Những thanh âm giữa mùa Covid-19
6h sáng nay, Hạnh, cô nhân viên thu hồi nợ sớm của một ngân hàng nhận được cuộc gọi của mẹ.
Giọng bà ngập ngừng:
- Con à, đừng đưa bọn trẻ về nữa nhé. Xóm mình họ rào rồi, ai vào phải khai báo và người ở Hà Nội thì... chắc là không được vào đâu. Thương các cháu quá, thế mà... Mẹ cũng đã chuẩn bị bao nhiêu rau củ cho con mang lên rồi đây này...
Hạnh thần người, hai tay đan vào nhau, ngón cái cứ miết vào ngón trỏ đến đỏ ửng. Một chút thất vọng, xen lẫn chút tủi hờn và nỗi lo lắng cứ xâm chiếm dần tâm trí cô.
Quê Hạnh là một vùng bán sơn địa ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Tối qua, không hiểu bàn bạc thế nào mà ông trưởng thôn ra lệnh dân quân mang tre nứa rào hết các con đường dẫn từ đường cái vào, cắt cử đám thanh niên trông coi ngày đêm đề phòng bệnh dịch.
Thế là hỏng nốt cả kế hoạch cuối cùng của Hạnh. Cô định đưa hai đứa nhỏ về nhờ mẹ trông vì cô đã kham hết nổi. Chồng đi công tác xa. Các con nghỉ học ở nhà vạ vật đứa lớn ôm đứa bé gần 2 tháng nay. Nhiều hôm đi làm về nhìn con nhếch nhác, nhà cửa bộn bề chỉ muốn òa khóc. Mà công việc ở Ngân hàng thì đang nhiều như núi.
Bệnh dịch đẩy khách hàng vào cảnh khó khăn, việc trả nợ ngân hàng trở thành thứ yếu sau hàng dài những mối lo khác, khiến áp lực công việc của Hạnh tăng lên mỗi ngày.
Thông tin dịch dã khắp nơi, đài báo lẫn mạng xã hội ngập tin xấu.
Nơi cô làm việc yêu cầu đo thân nhiệt trước khi vào văn phòng, trang bị nước rửa tay trước cửa cầu thang máy, nhân viên đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc, hạn chế họp trực tiếp, tránh di chuyển khác tầng và phun thuốc khử khuẩn định kỳ.
Thế nhưng Hạnh vẫn lo. Lo cho mình, lo cho con vì không biết phòng ngừa thế nào cho đủ. Một nỗi lo khác cứ canh cánh trong cô, ấy là khi bạn bè bắt đầu thông báo bị giảm lương, nguy cơ mất việc. Những mối lo toan cứ đè nặng lên đôi vai gày của Hạnh, khiến cô như muốn khuỵu.
Hạnh lau giọt nước mắt lăn trên má tự khi nào, so vai, khép vạt áo cho đỡ lạnh rồi lê dép tới bàn làm việc, mở máy tính làm nốt mấy việc còn dở tối qua.
Bất chợt Hạnh dừng tay, nghiêng người quay về phía ban công. Có tiếng chim hót lảnh lót sao lạ quá!
Cô bước tới lắng tai nghe. Ðúng là tiếng chú họa mi nhà ai vọng tới, lúc to, lúc nhỏ từng tràng rồi tan vào tiếng gió đang luồn qua khóm hồng cô yêu thích. Cô hít một hơi thật sâu. Ðây này, vị ngọt đậm hương nước hoa trứ danh của bông Misaki không lẫn vào đâu được.
Thứ hoa đến lạ, dẫu bị bỏ bê mấy tuần qua, sâu bệnh tấn công dữ dội mà vẫn bung mình trắng muốt và tỏa hương ngào ngạt. Chậu hồng Nhật anh mua tặng cô từ dạo đầu thu năm trước đang bứt mình trổ bông.
Hạnh vươn mình ngó xuống đường. Dòng người vẫn trôi, tiếng còi xe xuyên qua màn sương mờ đục vọng lên, mang theo thanh âm của đời sống, vừa thân thuộc, vừa bình an. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như thế.
Hạnh cuốn lại mái tóc vừa bị cơn gió cuối xuân xổ tung. Cô với tay lấy lấy chiếc băng đô màu ngọc bích cố định lại những lọn tóc lòa xòa trước trán.
Ngang qua tấm gương lớn, cô dừng lại trong giây lát. Vẫn là cô gái 28 tuổi xinh xắn, một cô nhân viên ngân hàng ưa thể thao và thích ca hát. Hạnh mỉm cười thật nhẹ và bước tới bàn làm việc.
Email thông báo, từ tuần sau, cô có thể làm việc tại nhà theo kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Ngân hàng phê chuẩn nhằm phân tán rủi ro, đảm bảo kinh doanh liên tục.
Mẹ con cô vẫn khỏe. Cô vẫn có việc để làm, có nhà để ở. Và cô còn có anh, sang tháng sẽ về.
Hạnh bước tới ngồi lên mép giường, đắp lại chăn cho hai đứa nhỏ. Cô sẽ tranh thủ hoàn tất công việc để mẹ con cô có thể cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, xem phim, học online, chơi đùa, tán gẫu với nhau.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xa-hoi/nhung-thanh-am-giua-mua-covid19-328156.html