Những tìm sâu triết học của Wittgenstein: trò chơi ngôn ngữ với bản dịch Việt?

Sau ngót nghét gần một thế kỷ (97 năm) thì kiệt tác đầu tiên của một trong những nhà triết học nổi tiếng thế giới Ludwig Wittgenstein có tên 'Tractatus Logico -Philosophicus' (xuất bản 1921) đã xuất hiện tại Việt Nam với bản dịch 'Luận văn Logic -Triết học'. Và phải mất 66 năm sau, với sự hỗ trợ không hề nhỏ đến từ Nhà sách Domino Books & Nhà xuất bản Đà Nẵng, kiệt tác còn lại của Wittgenstein, 'Philosophische Untersuchungen' (xuất bản 1953) mới được xuất hiện tại Việt Nam với bản dịch 'Những tìm sâu triết học'.

Bìa sách Những tìm sâu triết học, Trần Đình Thắng dịch - Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa, Domino Books & NXB Đà Nẵng, 2019, 15.5x23.5cm, 508 trang

Người có công rất lớn trong việc du nhập cả hai kiệt tác này về Việt Nam đó chính là dịch giả Trần Đình Thắng. Có thể nói, đây là một bản dịch lịch duyệt về nội dung, dày dặn về dung lượng và hết sức ấn tượng về hình thức trình bày.

Wittgenstein dễ gợi cho người ta cái cảm giác sẽ muốn dịch ông. Vì cách trước tác của ông rất gần với những Leibniz, Spinoza, Berkeley… của thế kỷ XVII đặc trưng bởi các đoạn ngắn được đánh số bằng tiết đoạn, khúc chiết. Tuy tác phẩm của Wittgenstein ngắn là vậy, nhưng thật nghịch lý là lại rất ít ai sẵn sàng dịch trọn vẹn tác phẩm của ông sang Việt ngữ. Mãi đến dịch giả Trần Đình Thắng thì nghịch lý ấy mới bị xua tan!

Phải thú nhận rằng, Wittgenstein trước tác không nhiều. Ngoài 2 kiệt tác kể trên đã được dịch giả Trần Đình Thắng chuyển sang Việt ngữ, ông chỉ còn lại các dạng bài giảng và ghi chép ngắn… Thế nên, ta có thể tự tin xác nhận rằng, về cơ bản, sự hiện diện của Wittgenstein trong hình hài Việt ngữ đã đầy đủ.

Tuy với một ít tác phẩm như vậy, nhưng Wittgenstein đã gieo ảnh hưởng rất lớn trên khắp cả triết học phân tích. Đây là nhánh triết học tập trung ở các nước Anh, Mỹ, Úc đặc trưng với 3 nòng cốt chính gồm triết học logic, triết học ngôn ngữ và triết học tinh thần. Sự hấp dẫn của Wittgenstein nằm ở chỗ, hầu như ở bất kỳ bài viết nào của các nhà triết học phân tích, ta cũng đều thấy xác suất có trích dẫn Wittgenstein ở đó là rất lớn.

Khi Russell và Moore đang còn là sinh viên tại Đại học Cambridge vào những năm 1890 thì truyền thống triết học thịnh hành lúc này ở Anh là thuyết duy tâm kiểu Hegel mà đại diện là F. H. Bradley. Thuyết này nỗ lực trình bày một thế giới quan mang tham vọng mô tả bản chất của thực tại, cùng mối quan hệ giữa con người và thực tại đó.Russell và Moore đã cật lực phản đối lập trường này bằng cách xét đến cơ sở của các phát biểu đậm chất siêu hình học của nó.

Tuy nhiên, người công kích mạnh nhất vào pháo đài ấy là vị học trò xuất chúng của Russell - Ludwig Wittgenstein. Wittgenstein cho rằng các câu hỏi siêu hình học xét về bản chất của chúng là không thể có câu trả lời. Triết học, theo Wittgenstein, về cơ bản là hoạt động cốt ở việc làm sáng tỏ ngôn ngữ. Nhiệm vụ duy nhất của nhà triết học, do đó, là chỉ ra sự vô nghĩa và khả năng không thể trả lời trước các vấn đề siêu hình học ấy.

Nếu mục tiêu của Luận văn Logic - Triết học (2018) của Wittgenstein là chỉ ra cấu trúc ngôn ngữ trong mối quan hệ với thế giới càng rõ ràng càng tốt thì ở Những tìm sâu triết học (2019), ông muốn chỉ ra cách chúng ta dùng từ “ý nghĩa” như thế nào: “ý nghĩa của (một) từ là cách dùng từ này trong ngôn ngữ.” (tr.64)

Thay vì đi tìm kiếm ý nghĩa của từ ngữ như một cách đại diện cho sự vật, thì Wittgenstein lại muốn đi tìm việc sử dụng ngôn ngữ có vai trò thế nào cho mối quan hệ giữa nhận thức và từ ngữ. Ý nghĩa của từ ngữ là cách mà nó được sử dụng, từ đó gợi ra cho chúng ta vô số cách thức hoạt động của ngôn ngữ trong đời sống thường nhật. Wittgenstein cho rằng việc tìm sâu các hiện tượng ngôn ngữ ở trong cách dùng sơ khai của chúng sẽ cho phép ta thấy được mục đích và chức năng của từ ngữ một cách rõ ràng (tr.33).

Với Wittgenstein, nghĩa là sử dụng. Lý thuyết của Wittgenstein về nghĩa có thể được gọi là lý thuyết về cách sử dụng ý nghĩa (Gebrauchstheorie der Bedeutung). Ở đây, nghĩa có được một khi ta dùng từ ngữ vào trong các bối cảnh nhất định. Vậy chúng ta nhận ra được ý nghĩa từ vô số cách thức hoạt động của ngôn ngữ trong các bối cảnh ấy như thế nào?

Theo Wittgenstein, ta nhận ra nó dựa vào tình huống: “Và chẳng phải là có tình huống mà ta tạo ra các quy tắc trong khi ta đang chơi hay sao?” (tr.92).Việc ứng dụng một từ ngữ vào một tình huống luôn bị ràng buộc bởi các quy tắc, và điều này được ông gọi là “trò chơi ngôn ngữ” (Sprachspiel)( tr.36)

Trò chơi ngôn ngữ là điều kiện hình thành ý nghĩa trong việc thực hành từ ngữ. Trò chơi ngôn ngữ là mối tương quan giữa các dạng hoạt động ngôn ngữ và phi ngôn ngữ: “Ra lệnh, đặt câu hỏi, kể chuyện, trò chuyện là một phần trong lịch sử tự nhiên của ta giống như đi đứng, ăn uống, chơi đùa.” (tr.51).Và trò chơi này nổi lên ở trong không gian hoạt động của việc thực hành từ ngữ. Ở đây, Wittgenstein đề ra quan niệm dạng sinh hoạt (Lebensform) đóng vai trò là nơi phát sinh của trò chơi ngôn ngữ: “Và tưởng tượng một ngôn ngữ có nghĩa là tưởng tượng một dạng sinh hoạt nào đó” (tr.42).

Trò chơi ngôn ngữ luôn hoạt động dựa trên các quy tắc của trò chơi. Cái làm nên quy tắc trò chơi, Wittgenstein cho đó là các kỹ thuật: “Hiểu một câu có nghĩa là hiểu một ngôn ngữ. Hiểu một ngôn ngữ có nghĩa là làm chủ một kỹ thuật”(tr.160).

Sự thành công của quy tắc được xác định bởi một thực hành (Praxis). Và từ đó, Wittgenstein xem triết học có một khả năng trị liệu.Đó là việc ta phải sử dụng từ ngữ sao cho đúng cách,nhờ đó ta có thể ngăn chặn tạo ra những vấn đề lẫn lộn không đáng có.

Triết học Wittgenstein liên quan đến hoạt động đời sống chứ không đơn thuần là bài giảng lý thuyết. Nhờ vào khả năng sử dụng ngôn ngữ đúng cách này mà chúng ta có thể xóa bỏ sự u mê tinh thần của ta: “Những kết quả của triết học là các phát hiện ra một số vô nghĩa rành rành và những cục u sưng tấy do trí tuệ lao đầu vào |bức tường| các giới hạn của ngôn ngữ” (tr.111)

Hoàn toàn không giống với phong cách quá kỹ thuật trong Luận văn Logic - Triết học, ở công trình này, Wittgenstein viết với phong cách diễn đạt gần gũi, dễ hiểu. Thay vì trình bày các đoạn văn phụ, các luận cứ như cuốn trước, ông lại sử dụng việc đánh số liên tiếp để trình bày những suy nghĩ và phát hiện của mình liền mạch hơn. Một mặt, nhằm để chỉnh sửa lại Luận văn, cụ thể là lọc ra đượcviệc lặp đi lặp lại các ý tưởng và nêu bật ra được những ý tưởng mới.

Ở tiêu đề bản dịch, việc sử dụng từ “tìm sâu” (dịch sát từ tiêu đề tiếng Đức, tìm sâu = tìm kiếm [suchen] + bên dưới [unter]) giúp lột tả khá tài tình phong cách trước tác của Wittgenstein ở giai đoạn này, giai đoạn mà ông chuyển hẳn sang một địa hạt mới, một địa hạt không còn là ngôn ngữ lý tưởng (ideal language) nữa mà là ngôn ngữ đời thường (ordinary language).

Ở bản dịch này, chúng ta thấy hài hước và thông minh được trộn lẫn với nhau bằng những câu dịch tiếng Việt rõ ràng và sáng sủa. Ngoài ra, ta còn thấy được nằm sâu bên dưới những điều ngỡ như “đùa bỡn” ở lối dịch của Trần Đình Thắng là một sự nghiêm túc trong việc chuyển tải tư tưởng ở nguyên bản. Nỗ lực sử dụng từ thuần Việt luôn được cố gắng triển khai liên tục càng in đậm phong cách dịch ở dịch giả này. Và cuối cùng, sự can đảm chế từ ở dịch giả luôn được đi liền với việc chú giải, hình minh họa, “nốt” (note) cẩn thận càng khiến cho bản dịch độc đáo, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo được độ uy tín về khái niệm và nội dung.

Hơn hết, đây có lẽ là một dấu ấn khó phai đối với lịch sử tiếp nhận tư tưởng triết học ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI này.

Phạm Tấn Xuân Cao

(Dịch giả, nhà nghiên cứu tự do)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-tim-sau-triet-hoc-cua-wittgenstein-tro-choi-ngon-ngu-voi-ban-dich-viet-21723.html