Những 'trái tim hồng' khoác blouse trắng

Phong trào tình nguyện hiến máu cứu người đã trở thành việc làm thường xuyên của các y bác sĩ, cán bộ ngành y tế thời gian qua. Đặc biệt, nhiều người đã có hàng chục lần hiến máu và sẵn sàng là 'kho máu sống' giúp cứu chữa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Đây chính là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những 'trái tim hồng' khoác blouse trắng.

 Y bác sĩ tham gia hiến máu cứu người - Ảnh: T.L

Y bác sĩ tham gia hiến máu cứu người - Ảnh: T.L

Vượt chặng đường hơn 40 km để tham gia hiến máu nhưng chị Lê Thị Phượng, cán bộ Trạm Y tế xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh vẫn vui tươi, phấn khởi. Gần 10 năm qua, chị Phượng đã có 11 lần tham gia các đợt hiến máu do ngành y tế, địa phương tổ chức. Là một thầy thuốc, chị Phượng hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của những giọt máu đối với người bệnh. Do vậy, ngoài việc tích cực tham gia, chị còn vận động các thành viên trong gia đình, bạn bè tham gia hiến máu tình nguyện. Chị Phượng cho biết: “Tôi quan niệm, hiến máu cứu người không chỉ là hưởng ứng phong trào của ngành y tế, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng xã hội. Qua mỗi lần hiến máu, tôi thấy rất vui vì việc làm của mình đã và đang góp phần cứu sống những người bệnh cần máu. Tôi sẽ hiến máu trong nhiều năm nữa nếu sức khỏe cho phép và tiếp tục là một tuyên truyền viên vận động những người xung quanh cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này”.

Chị Phan Thị Khánh Linh, cán bộ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải tham gia hiến máu từ khi còn là một sinh viên y khoa. Đến năm 2006 nhận công tác tại bệnh viện, chị Linh tiếp tục hiến máu tình nguyện đều đặn từ 1 - 2 lần/ năm. Ngoài hàng chục lần tham gia hiến máu, chị Linh cùng các đồng nghiệp luôn sẵn sàng là “kho máu sống” để cứu chữa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. “Đó là một lần khi tôi đang trực thì nhận được tin có một sản phụ đang rất nguy kịch cần truyền máu. Không đắn đo suy nghĩ, tôi cùng những đồng nghiệp của mình đã hiến máu để cứu sống bệnh nhân. Nhờ nhận được máu kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch trong niềm vui của các y, bác sĩ và niềm hạnh phúc của người thân. Còn với chúng tôi, những người trực tiếp hiến máu hơn ai hết cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” và thêm yêu, gắn bó hơn với nghề mình đã chọn”, chị Linh chia sẻ.

Tham gia chương trình “Blouse trắng - Trái tim hồng” lần này, ngoài những tình nguyện viên hiến máu nhiều lần, chúng tôi còn được gặp gỡ với rất nhiều thầy thuốc trẻ. Với họ, việc tham gia hiến máu tình nguyện không chỉ thể hiện lòng nhân ái, sự chia sẻ của bản thân mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Chia sẻ với chúng tôi trong lần hiến máu thứ 2 của mình, chị Thái Thị Ly Na, một bác sĩ trẻ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết thêm: “Tại đơn vị, hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo các y bác sĩ, cán bộ tham gia. Lần này, được tham gia hiến máu trong một điều kiện rất đặc biệt đó là tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lượng máu tiếp nhận để cấp cứu, điều trị cho người bệnh giảm sút gây nên tình trạng khan hiếm máu tại nhiều bệnh viện. Do vậy, tôi mong muốn sẽ được hỗ trợ một phần công sức nhỏ bé của mình để làm giảm bớt tình trạng này, hỗ trợ điều trị tốt cho người bệnh. Là một thầy thuốc trẻ, ngoài việc nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tôi sẽ tiếp tục tham gia các đợt hiến máu do ngành, địa phương tổ chức trong thời gian tới nhằm góp một phần nhỏ công sức của mình vào công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng”.

Ngoài những ngày hội hiến máu do ngành y tế tổ chức hằng năm, hoạt động hiến máu tình nguyện cũng được nhiều đơn vị, cơ sở y tế triển khai nhằm đảm bảo lượng máu cứu chữa bệnh nhân kịp thời. Như tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, một “Ngân hàng máu sống” được thành lập từ năm 2014 để cung cấp lượng máu kịp thời cứu sống bệnh nhân, trong đó có khá nhiều thành viên tham gia hiến máu nhiều lần trong năm. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, việc hiến máu khẩn cấp cũng được đẩy mạnh nhằm phục vụ cấp cứu kịp thời bệnh nhân. Mỗi thành viên tham gia hiến máu khẩn cấp vừa là người trực tiếp tham gia, đồng thời là một tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền, vận động người nhà bệnh nhân, Nhân dân cùng tham gia hiến máu. Khoa Huyết học - Truyền máu của bệnh viện cũng thường xuyên cập nhật những kiến thức mới đến toàn thể cán bộ, viên chức. Qua đó phát hiện kịp thời những bệnh về máu để hỗ trợ trong công tác điều trị đạt kết quả tốt, mang lại niềm tin cho người bệnh. Để công tác hiến máu khẩn cấp được thực hiện tốt, Hội Chữ thập đỏ bệnh viện còn phối hợp lập danh sách “Hội viên hiến máu tình nguyện” cho từng khoa, phòng với đầy đủ thông tin cần thiết như số điện thoại, nhóm máu của các thành viên. Chính việc hiến máu kịp thời đã giúp nhiều cuộc phẫu thuật, cấp cứu thành công, cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Nguyễn Thị Minh Tuyết thông tin: “Hiến máu tình nguyện đã trở thành việc làm thường xuyên của ngành y tế. Lượng máu thu được hằng năm từ những người thầy thuốc đã góp phần đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Đặc biệt, trong thời điểm COVID-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hiến máu tình nguyện, chúng tôi vừa là những người nòng cốt trong phòng, chống dịch nhưng đồng thời cũng là các tuyên truyền viên tích cực, những tình nguyện viên nhiệt tình, đầy trách nhiệm tham gia hiến máu an toàn để đảm bảo đủ lượng máu cấp cứu cho người bệnh”.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155800