Từng là một phần của Ford cùng Volvo và Jaguar, ngày nay hãng xe Aston Martin là công ty độc lập với nhiều cổ đông và nhà đầu tư chiến lược, trong đó có Daimler của Mercedes-Benz và công ty đầu tư Investindustrial có trụ sở tại London. Nhờ quan hệ mật thiết với Mercedes nên các mẫu xe mới nhất của Aston Martin đều sử dụng động cơ AMG.
Được thành lập năm 1916, ban đầu là công ty chuyên về động cơ máy bay, BMW dần mở rộng sang sản xuất môtô và ôtô. Ngày nay, BMW sở hữu Mini và Rolls-Royce. Hãng xe Đức bán xe thể thao i3 (điện) và i8 (plug-in hybrid) dưới thương hiệu BMW i. BMW hợp tác chặt chẽ với hãng độ Alpina, cung cấp động cơ điện cho Jaguar – Land Rover.
Tên ban đầu là Daimler-Benz, thành lập tại Đức năm 1926. Ngày nay, hãng có tên chính thức là Daimler AG (từ 1998). Daimler sở hữu các thương hiệu xe Mercedes-Benz, Mercedes-AMG, Mercedes-Maybach, Smart, và một số công ty sản xuất xe kéo hạng nặng như Freightliner và Western Star. Daimler AG sắp ra mắt thương hiệu Mercedes-EQ mới, tập trung vào xe điện, hybrid, và plug-in hybrid.
Thực chất là tên viết tắt của Fabbrica Italiana Automobili Torino, Fiat được thành lập năm 1899, là một trong những hãng xe lâu đời nhất thế giới. Fiat mua lại Chrysler năm 2009 sau khi công ty này phá sản. Ngày nay, Fiat-Chrysler Automobiles (FCA) sở hữu các thương hiệu Abarth, Alfa Romeo, Fiat, Fiat Professional, Lancia, Maserati, và tất cả thương hiệu của Chrysler như Dodge, Jeep, và Ram.
Enzo Ferrari lấy tên ông đặt cho tên công ty vào năm 1947. Ferrari hợp tác cùng Fiat phát triển các mẫu xe thể thao, trong đó có Dino, vào những năm 60. Trong nhiều thập kỷ, Ferrari được biết đến như thương hiệu xe siêu sang của Fiat. Tuy nhiên, từ tháng 1/2016, Ferrari tách khỏi công ty mẹ và phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) không lâu sau đó.
Nổi tiếng với mẫu xe Model T đời đầu của ngành công nghiệp xe hơi, Ford có cổ phần lớn trong Volvo, Jaguar, Land Rover, Mazda, Mercury, và Aston Martin. Năm 2019, Ford thiết lập quan hệ đối tác với Volkswagen phát triển dòng xe thương mại, công nghệ tự lái và xe điện. Hãng xe Mỹ cũng vừa đầu tư 500 triệu USD cho Rivian, startup chuyên sản xuất bán tải điện.
Sau khi nộp đơn phá sản năm 2009, General Motors giảm đáng kể quy mô. Hãng này chia thành nhiều mảng xe, gồm Buick, Cadillac, Chevrolet, GMC, và Holden. Ngoài xe, GM còn tham gia sứ mệnh Apollo 15, 16, và 17, cụ thể là phát triển hệ thống chuyển động trên cỗ xe thám hiểm Mặt Trăng.
Trong khi hầu hết hãng xe lớn gia nhập ngành công nghiệp ôtô trước hoặc trong đầu thế kỷ 20, mãi tới năm 1948 Honda mới được thành lập. Tên hãng bắt nguồn từ Soichiro Honda, một trong số các nhà sáng lập. Honda sở hữu thương hiệu Acura. Ngoài ôtô, Honda còn sản xuất môtô, scooter, máy cắt cỏ, động cơ cho tàu thuyền, thậm chí cho máy bay.
Được thành lập tại Hàn Quốc, Hyundai ra mắt mẫu xe đầu tiên năm 1986 nhờ hợp tác với Ford. Ngày nay, Hyundai Motor Company sở hữu một phần Kia, một trong những đối thủ chính của hãng. Xe Hyundai và Kia dùng chung nhiều chi tiết, gồm cả động cơ và hộp số. Năm 2015, Hyundai ra mắt thương hiệu xe sang Genesis Motors.
Theo Phương Thảo/Kiến thức