Những sự kiện trong nước đáng nhớ ngày 1.1

Chính phủ liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch làm lễ ra mắt tại Nhà hát Lớn; Chủ tịch Hồ Chí Minh ra 'Lời kêu gọi đầu năm mới'... là những sự kiện trong nước đáng nhớ ngày 1.1.

Sự kiện

- Ngày 1.1.1900: Khánh thành Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh. Nhà hát là một công trình kiến trúc đặc biệt, do nhóm kiến trúc sư người Pháp là Félix Olivier, Eugène Ferret và Ernest Guichard thiết kế.

- Ngày 1.1.1946: Chính phủ liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch làm lễ ra mắt tại Nhà hát Lớn, trước 30.000 dân Hà Nội

Người cùng các thành viên Chính phủ tuyên thệ:

1. Chúng tôi kiên quyết lãnh đạo quốc dân;

2. Giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc;

3. Thực hiện quyền dân chủ cho nước Việt Nam đặng mang lại tự do chính thức cho dân tộc;

4. Trong lúc giữ nền độc lập, quyết vượt hết mọi nỗi khó khăn nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể nhân dân ủng hộ để Chính phủ có thể đi đến thành công.

Chính phủ liên hiệp lâm thời tồn tại từ ngày 1.1 đến ngày 2.3.1946.

- Ngày 1.1.1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đầu năm mới”

Người thay mặt Chính phủ gửi tới toàn thể đồng bào lời chúc mừng “một năm mới đoàn kết, một năm mới kiên quyết kháng chiến, một năm mới thắng lợi” và kêu gọi mọi người: “Năm mới chúng ta phải đem lực lượng mới, quyết tâm mới để giành lấy thắng lợi mới, để xây dựng một đời sống mới, một nước non mới”.

Cùng ngày, Người viết “Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới”. Trong thư Người nói rõ: Mong muốn nhân dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái”.

- Ngày 1 -15.1.1950: Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất

Đại hội được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc với sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện cho khoảng 35.000 công nhân, viên chức, lao động trong cả nước.

Đại hội bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên làm Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất là sự kiện có ý nghĩa, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của phong trào công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam.

Công đoàn Việt Nam đến nay đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Ngày 1.1.1955: Nhân dịp đầu năm mới, nhân dân Thủ đô đã mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về tiếp quản Thủ đô. Trong diễn văn đọc trước cuộc mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được. Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ từ Bắc đến Nam; phải ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh giành tự do dân chủ".

- Ngày 1.1.1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 01-LCT công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp gồm 10 chương với 112 điều, quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng nước nhà, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc.

- Ngày 1.1.1962: Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam thành lập và nêu rõ cương lĩnh của mình. Cùng ngày, Đoàn thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam được thành lập.

- Ngày 1.1.1969: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc mừng năm mới

Đây là bức thư chúc mừng năm mới và cũng là bài thơ Tết cuối cùng Người gửi tới đồng bào và chiến sĩ cả nước trước lúc đi xa.

Trong thư, người điểm lại những thắng lợi oanh liệt của quân và dân hai miền Nam-Bắc trong năm 1968 và khẳng định” Chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”. Cuối cùng, Người có thơ chúc:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.

- Ngày 1.1.2008: Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc là một mốc quan trọng trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tạo nên tầm thế mới của đất nước trên thế giới.

Năm 2020, Việt Nam tiếp tục đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

- Ngày 1.1.2010: Việt Nam chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam bắt đầu từ ngày 1.1.2010 đến ngày 31-12-2010.

Năm 2020, Việt Nam tiếp tục đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

- Ngày 1.1.2011: Khánh thành Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ có tổng diện tích sàn 20.750 m2, công suất 3-5 triệu/khách/năm, đạt tiêu chuẩn phục vụ hành khách hạng C của IATA với các trang thiết bị hiện đại như: hệ thống quản lý tòa nhà, thông tin liên lạc, băng chuyền, thang máy… Tổng mức đầu tư là 3.000 tỷ đồng.

- Ngày 1.1.2014: Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành

Với 11 chương, 120 điều, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 28.11.2013.

Kế thừa các giá trị của các Hiến pháp các năm: 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013 đã tạo lập cơ sở hiến định mới cho thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội … đưa sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân lên một tầm cao mới.

Hơn 7 năm tổ chức triển khai thi hành, tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 đã và đang thấm sâu vào các quan hệ xã hội, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; trong ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

- Ngày 1.1.2015: Khai trương hệ thống xe điện một ray trên cao hiện đại nhất Việt Nam tại Công viên Asia Park (Đà Nẵng). Đây là hệ thống xe điện một ray trên cao duy nhất tại Việt Nam ở thời điểm này, có thể leo lên dốc, xuống dốc và uốn lượn một cách "mềm dẻo".

- Ngày 1.1.2016: Thẻ căn cước công dân (CCCD) có hiệu lực. Đây là giấy tờ tùy thân, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Không chỉ có ý nghĩa như giấy Chứng minh nhân dân, thẻ CCCD còn là giấy tờ thể hiện toàn bộ vấn đề về lai lịch, nhận dạng của công dân. Theo đó, số thẻ CCCD chính là số định danh cá nhân - mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân.

Công dân Việt Nam đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD. Đối với CMND được cấp trước ngày Luật căn cước công dân có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn.

- Ngày 1.1.2018: Chính thức bán Dầu Diesel tiêu chuẩn Euro 5 và xăng RON 95 tiêu chuẩn Euro 4

Việc Petrolimex chính thức bán dầu Diesel tiêu chuẩn Euro 5 và xăng RON 95 tiêu chuẩn Euro 4 trên thị trường không chỉ giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng cao nhất phù hợp với yêu cầu của động cơ, mà còn góp phần giảm phát khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường.

- Ngày 1.1.2018: Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thuận Châu, Sơn La

Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Thuận Châu được khởi công từ ngày 7.5.2017, là minh chứng cho tình cảm của đồng bào các dân tộc Sơn La dành cho Bác Hồ kính yêu. Ở nơi này, vào ngày 7/5/1959, Bác đã nói chuyện tại lễ mít tinh nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo. Ngày 20.4/.1995, Kỳ đài Thuận Châu khi ấy đã trở thành di tích lịch sử và được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn La đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Ngày 1.1.2020: Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với các thách thức và cơ hội đan xen, nhất là sự bùng phát, tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện: thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, số lượng hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN.

Với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch COVID-19 hiện nay.

Nhân vật

- Ngày 1.1.1914: Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh. Ông là một trong số những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ông từng là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Ông là một vị tướng tài ba, thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng nhất.

Ông mất ngày 6.7.1967.

- Ngày 1.1.1923: Ngày sinh NSND - nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy

Nhắc đến Nguyễn Đăng Bảy, người yêu điện ảnh Việt Nam nhớ đến một người nghệ sĩ, nhà quay phim tài danh của nền điện ảnh Việt Nam.

Những khuôn hình dung dị, giàu chất thơ như chứa đựng những nỗi niềm của ông đã làm nên nhiều bộ phim truyện nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam như: Đến hẹn lại lên, Nổi gió, Chị Dậu, Ngày Lễ Thánh,... . Đặc biệt phim truyện “Con chim vành khuyên” do ông quay phim đã được giới điện ảnh Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác coi là tác phẩm mẫu mực về điện ảnh chất thơ. Phim được trao giải đặc biệt dành cho phim ngắn của Liên hoan phim Quốc tế Tiệp Khắc năm 1962. Đó cũng là giải thưởng Quốc tế lớn đầu tiên mà một phim Việt Nam giành được.

Ông qua đời tháng 6.2007.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thoi-su/nhung-su-kien-trong-nuoc-dang-nho-ngay-11-155635