Những thương binh 'tàn nhưng không phế'

Họ là những người lính Cụ Hồ, trở về với đời thường sau chiến tranh với những mất mát, đớn đau về thể xác. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thế nhưng những thương binh ấy đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình

Từng “vào sinh, ra tử” nơi chiến trường đạn bom ác liệt, may mắn trở về, thương binh Đỗ Xuân Chúc ở thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ), hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Mỹ không chỉ xông pha trên mặt trận phát triển kinh tế, mà còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào địa phương, nhất là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Thương binh Đỗ Xuân Chúc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Mỹ

Khắc sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”, những năm qua, ông đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, luôn quan tâm giúp đỡ đồng đội và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2016, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Mỹ kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu chiến binh – cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh huyện. Ông đã tích cực tham mưu với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành hội xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch công tác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; gương mẫu và vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội và địa phương... Đồng thời, ông luôn đoàn kết, đồng lòng, cùng các đồng chí trong Ban Chủ nhiệm xây dựng Câu lạc bộ ngày một vững mạnh, tạo sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế giữa các thành viên. Câu lạc bộ hiện có 48 thành viên là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại... Các thành viên của câu lạc bộ đóng góp quỹ được 110 triệu đồng để cho 6 thành viên vay phát triển sản xuất. Ông vận động các thành viên trong Câu lạc bộ nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bống ở xã Trung Hưng từ năm 2014 đến năm 2020, mỗi năm 4.600.000 đồng. Ngoài ra câu lạc bộ còn thăm, tặng quà cho Mẹ mỗi dịp tết, ngày Thương binh - Liệt sỹ; ủng hộ ”Quỹ nghĩa tình đồng đội”; tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, Tết.

Cùng với đó, ông tích cực tham gia ủng hộ các phong trào của địa phương, của Hội Cựu chiến binh phát động như: Ủng hộ địa phương 17 triệu đồng để làm hệ thống điện tại Nghĩa trang nhân dân thôn Trai Trang; ủng hộ 1 tấn xi măng/hộ cho 4 hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn xây nhà mới và quà gồm: Chăn, màn, ấm chén...; ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 5,5 triệu đồng…

Tận tâm, trách nhiệm với công việc

Sau hơn 30 năm công tác trong quân ngũ, trải qua nhiều cương vị trong Quân đội, khi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh, thương binh Cao Như Phông ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hiến Nam.

Thương binh Cao Như Phông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên)

Với cương vị của mình, ông Phông tận tâm với công việc, cùng với Ban Chấp hành hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên giữ vững và phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng tổ chức Hội ngày một trong sạch, vững mạnh. Ông luôn tích cực chỉ đạo chi hội cơ sở tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua như: Cựu chiến binh gương mẫu; Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi… Từ đó, các hội viên nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Ông cùng Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường vận động hội viên đóng góp, phát triển quỹ hội để làm nguồn vốn cho các hội viên vay phát triển sản xuất và thực hiện các hoạt động nghĩa tình. Hiện nay, quỹ hội đang cho 25 hội viên vay với tổng số tiền 400 triệu đồng để phát triển sản xuất, làm kinh tế gia đình. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều hội viên làm kinh tế giỏi. Điển hình như mô hình Hợp tác xã trồng nấm của hội viên Nguyễn Quốc Chữ tạo việc làm cho gần 50 lao động; hội viên Phạm Ngọc Quang thuê 25 mẫu đất bãi để trồng chuối, mỗi năm cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng; xưởng cơ khí của gia đình hội viên Nguyễn Tiến Diện tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên…

Song song với đó, ông Phông còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vào các Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng; tuyên truyền gia đình và hàng xóm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định…

Sự tận tâm, trách nhiệm của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hiến Nam Cao Như Phông cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của Ban Chấp hành hội đã góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Năm 2020, Hội Cựu chiến binh phường Hiến Nam được Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích hoàn thành xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội.

Giỏi làm kinh tế, tích cực việc xã hội

Hình ảnh người thương binh nặng ¼ rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, lặn lội, nhiệt tình trong các công việc của làng, của xóm đã thành quen thuộc với người dân xã Minh Tân (Phù Cừ). Đó là thương binh Hoàng Hoa Đẽ.

Thương binh Hoàng Hoa Đẽ, xã Minh Tân (Phù Cừ)

Tháng 12.1970, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Đẽ tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau đó, khi tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, năm 1981, ông bị thương với tỷ lệ thương tật mất sức khỏe 91%. Năm 1986, trở về quê hương, mang trên mình nỗi đau chiến tranh nhưng ông Đẽ vượt lên thương tật, quyết tâm phục dậy kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Ông vận động gia đình phát triển kinh tế bằng việc không quản sớm hôm, khuya tối bôn ba buôn bán, tăng gia thêm trồng trọt; chăn nuôi…

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, bắt nhịp với nhu cầu của thị trường, ông đã mạnh dạn bàn với gia đình tập trung cải tạo khu ruộng trũng, làm trang trại VAC khép kín với diện tích hơn 2.000 m2. Ở giữa trang trại, gia đình ông đào ao, xây thành các ngăn nuôi cá trê, xung quanh vườn trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, bưởi, mít… Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi gần 500 con gà và vịt đẻ trứng. Ông Đẽ cho biết: Để có được cơ ngơi này, tôi đã phải tìm đến những người đồng đội cũ có trang trại để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá, trồng cây ăn quả, rồi vừa làm, vừa tìm hiểu thêm. Đến nay, trang trại của gia đình tôi cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Tuy bận rộn với công việc trang trại nhưng mọi công việc của thôn, xóm, phong trào của địa phương, ông vẫn nhiệt tình tham gia. Là thành viên tổ hòa giải của thôn, hễ ở đâu có mâu thuẫn, tranh chấp, ông lại đến gặp gỡ để tìm hiểu, phân tích, giảng giải… giúp xóm làng thêm đoàn kết. Khi địa phương xây dựng các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa, ông tham gia vào Ban kiến thiết, thường xuyên có mặt tại nơi thi công để kiểm tra, giám sát xây dựng… Dù được thôn và Nhân dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ nào, ông cũng gắng sức hoàn thành. Trong các cuộc vận động ủng hộ từ thiện, gia đình ông luôn gương mẫu tích cực tham gia đóng góp. Hằng năm, gia đình ông đều được bình chọn là gia đình văn hóa.

Thu Yến

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202107/nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-58a7648/