Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 1: Trở về để đóng góp lớn hơn

Người Việt trẻ ở trong và ngoài nước nỗ lực học tập, làm việc không ngừng nghỉ với một khát khao, lý tưởng xuyên suốt là cống hiến nhiều hơn cho đất nước. 5 tiến sĩ trẻ - chủ nhân Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2024 đã chia sẻ với PV Tiền Phong về hành trình khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt góp sức mình vào 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

Sau 9 năm học tập, làm việc tại Pháp, TS Nguyễn Viết Hương (SN 1990), quyết định trở về Việt Nam với một suy nghĩ thôi thúc: “Mình phải có hoài bão gì lớn hơn, đóng góp lớn hơn cho quê hương”.

TS Nguyễn Viết Hương là người tiên phong đưa công nghệ SALD lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển về nước. Ở tuổi 34, TS Nguyễn Viết Hương là Phó trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa. Anh sở hữu 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế; có 39 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI - Q1 (tạp chí khoa học uy tín nhất hiện nay), trong đó, 32 bài Q1.

TS Nguyễn Viết Hương (thứ 2 từ trái qua) cùng đội ngũ xây dựng hệ SALD tại Việt Nam

TS Nguyễn Viết Hương (thứ 2 từ trái qua) cùng đội ngũ xây dựng hệ SALD tại Việt Nam

Học tập để làm rạng danh Tổ quốc

Bước ngoặt đầu tiên trên con đường học tập của TS Hương là khi anh từ học sinh trường làng của huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) thi đỗ vào lớp chuyên Toán A1 - Khối THPT Chuyên, Trường Đại học Vinh (Nghệ An).

“Phương châm sống của tôi là cống hiến. Tôi luôn nghĩ rằng, dấu ấn tốt nhất mà mình có thể để lại cho đời là những công trình khoa học có ý nghĩa, là các thế hệ học trò giỏi giang, biết sống vì cộng đồng. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh của vật liệu cứng nhất trên đời – kim cương, trong đó, mỗi nguyên tử carbon đã “vô tư” san sẻ 4 điện tử của bản thân để liên kết bền chặt với 4 nguyên tử carbon xung quanh. Có lẽ sự cống hiến, chia sẻ, hợp tác của mọi người sẽ làm nên một xã hội bền vững”.

TS Nguyễn Viết Hương, Trường ĐH Phenikaa

Trong môi trường học tập mới, với sự dìu dắt tận tâm của các thầy cô trong trường, anh đã có sự phát triển mạnh mẽ tư duy về tự nhiên. Đây chính là động lực, nền tảng lớn giúp anh xây dựng kiến thức khoa học và kỹ thuật sau này.

Kết thúc hành trình cấp 3, anh thi đỗ thủ khoa (29 điểm) khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội). Cuối năm nhất đại học, anh nhận được học bổng của Đề án 322 - cử sinh viên đi đào tạo tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Chàng trai Hà Tĩnh bắt đầu hành trình du học của mình ở tuổi 19. Anh chọn INSA de Lyon (Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon) - trường kỹ sư hàng đầu nước Pháp để tiếp tục theo đuổi ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ nano.

“Những ngày đầu tiên du học ở Pháp, tôi bị sốc vì chương trình kỹ sư học phần đại cương rất nặng. Khi đó, trình độ tiếng Pháp của tôi mới chỉ hiểu được 30% những gì thầy, cô giáo giảng trên lớp. Về nhà, tôi phải tự đọc lại, học lại và tìm hiểu rất nhiều để hiểu được bài trên lớp và nỗ lực học tiếng Pháp cấp tốc với muôn vàn khó khăn”, anh Hương nhớ lại. Dù vậy, với các môn học sở trường: Toán, Lý, anh thường trong nhóm 1 - 3 người học tốt nhất lớp.

Sau thời gian tiếng Pháp dần tốt lên, anh Hương có thêm những người bạn quốc tế, giúp anh khám phá thêm được văn hóa, mở rộng giao lưu, học hỏi. “Và hơn hết, tôi có cơ hội nuôi dưỡng tình cảm, khát vọng của mình với hai tiếng thiêng liêng “Việt Nam”. Những lúc khó khăn tưởng chừng muốn gục ngã, tôi tự trấn an, xốc lại tinh thần với một ý nghĩ rằng, những gì mà mình đang được trải nghiệm ngày hôm nay nhờ học bổng ngân sách Nhà nước. Đó là những đồng tiền thuế của nhân dân mà ra. Việc học tập ở nước ngoài không còn là việc cá nhân nữa mà phải nỗ lực để làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên trường quốc tế, để sau này về xây dựng Tổ quốc”, anh Hương chia sẻ.

Những suy nghĩ đó đã tiếp thêm động lực mạnh mẽ giúp chàng trai trẻ bứt phá vươn lên với thành tích học tập không thể ấn tượng hơn. Anh là thủ khoa đầu ra toàn khóa của khoa Khoa học Vật liệu - INSA de Lyon. “Lớp tôi có 82 bạn, trong đó, chỉ có 3 bạn châu Á là tôi và hai bạn Trung Quốc, còn lại là người Pháp và các nước châu Âu, Mỹ. Đấy là những năm tháng vất vả, nhưng vẻ vang thời tuổi đôi mươi của tôi”, anh Hương xúc động nói.

TS Nguyễn Viết Hương, Trường ĐH Phenikaa làm việc trong phòng thí nghiệm SALD

TS Nguyễn Viết Hương, Trường ĐH Phenikaa làm việc trong phòng thí nghiệm SALD

Bước ra khỏi vùng an toàn

Kết thúc 5 năm chương trình học kỹ sư/thạc sĩ tại Pháp, Viết Hương xác định sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học dài lâu. Tuy nhiên, để bước đi vững chắc trên con đường này, cần thành thạo tiếng Anh. “Trong suốt 5 năm ở Pháp tôi được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Pháp, tiếng Anh thì rất yếu. Vì vậy, tôi quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, tìm một phòng lab bên ngoài nước Pháp để thực tập nghiên cứu nhằm trau dồi tiếng Anh”, anh chia sẻ.

Anh được giới thiệu sang IMEC, Leuven (Bỉ) - một trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano vào loại lớn nhất châu Âu. “Tôi tiếc thời gian ở IMEC đến nỗi tất cả những ngày cuối tuần, tôi đều ở trong phòng thí nghiệm, tận dụng mọi khoảng thời gian để say đắm trong môi trường nghiên cứu quốc tế đỉnh cao này”, TS. Nguyễn Viết Hương kể.

Sau thời gian ở Bỉ, tháng 10/2015, anh trở lại Pháp làm nghiên cứu sinh ở phòng thí nghiệm Vật liệu - Vật lý (LMGP), thuộc CNRS & Trường Bách khoa Grenoble.

“Những ngày đầu làm nghiên cứu sinh, tôi cứ tưởng sẽ bắt tay ngay vào các nghiên cứu cao siêu, nhưng không phải, tôi bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt nhất, từ hàn các dây cáp điện chống nhiễu, viết code điều khiển lưu lượng khí, nhiệt độ, thiết kế… Cùng đó, là sự hướng dẫn, chỉ dạy rất khắt khe từ thầy giáo hướng dẫn”, anh Hương kể.

Sự rèn luyện khắt khe đó đã giúp anh sớm định hình bản sắc nghiên cứu của mình, theo đuổi, chinh phục một số ý tưởng khó khăn. Đây chính là thời điểm giúp anh xây dựng thành công hệ SALD - hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước sau này. Kết quả, luận án tiến sĩ của anh nhận được giải Luận án tiến sĩ xuất sắc của Hội Hóa học Pháp.

Về nước để cống hiến

Sau 9 năm sống, học tập, nghiên cứu ở Pháp, TS Nguyễn Viết Hương được một số cơ sở nghiên cứu đề xuất vị trí làm việc lâu dài, có thể định cư dễ dàng và sống khá thoải mái ở đây nhưng anh đã từ chối những lời mời hấp dẫn đó, quyết định trở về Việt Nam với một suy nghĩ thôi thúc: “Mình phải có hoài bão gì lớn hơn, đóng góp lớn hơn cho quê hương”.

Năm 2019, anh đầu quân về Trường Đại học Phenikaa và chủ trì dự án xây dựng, tự thiết kế hệ thống SALD - hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước. SALD là một trong những công nghệ chế tạo nano tiên tiến nhất hiện nay.

Sau 3 năm làm việc không ngừng nghỉ, anh và các cộng sự đã cho ra mắt phòng thí nghiệm công nghệ SALD vào tháng 2/2022. “Đây là hệ thống lắng đọng đơn lớp nguyên tử (SALD) ở áp suất khí quyển đầu tiên trong nước, đánh dấu bước ngoặt lớn, cho phép chế tạo các màng mỏng nano ô-xít kim loại bán dẫn với mức độ điều khiển bề dày tới từng đơn lớp nguyên tử. Đặc biệt, chúng ta chủ động được công nghệ và hoàn toàn có thể mở rộng ra quy mô lớn”, TS Hương chia sẻ.

Hệ thiết bị này có giá thành thấp hơn nhiều lần so với mua thương mại (một thiết bị ALD ở nước ngoài khi nhập về Việt Nam có giá thành ít nhất là 5 tỷ đồng - PV). Thành công bước đầu của anh và nhóm nghiên cứu đang gây sự chú ý của cộng đồng nghiên cứu khoa học và nhận được sự bắt tay hợp tác từ các trường đại học ở Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, Đài Loan, Malaysia, mở ra nhiều cơ hội phát triển sâu rộng trong tương lai.

“Thú thật tôi dành rất nhiều thời gian và tâm trí cho công việc nghiên cứu. Từ khi về Việt Nam, tôi chưa có một kỳ nghỉ đúng nghĩa. Với việc nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2024, tôi cảm nhận được rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc dẫn dắt nghiên cứu; cố gắng hơn nữa hiện thực hóa các công trình nghiên cứu mang lại giá trị phục vụ xã hội”, TS Hương nói.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-tien-si-tre-va-khat-vong-doi-thay-bai-1-tro-ve-de-dong-gop-lon-hon-post1688201.tpo