Những sản phẩm hữu cơ cần cẩn trọng khi sử dụng cho làn da của bạn

Một xu hướng làm đẹp đang nổi lên hiện nay là xu hướng DIY (Do It Yourself). Tuy nhiên, hãy thử suy nghĩ những sản phẩm bạn dùng để đắp lên da của mình, do bạn tự làm và bảo quản trong tủ lạnh. Liệu những thứ 'tự nhiên' ấy có tốt cho làn da của bạn? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu những nguyên liệu từ thiên nhiên bạn nên cẩn trọng khi sử dụng trong quy trình làm đẹp.

Lòng trắng trứng

Có những người ủng hộ mặt nạ lòng trắng trứng, họ bôi một ít lên mặt và tin rằng lỗ chân lông sẽ se khít và làn da trở nên mịn màng. Thế nhưng có phải chỉ như thế không?

Khi sử dụng phương pháp này, rủi ro thấp nhất là da mặt bạn sẽ không được lợi gì sau khi rửa sạch lớp trứng. Còn nặng hơn bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiêu hóa khi để trứng chưa nấu chín gần miệng (trong trứng sống có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella). Ngoài ra, nhiễm trùng cục bộ trên da cũng có thể xảy ra và nguy hiểm sẽ tăng lên khi bôi lên các vết thương hở hoặc đang lành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc nhiễm vi khuẩn Salmonella từ trứng sống là rất hiếm, đặc biệt nếu bạn sử dụng trứng tiệt trùng mua ở cửa hàng hay các siêu thị thay vì trứng lấy trực tiếp tại nhà hoặc cơ sở chăn nuôi mà chưa qua xử lý.

Chanh

Một chút chanh hoặc nước cốt chanh lên vết sẹo do mụn hoặc bất kỳ vết tăng sắc tố nào được cho là có tác dụng làm sáng vết thâm đó.

Tuy nhiên, việc sử dụng trái cây họ cam quýt bôi ngoài da có thể chứa những nguy cơ nghiêm trọng thậm chí gây bỏng cấp độ hai. Chất psoralens trong chanh có thể gây ra phản ứng ngộ độc ánh sáng khi da tiếp xúc với tia UV. Phát ban hoặc vết bỏng, thường xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi bạn tiếp xúc với ánh nắng – và nó có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nước chanh có độ pH khoảng 2 nên có tính axit rất cao. Mặt khác, độ pH của da chúng ta dao động từ 4,7 đến 5,8. Do đó, nước chanh có thể phá vỡ hoàn toàn cân bằng nội môi của da, dẫn đến tăng độ nhạy cảm với ánh sáng và tăng sắc tố cũng như cháy nắng.

Quế

“Mặt nạ cinna” trở nên nổi tiếng sau khi một blogger làm đẹp có tên là EnjoyPhoenix ca ngợi khả năng thanh lọc của quế. Tuy nhiên loại gia vị này có thể không có tác dụng tốt trên khuôn mặt của bạn.

Ở bài viết về những nguyên liệu từ thiên nhiên tốt cho làn da trên trang web của Sài Gòn Tiếp Thị, quế đã được nhắc tới với tác dụng kháng khuẩn. Nhờ vào tính năng làm ấm, nó giúp làm tăng lưu lượng máu, mang lại vẻ ngoài tươi tắn, đầy đặn trên da và chống viêm. Tuy nhiên quế xay có thể gây kích ứng và bỏng. Bạn cần cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình huống nhẹ nhất, bạn sẽ cảm thấy ngứa ran và hơi ửng đỏ mặt và nặng hơn có thể dẫn đến bỏng. Mặc dù quế có một số lợi ích kháng khuẩn và được sử dụng để chữa lành vết thương, nhưng nó cũng là một trong những gia vị gây ra tình trạng dị ứng. Nó có thể gây kích ứng và mất nước bằng cách phá vỡ chức năng của hàng rào bảo vệ da. Và ngay cả khi bạn không bị dị ứng với quế, bạn vẫn có thể bị mẫn cảm khi tiếp xúc trên da hoặc bị bỏng do tinh dầu quế.

Sữa mẹ

Có thể bạn cũng đã nghe qua việc dùng sữa mẹ để trị mụn trứng cá đã trở thành trào lưu tại một số nơi trong những năm gần đây. Sữa mẹ có chứa axit lactic và lauric, có tác dụng chữa lành da và kháng khuẩn mà một số nghiên cứu cho thấy nó hữu ích cho làn da dễ nổi mụn. Chính vì vậy mà một số người tìm đến những người bạn sau sinh của họ và tin rằng đây là một cách chăm sóc da mặt tốt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sữa mẹ có thể giảm đi tình trạng kích ứng trên da. Tuy nhiên, chúng sẽ là mối họa vì đây là chất dịch cơ thể có thể truyền bệnh và việc thu thập hoặc bảo quản sữa mẹ không đúng cách có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn. Do vậy, nếu bạn muốn áp dụng phương pháp này cần kiểm chứng nguồn cung khi mua các mặt nạ sữa mẹ tại các spa nhé.

Tinh dịch

Mặt nạ tinh dịch đã trở thành hiện tượng làm đẹp vào năm 2014 khi một blogger có tên Tracy Kiss đăng một video giới thiệu về lợi ích dưỡng ẩm, làm dịu mà nó mang lại cho làn da đang bị ửng đỏ của cô ấy.

Xoay quanh vấn đề này, những người khác cũng để lại những bình luận về tác dụng của tinh dịch với việc ngăn mụn trứng cá trên da họ. Những ý kiến này không có bằng chứng khoa học và các bác sĩ da liễu đã bác bỏ khái niệm này một cách rộng rãi.

Có thể sau khi sử dụng, bạn sẽ nhận thấy làn da mềm mại hơn một chút. Tuy nhiên, bác sĩ Yoram Harth (bác sĩ da liễu và giám đốc y tế của MDacne) cho biết trong thành phần tinh dịch, không có gì có thể giúp trị mụn trứng cá về lâu dài. Về mặt lý thuyết, enzyme phân giải protein có thể gây bong tróc da, nhưng tác dụng này sẽ rất nhỏ và không đáng kể. Nghiêm trọng hơn, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây truyền qua màng nhầy và nhiều bệnh không được chẩn đoán. Ngoài ra, một số người bị dị ứng tinh dịch và gặp các triệu chứng như cảm giác nóng rát đến sốc phản vệ khi da tiếp xúc với tinh dịch.

Nước tiểu

Một số người muốn có làn da sáng đã lấy nước tiểu của họ làm Astringent (dung dịch làm se khít lỗ chân lông) hoặc toner. Về mặt lý thuyết, urê và axit uric trong nước tiểu có thể cấp nước cho da, se khít lỗ chân lông và trị mụn.

Một số sản phẩm dành cho da có chứa urê để giúp điều trị các tình trạng như mụn trứng cá hoặc bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, urê là chất tổng hợp và có nồng độ cao hơn những gì có trong nước tiểu của con người.

Thế nhưng đặc biệt lưu ý, khi thoa và để lại nước tiểu trên mặt, đặc biệt là trên vùng da bị viêm, có thể gây nhiễm trùng. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, mặc dù nước tiểu vô trùng nhưng một khi rời khỏi cơ thể, nó có khả năng phát triển vi khuẩn.

Giấm táo

Giấm táo đã được biết đến giúp làm se lỗ chân lông, sạch mụn trứng cá, mờ các vết sẹo do mụn hoặc các đốm đồi mồi và thậm chí loại bỏ nốt ruồi.

Nhưng khi sử dụng trên mặt sẽ gây ra cảm giác châm chích và khiến bạn nhăn mặt khi ngửi thấy mùi hôi. Một lời khuyên là hãy pha loãng chúng để đảm bảo an toàn cho làn da bạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi sử dụng giấm táo không pha loãng trong thời gian dài, chúng có thể ăn mòn da mặt của bạn do nồng độ axit cao. Giấm có thể ăn da nếu bạn để trên da và đặc biệt không nên dùng giấm để điều trị vết thương. Bất kỳ vết loét nào do mụn trứng cá đều có nguy cơ bị bỏng hoặc kích ứng nặng. Ngoài ra, cần cẩn trọng khi sử dụng giấm táo, vì nếu bị nó dính vào mắt, bạn có thể bị viêm hoặc thậm chí bị bỏng giác mạc.

Thu Trà tổng hợp

Theo Healthline, Healthwire

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nhung-san-pham-huu-co-can-can-trong-khi-su-dung-cho-lan-da-cua-ban/