Những phát ngôn ấn tượng tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 2 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hôm 10/8 được đánh giá là đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống; được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Dưới đây là những phát biểu ấn tượng của 2 bộ trưởng tại phiên chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đoàn Bình Thuận hỏi việc một số quốc gia không chấp thuận hộ chiếu phổ thông mẫu mới, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp khắc phục thế nào? Bộ trưởng Tô Lâm đã thẳng thắn thừa nhận: “Hộ chiếu mới phù hợp với thông lệ quốc tế, hiện nay nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này và cũng không có nơi sinh. Hộ chiếu của chúng ta đưa ra cũng được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Về trách nhiệm, Bộ Công an chủ trì việc này nên chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc này”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau): “Tại sao cứ ra quân phòng, chống tội phạm thì tội phạm tăng lên?”, Bộ trưởng Bộ Công an thẳng thắn cho biết: “Điều này rất rõ ràng, vì tội phạm luôn luôn ẩn. Bộ Công an đã thực hiện các biện pháp để giảm tội phạm, Quốc hội cũng chưa giao chỉ tiêu này nhưng trong nội bộ Bộ Công an đã làm mấy năm nay thì liên tục giảm tội phạm. Theo số liệu thống kê chung, mục tiêu chúng tôi đặt ra mỗi năm giảm 5% tội phạm, nhưng trên thực trong nhiều năm gần đây, mức giảm tội phạm hằng năm là gần 10%. Hiện nay, có nhiều tỉnh, nhiều huyện, cả ngày không có vụ phạm pháp hình sự nào”.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) liên quan đến "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an cho hay: “Nhu cầu tín dụng đen trong nhân dân còn rất lớn, việc xử lý tội phạm liên quan tín dụng đen còn khó khăn do số đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật nên khó xác định phạm vi dân sự và hình sự. Ranh giới giữa dân sự cho vay thông thường và hoạt động tội phạm rất phức tạp. Nếu không thận trọng thì sẽ hình sự hóa quan hệ dân sự, mà nếu không làm tốt thì bỏ lọt tội phạm”.
Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) cho rằng, nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí, nhiều cơ sở cai nghiện xuống cấp, quá tải không đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh đã xuất hiện đối tượng tẩm ướp, trộn lẫn ma túy trong thực phẩm, nước uống để bán cho giới trẻ để thu lời bất chính và che giấu hành vi vi phạm. Gần đây, Công an Hà Nội đã thu giữ một số loại ma túy dạng mới, được ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi như ma túy dạng thanh socola, thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột ca cao, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Để ngăn chặn, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về phòng, chống ma túy và các cách thức thực phẩm, đồ uống dễ bị pha trộn”.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi về việc xóa bỏ hộ khẩu bằng giấy và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Thông tin về xóa bỏ hộ khẩu giấy là theo Luật Cư trú, đến 31/12/2022 không còn hộ khẩu giấy. Vướng nhất hiện nay là có những quy định khác mà buộc người dân phải có hộ khẩu giấy. Phương án của chúng tôi là cấp khẩn trương căn cước công dân để người dân giao dịch. Khi đã có căn cước công dân thì không cần xác nhận của bất kể ai”.
Từ điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá cược trên mạng diễn biến phức tạp khó lường, đã đến lúc cho phép thực hiện Nghị định về cá cược để quản lý chặt chẽ hơn và được thu thuế, hạn chế tình trạng cá cược trên mạng. Đáp lại nội dung này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Tại sao có Nghị định 17 mà chưa làm được cá cược vì các cơ quan chuyên môn và Bộ Tài chính hiện nay chưa chọn được đơn vị nào, cơ quan nào làm đầu mối về thể thao. Còn quan điểm của chúng tôi là có Nghị định của Chính phủ rồi thì phải thực hiện thôi nhưng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra làm thì chưa có”.
Phản ánh tình trạng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, đại biểu Quốc hội Đôn Tấn Phong (đoàn An Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu biện pháp để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Có 40% khách trả lời sẽ quay lại Việt Nam nhưng cũng có cuộc khảo sát khác thì chỉ có 10% khách trả lời sẽ quay lại. Có trở lại hay không thì điều này không ảnh hưởng tăng thu hay không tăng thu cho du lịch. Điều này phụ thuộc vào tâm lý khách và điều kiện kinh tế của khách du lịch. Có người chỉ muốn đến 1 lần để được thưởng thức, còn có người muốn đến nhiều lần để khám phá. Sẽ có đối tượng này và đối tượng khác, thị trường này và thị trường khác và sẽ bù đắp lại”.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề cập việc nhân dân, cử tri quan tâm đến vấn đề đạo đức học đường, văn hóa ứng xử trong thời gian qua có nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ: “Bạo lực gia đình, bạo lực học đường là vấn đề rất nhức nhối, khổ tâm. Mong muốn có xã hội bình yên, hạnh phúc không chỉ là mong muốn của tôi mà của tất cả mọi người. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong trường học và đang phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo để xây dựng bộ tiêu chí này. Chúng tôi mong muốn khơi dậy ở các em xây dựng đạo đức lối sống, biết tự giác, biết khuôn mẫu”.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu quan điểm về việc gần đây xuất hiện những trò chơi team building phản cảm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Trò chơi phản cảm, chúng tôi lên án. Chúng tôi cũng không chỉ đạo các công ty du lịch làm cái này. Đây là trò chơi nước ngoài du nhập vào. Chúng tôi khuyến nghị những thành viên khi tham gia cái này không hưởng ứng các trò chơi phản cảm, mang lại hiệu quả xấu, hệ lụy không tốt”.
Thực hiện : Diệu Linh