Những thách thức lớn chờ đón Tổng thống PhápTin khácChủ động nắm bắt 'cơ hội vàng' phục hồi, phát triển du lịch Xứ LạngĐẩy mạnh tuyên truyền cổng thông tin khai thác cơ sở dữ liệu đất đai
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái đắc cử nhiệm kỳ hai hôm 24-4 vừa qua với tỷ lệ ủng hộ 58,8%.Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Macron vui mừng sau chiến thắng tại cuộc bầu cử vòng 2 ngày 24-4 vừa qua. Ảnh: francetvinfo.fr
Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui chiến thắng bởi một loạt hồ sơ “nóng” đang chờ ông giải quyết trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ hai.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã vạch ra kế hoạch hành động trong 100 ngày đầu tiên sau khi tái nhiệm, trong đó bao gồm các vấn đề về sức mua, giáo dục, chuyển đổi sinh thái, lương hưu, y tế, an ninh, tái vũ trang châu Âu và cuộc chiến Ukraine…
Theo báo Libération, có 7 hồ sơ “nóng” đang chờ Tổng thống Emmanuel Macron giải quyết trong 100 ngày tới. Một là làm thế nào cải thiện sức mua của người dân trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Pháp không như dự báo, chỉ đạt 2,9% (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF), thay vì là 4% và lạm phát cũng như giá nhiên liệu tăng vọt. Vào ngày 30-6 tới, ông Macron phải đưa ra quyết định có tăng giá xăng hay không sau khi thời hạn hỗ trợ giá nhiên liệu kết thúc từ ngày 1-7-2022.
Một hồ sơ khác mà Tổng thống Emmanuel Macron cần gấp rút xử lý là tiến hành cải cách giáo dục và y tế. Trước đó, nhà lãnh đạo Pháp cam kết sẽ tìm kiếm những phương thức mới và giải pháp phù hợp với thực tế. Cụ thể, ông Macron phải nghiên cứu việc tăng lương cho giáo viên từ 10 đến 20%, tăng quyền tự chủ cho các trường học, khởi động lại việc dạy môn Toán như một môn chính trong các trường THPT bắt đầu từ tháng 9 tới…
Tổng thống Emmanuel Macron cũng phải tiếp tục thực hiện cam kết đầu tư vào hệ thống y tế, tăng lương cho nhân viên y tế, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong 10 năm tới và thúc đẩy việc khám, chữa bệnh từ xa…
Ngoài ra, sinh thái cũng là một vấn đề cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân đất nước hình lục lăng. Trong quá trình tranh cử, ông Macron cam kết bổ nhiệm một thủ tướng chính phủ trực tiếp phụ trách “quá trình chuyển đổi sinh thái cũng như cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu”.
Hỗ trợ thủ tướng thực hiện các nhiệm vụ trên là hai bộ trưởng, trong đó một người phụ trách “quy hoạch năng lượng” với sứ mệnh đưa Pháp trở thành quốc gia lớn đầu tiên thoát khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá. Bộ trưởng còn lại phụ trách “quy hoạch sinh thái đất”, bao gồm lĩnh vực giao thông vận tải và cải tạo nhà ở.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải thúc đẩy cải cách hưu trí. Đây là một trong những cải cách quan trọng nhưng cũng gây tranh cãi nhiều nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Macron. Đề xuất của Tổng thống Emmanuel Macron nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 đang vấp phải phản ứng dữ dội. Đây là một trong những yếu tố khiến ông bị mất nhiều lá phiếu cử tri, đặc biệt là những cử tri có xu hướng cánh tả, từng bỏ phiếu ủng hộ ông năm 2017.
Trong lĩnh vực tư pháp và an ninh, nguyên thủ Pháp cũng được mong đợi sẽ cải thiện điều kiện làm việc, soạn lại luật tố tụng hình sự, quy trình thụ lý hồ sơ khi cam kết tăng ngân sách và tuyển dụng thêm nhân sự. Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ thành lập thêm 200 đội hiến binh, tuyển dụng 1.500 nhân viên an ninh mạng và 10.000 cảnh sát để đáp ứng với yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho nước Pháp trong những năm tới.
Đối với châu Âu, vào ngày 30 và 31-5 tới, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bất thường theo yêu cầu của Paris. Trong cuộc họp này, với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ triển khai các cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Versailles hồi tháng 3 vừa qua, ủng hộ quyền “tự chủ chiến lược quốc phòng” rộng lớn cả trên bình diện công nghiệp lẫn năng lực. Trong bối cảnh này, Pháp sẽ tìm cách gia tăng áp lực nhằm buộc Đức phải chấp nhận một gói trừng phạt mới chống Nga, ít nhất là đối với dầu mỏ.
Ngoài những yếu tố nêu trên, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 19-6 tới cũng được coi là một thách thức không nhỏ với ông Macron. Đảng “Nền Cộng hòa tiến bước” (LREM) của ông Macron và các đồng minh cần đạt được đa số phiếu ủng hộ của 289 nghị sĩ trong hạ viện gồm 577 ghế. Không có đa số phiếu ủng hộ, quyền lực của ông Macron sẽ giảm đáng kể và nhà lãnh đạo Pháp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các chính sách cải cách.