghệ cao của Hợp tác xã nông nghiệp Trọng Tín là một điển hình. Giám đốc Lê Minh Quang, sinh năm 1986, dẫn chúng tôi thăm cơ sở, vừa đi vừa giới thiệu phương thức, quy mô và các yếu tố cần thiết trong sản xuất.

Sản phẩm rượu Mộc của HTX Tây Bắc.

Sản phẩm rượu Mộc của HTX Tây Bắc.

Bên ấm trà thơm ngát và nhấm nháp miếng dưa ngọt lịm do chính tay chủ vườn hái mời, anh tâm sự: Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo về chuyên ngành cơ khí luyện kim, anh được tuyển vào làm tại một công ty liên doanh nước ngoài, có thu nhập cao, ổn định nhưng sau vài năm làm công nhân, anh quyết định viết đơn xin nghỉ việc. Sau những ngày học hỏi kinh nghiệm gần xa, những đêm vò đầu, bóp trán, mày mò trên sách vở, trên mạng, anh quyết tâm lập dự án thành lập HTX lấy tên Trọng Tín với 7 thành viên. Ngành nghề sản xuất sản phẩm rau quả nông nghiệp hữu cơ. Từ đồng vốn ít ỏi, anh cùng các thành viên huy động người nhà, bạn bè giúp đỡ và vay vốn ngân hàng. Tìm mặt bằng thuê đất dựng trại làm vườn theo khung nhà lưới áp dụng công nghệ cao. Từ giống, phân bón, tất cả phải theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, chỉ lơ là một khâu thôi là công sức sẽ đổ xuống sông, ra biển. Với vai trò là người đứng mũi chịu sào, Lê Minh Quang không nản chí. Từng bước đi vững chắc. Vụ dưa đầu tiên đã cho kết quả khả quan. Với 1.300 m2 nhà lưới, năm đầu tiên (trồng 3 vụ) thu hoạch 10 tấn quả, đã làm nức lòng các thành viên HTX.

Đến nay, hệ thống 2 khu nhà lưới công nghệ cao gần 4.000 m2 đều cho thu hoạch luân phiên. Toàn bộ diện tích áp dụng tưới theo công nghệ nhỏ giọt của Israel, vừa đảm bảo độ ẩm, vừa tiết kiệm nước. Ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát rất nghiêm ngặt đã tạo ra sản phẩm dưa vân lưới của HTX Trọng Tín đảm bảo độ ngọt theo tiêu chuẩn. Qua khảo sát, đánh giá của Ban Tổ chức, sản phẩm dưa vân lưới vỏ vàng của HTX Trọng Tín đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Mỗi năm 3 vụ dưa nối nhau cho ra sản phẩm, bình quân hơn 3 vạn cây, mỗi cây cho 1 kg - 1,3 kg, giá bán tại vườn hiện nay là 50.000 đồng /kg. Như vậy, doanh thu mà Trọng Tín thu về hẳn không nhỏ.
Được biết, Trọng Tín đang tìm mặt bằng để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và ông chủ trẻ tuổi này đang tìm đầu ra cho sản phẩm bằng con đường xuất khẩu. Anh nói: Chỉ có xuất khẩu thì giá trị của sản phẩm mới hiệu quả cao. Mục tiêu của chúng tôi hướng đến giá trị sản phẩm bằng đồng ngoại tệ.

Cũng được biết, ông chủ này đã liên kết với nông dân xã Tả Phời (thành phố Lào Cai), nơi có đất đai rộng, để trồng măng tây, hiện đã thực hiện được 6.000 m2 và tiến tới là 2 ha. Với hình thức liên kết, người dân bỏ đất đai, chăm sóc, HTX đầu tư giống, kỹ thuật phân bón và tiêu thụ sản phẩm. Hiện đã thu hoạch lứa đầu được hơn 500 kg với giá bán 120.000 đồng/kg, chủ yếu tiêu thụ ở các nhà hàng, khách sạn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vi Văn Ken giới thiệu đến cơ sở sản xuất rượu mang thương hiệu rượu Mộc của HTX Tây Bắc tại thôn 3. Tôi đã nghe tên sản phẩm và nhiều lần ngồi thưởng tiệc cũng đã dùng sản phẩm, nhưng hôm nay mới biết đến nơi xuất xứ của nàng Tửu Mộc, với cái tên cũng bình dị nhà quê. Cả khu nhà sản xuất, chế biến và chưng cất rượu Mộc núp dưới tán rừng bên sườn núi Nhạc Sơn.

Anh Đỗ Văn Tưởng, Giám đốc HTX Tây Bắc là người khởi nghiệp cũng là thế hệ 8X. Anh đã đưa nghề truyền thống gia truyền vào sản xuất với số lượng lớn, trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Anh tâm sự: Học cao không phải ai cũng có cơ hội đi làm chỗ này chỗ khác, mà học để nâng cao kiến thức để áp dụng cho cuộc sống. Chính vì suy nghĩ đó, anh đã không theo đuổi con đường công chức, mà đem nghề truyền thống của gia đình làm con đường khởi nghiệp cho mình.

Sinh ra và lớn lên ở Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nơi có nghề truyền thống lâu năm. Với phương châm gìn giữ và trung thành với quy tắc làm nghề, không chạy theo lợi nhuận mà làm mất uy tín của sản phẩm, từ ủ men bằng bài thuốc thảo mộc gia truyền nên rượu của cơ sở rất đảm bảo an toàn khi uống, say không bị đau đầu. Hiện cơ sở đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào một số công đoạn như nấu cơm bằng điện, chưng cất, máy lọc khử độc tố loại bỏ Aldehyd, Menthanol bằng công nghệ khử độc kép của Nhật Bản. Toàn bộ sản phẩm sau khi chạy qua máy khử độc tố được bơm vào các hầm chứa bằng téc inox nằm sâu dưới nền đất trong 2 năm để sản phẩm “ngủ”, sau đó mới đóng chai xuất xưởng. Các lô hàng được ghi số mã, theo dõi ngày, tháng sản xuất. Sản phẩm rượu Mộc nếp nương đã được Sở Công thương Lào Cai và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cấp giấy phép sản xuất từ năm 2017. Mới đây, sản phẩm Rượu Mộc của HTX Tây Bắc được cấp chứng chỉ OCOP 3 sao cấp tỉnh. Một lần nữa khẳng định thương hiệu sản phẩm rượu Mộc của ông chủ thế hệ 8X Đỗ Văn Tưởng thêm vững chắc trên thương trường cùng các sản phẩm đặc sản của Lào Cai. Sản phẩm đã có mặt trong tỉnh và ngoài tỉnh thông qua các đại lý tiêu thụ ở Lai Châu, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương… Do làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên. Anh Đỗ Văn Tưởng “bật mí”, bình quân mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 50 nghìn lít rượu, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Lần đầu tiên được tham quan một cơ sở sản xuất rượu với quy mô, bài bản như thế, tôi thầm khâm phục ý chí và nghị lực khởi nghiệp của tuổi trẻ thời nay.

Đồng Tuyển còn nhiều mô hình sản xuất khác. Mỗi mô hình mỗi cách vận động để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống. Đó là những mô hình của những chủ nhân 8X đã đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nhung-ong-chu-8x-tren-nui-nhac-z3n20190819083150452.htm