Những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu
ĐTO - Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tỉnh ta ngày càng phát triển, đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Qua phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương gia đình (GĐ) văn hóa tiêu biểu; giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp trong GĐ; quan tâm nuôi dạy con ăn học thành tài; tích cực tham gia công tác xã hội...
Nỗ lực phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương
GĐ ông Võ Thái Hoàng (SN 1964) và bà Phạm Thị Mỹ (SN 1965) ngụ ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông hiện có cuộc sống ổn định về kinh tế và rất hạnh phúc.
Ông Hoàng, bà Mỹ cưới nhau vào năm 1983, lần lượt sinh ra 3 người con trai. Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng đầy khó khăn, tuy nhiên xác định kinh tế GĐ là yếu tố quan trọng để các con được học tập và xây dựng hạnh phúc GĐ, từ đó, vợ chồng ông đã làm việc cật lực nhằm cải thiện đời sống. Ban đầu, ông chạy xe ôm, vợ thì đẩy xe buôn bán rau, củ. Đến năm 1998, ông xin làm thu cước điện thoại và bán hàng cho Chi nhánh Viettel huyện Tam Nông với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Từ đồng lương này cộng với tiền buôn bán hằng ngày của vợ, giúp cuộc sống GĐ ông ổn định. Ngoài cố gắng phát triển kinh tế gia đình, ông tranh thủ làm thêm các công việc như: xịt thuốc, rải phân, phụ hồ..., còn vợ thì buôn bán thêm, tích lũy tiền cho các con đi học. Đáp lại sự yêu thương của cha mẹ, các con của ông chăm chỉ học giỏi, được khen thưởng, nhận học bổng hàng năm.
Cố gắng làm việc và chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng ông đã vươn lên thoát nghèo, có một ngôi nhà khang trang và 3 người con ăn học thành tài. Hiện tại, vợ chồng ông sống với nghề buôn bán rau, củ ở chợ. Còn 3 người con trai, 2 người có công ty riêng thuộc lĩnh vực xây dựng, người con trai út vừa đi lao động ở Nhật Bản về, tích lũy được trên 300 triệu đồng. Ngoài chăm lo đời sống GĐ, ông tích cực tham gia công tác xã hội. 6 năm qua, gắn bó với tổ hòa giải xã Phú Đức, ông đã giúp hòa giải thành công nhiều vụ việc. Đặc biệt, bằng sự hiểu biết, kinh nghiệm sống của mình, ông đã tuyên truyền, vận động giúp 30 cặp vợ chồng có ý định ly hôn do mâu thuẫn GĐ trở lại sống hạnh phúc. Ông Võ Thái Hoàng cho biết: “Vợ chồng tôi luôn quan niệm, GĐ là một tế bào của xã hội, nếu kinh tế không phát triển, GĐ nghèo khó sẽ là gánh nặng cho xã hội. Do đó, vợ chồng tôi phấn đấu thoát nghèo, nuôi con ăn học nên người, góp sức xây dựng quê hương. Ngày nay, GĐ tôi quan tâm dạy con cháu ứng xử lễ phép với ông bà, cha mẹ. Tôi cũng tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm mình, giúp các cặp vợ chồng trẻ biết cách giữ gìn hạnh phúc GĐ, sống tốt hơn”.
Chia sẻ công việc nhà, giữ gìn hạnh phúc gia đình
Đó là quan điểm sống của GĐ ông Võ Định Bửu (SN 1951) và bà Lê Thị Chát (SN 1955) ngụ ấp Tân Nghĩa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành. Đến nay, vợ chồng ông đã có 36 năm gắn bó và có với nhau 3 người con (2 gái và 1 trai).
Lập GĐ và sống cùng ba mẹ, ông Bửu canh tác 15 công vườn của cha mẹ cho. Là nông dân quanh năm gắn bó với mảnh vườn, còn vợ là giáo viên dạy Tiểu học, tuy không cùng chung nghề nghiệp, nhưng vợ chồng ông luôn sống hạnh phúc. Suốt mấy chục năm khi vợ còn làm giáo viên, ông luôn đồng cảm, động viên, san sẻ với vợ những công việc nội trợ hay trông giữ con... Ông Bửu cho biết: “Ngày xưa, ông bà ta hay nói câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tôi luôn áp dụng câu nói này vào cuộc sống GĐ mình. Tôi thường xuyên chia sẻ với vợ những buồn vui, công việc nhỏ trong GĐ, không câu nệ hay áp đặt vợ là phải nấu cơm, giữ con. Tôi cũng luôn lắng nghe ý kiến, tôn trọng, nhường nhịn vợ, con. Đặc biệt, dù nóng giận đến mấy tôi cũng không chửi hay lớn tiếng với vợ con. Đó chính là yếu tố giúp GĐ tôi hạnh phúc bền vững”.
Ngoài san sẻ công việc với nhau trong cuộc sống, những bữa cơm GĐ cũng góp phần giữ gìn hạnh phúc cho GĐ ông Bửu. Theo ông Bửu, đây là dịp các thành viên GĐ ông ngồi quây quần bên nhau, tâm sự; thể hiện sự quan tâm, yêu thương qua các món ăn ngon trong bữa cơm. Trong cách dạy con, vợ chồng ông luôn là hình mẫu cho các con học tập. Phương pháp dạy con của ông là để con tự học, trải nghiệm những công việc mà cha mẹ đã làm, cho con thấy được sự vất vả mà cha mẹ đã trải qua. Qua đó, các con sẽ biết quý trọng, phấn đấu sống thật tốt, không ỷ lại vào cha mẹ. Nhờ sự giáo dục tốt, hiện nay, các con của ông đều học hết đại học, có việc làm ổn định. GĐ ông luôn sống hòa thuận, duy trì nếp sống sinh hoạt, ứng xử văn hóa truyền thống. GĐ ông Bửu là một trong những GĐ văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của địa phương, được UBND xã khen thưởng, biểu dương.