Những tấm gương nỗ lực vượt qua 'bóng tối' ở Chư Păh
Dù không có được đôi mắt sáng như bao người khác nhưng những người bị mù ở huyện Chư Păh lại làm cho cuộc đời mình sáng lên bằng chính tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường. Điều đó đã giúp họ vượt qua 'bóng tối' của số phận, tìm được ánh sáng cho đời mình.
Anh Rơ Châm Luch (SN 1988) vốn là người khỏe mạnh, ham học hỏi và tích cực lao động sản xuất. Năm 2004, anh và chị Rơ Châm H’Thủy (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa) nên duyên vợ chồng.
Anh chị được cha mẹ vợ cho căn nhà nhỏ và 1 sào đất để trồng trọt. Cuộc sống đang yên lành thì đôi mắt của anh bỗng mờ dần. Dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, rồi đôi mắt của anh bị mù hẳn.
Kể từ đó, cuộc sống gia đình anh trông chờ cả vào sức lao động của người vợ tảo tần. Dù chị H'Thủy đi làm thuê khắp nơi nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, anh Luch cố gắng thích nghi với hoàn cảnh để phụ giúp vợ con làm việc nhà.
Anh Rơ Châm Luch (giữa; làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) luôn cố gắng thích nghi với hoàn cảnh. Ảnh: H.C
Vừa qua, Công ty Nha khoa Én trắng ( TP. Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ 50 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh hỗ trợ 30 triệu đồng và Hội Người mù tỉnh giúp đỡ 20 triệu đồng để anh Luch xây dựng căn nhà rộng hơn 40 m2.
Có căn nhà mới, anh Rơ Châm Luch phấn khởi nói: “Gia đình tôi rất mừng và biết ơn chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà để ổn định cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng giúp vợ việc nhà và dạy bảo các con nên người”.
Ông Rơ Châm Bót-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kênh-cho biết: “Dù bị mù nhưng Anh Rơ Châm Luch rất có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Với sự nỗ lực tập luyện, anh có thể chăm sóc gia súc, gia cầm, trồng rau, lau dọn nhà cửa. Mọi người trong làng ai cũng yêu quý và khâm phục ý chí của anh”.
Quyết không khuất phục trước nghịch cảnh, anh Nguyễn Tấn Hùng (SN 1978; thôn 1, thị trấn Phú Hòa) vẫn chăm chỉ lao động để kiếm tiền phụ giúp gia đình dù bị mù cả 2 mắt.
Anh Hùng kể: Để có tiền trang trải cuộc sống, anh bàn với vợ là chị Đặng Thị Kim Hồng nhận đào giếng, đào hố cà phê, hầm rút... cho người dân trên địa bàn. Mỗi lần nhận việc, chị Hồng đều chở anh đi và hướng dẫn vị trí để đào đúng quy cách.
Nhiều hôm, anh chị nhận làm ở tận huyện Mang Yang hay tỉnh Kon Tum. Hai năm nay, do công việc ít nên anh Hùng đi học nghề bấm huyệt, giác hơi rồi mở cơ sở làm tại nhà.
"Nhờ có vợ con thường xuyên bên cạnh đồng hành nên cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng vợ chồng thương yêu nhau, các con trưởng thành, ngoan ngoãn là điều khiến tôi hạnh phúc nhất. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm mình cố gắng làm được gì thì luôn nỗ lực hết sức"- anh Hùng tâm sự.
Chị Đặng Thị Kim Hồng (thôn 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) luôn đồng hành cùng chồng vượt qua nghịch cảnh. Ảnh: H.C
Huyện Chư Păh hiện có 62 hội viên người mù. Hầu hết hội viên đều được hưởng chế độ trợ cấp xã hội từ 750 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng và thường xuyên nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các tập thể, cá nhân. Nhiều hội viên có tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: "Hầu hết những người mù đều có cuộc sống rất khó khăn. Cùng với sự quan tâm của nhà nước, họ nhận được sự yêu thương, san sẻ từ gia đình, dòng họ, xóm giềng. Đặc biệt, nhiều người mù đã không chấp nhận số phận, nỗ lực vươn lên, chịu khó lao động nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương sẽ tiếp tục truyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân có những hoạt động san sẻ yêu thương thiết thực, góp phần giúp người mù vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.