Những thách thức với kinh tế vĩ mô

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm 2019 khoảng 6,79%; nông, lâm, thủy sản tăng 2,68%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%...

Năm 2019 dự báo sẽ là năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới khi mà các tổ chức tín dụng, định chế tài chính quốc tế uy tín như Moody, HSBC, IMF… đều đánh giá các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại.

Nguồn S&P

Nguồn S&P

Số liệu báo cáo mới nhất (tháng 4/2019) của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế các khu vực. Riêng IMF hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm 2019 còn 3,3%, giảm 0,2% so với dự báo trước.

Số liệu nghiên cứu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, kim ngạch thương mại toàn cầu có khả năng chỉ tăng 2,6% so với mức 3% của năm 2018 do bất ổn kinh tế cũng như căng thẳng thương mại gia tăng. Cho dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có những tín hiệu tích cực trong tháng 4/2019, nhưng lộ trình gặp gỡ giữa 2 bên vẫn chưa được thống nhất. Mỹ vẫn đánh thuế trị giá 11 tỉ USD lên hàng nhập khẩu từ EU trong bối cảnh Boeing bị tẩy chay diện rộng và EU trợ cấp cho Airbus. Các hàng hóa cơ bản có dấu hiệu tăng giá, giá dầu WTI và Brent đã lần lượt vượt mốc 66 USD và 74 USD/thùng.

Nguồn :IMF

Nguồn :IMF

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi tăng trưởng kinh tế đang bị “đe dọa” bởi lạm phát gia tăng cũng như tăng trưởng tín dụng giảm sút. Cho dù CPI tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng 2 nhưng CPI cả quý I/2019 tăng 2,63% so với quý I/2018. Nhiều dấu hiệu cho thấy CPI tháng 4/2019 sẽ tăng mạnh trở lại khi giá điện, giá xăng tăng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế. Với tỷ trọng của nhóm hàng điện tiêu dùng trong “rổ” CPI hiện nay chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng ngay đầu tháng 4/2019 là yếu tố góp phần đẩy CPI tăng thêm. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số tiêu dùng quý I/2019 tăng 9% so với quý I/2018.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng 8,8%, quý I/2019 có mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ tăng 3,2%, mức thấp nhất trong 15 quý. Trong khi đó, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân tăng 13,6%, thấp nhất trong 9 quý qua.

Nguồn: Tổng cục thống kê

Nguồn: Tổng cục thống kê

Vốn FDI quý I/2019 cao nhất kể từ năm 2016: Vốn FDI đăng ký 3,8 tỉ USD (+80% so với cùng kỳ năm trước); vốn FDI giải ngân 4,1 tỉ USD (+6,2%); vốn góp cổ phần 5,69 tỉ USD. Vốn đầu tư ra nước ngoài 3 tháng đầu năm 2019 đạt 120 triệu USD.

Điểm đáng chú ý, trong tháng 4/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard and Poors (S&P) đã nâng hạng tín nhiệm Việt Nam lên mức BB- sau nhiều năm giữ nguyên đánh giá ở mức BB. Đây có thể nói là thành quả rất tốt của kinh tế Việt Nam trong 10 năm trở lại đây với những biện pháp cải cách cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Sau giai đoạn tăng tốc sẽ có những đoạn điều chỉnh. Quý II/2019 sẽ là quý khó khăn và thử thách đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế. Chúng ta cũng sẽ còn nhiều việc phải làm để có thể duy trì đà tăng GDP trên mốc 6,8% trong nửa năm sau 2019 và các năm tiếp theo.

Minh Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-thach-thuc-voi-kinh-te-vi-mo-534466.html