Những trang văn mang nghĩa tình người lính

Điềm đạm, ấm áp và trọng thị..., đó là cảm nhận chung của bất cứ ai khi có dịp tiếp xúc, làm việc với Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Là người lính bước ra từ khói lửa chiến tranh với hơn 10 năm lăn lộn trên chiến trường Khu 5 khốc liệt tử sinh nên dễ dàng cảm nhận được từ ông những phẩm cách đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ. Và hẳn cũng từ nguyên do ấy, những trang văn của Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân luôn thấm đẫm tính nhân văn, chính nghĩa. Hầu hết tác phẩm của ông đều thuộc mảng đề tài chiến tranh cách mạng, xây dựng hình ảnh người lính trong thời chiến hay giữa thời bình đều lấp lánh một tình cảm trìu mến với cách hành văn cô đọng, duy mỹ.

 Nhà văn Nguyễn Trí Huân (bên phải) trao tác phẩm tặng đại diện Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ảnh: TUẤN LINH

Nhà văn Nguyễn Trí Huân (bên phải) trao tác phẩm tặng đại diện Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ảnh: TUẤN LINH

1. Năm nay, Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã gần 80 tuổi song ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với văn chương và luôn đau đáu với mong muốn Quân đội sẽ có nhiều hơn những tác giả trẻ trưởng thành trong quân ngũ-điều mà ông đã luôn nỗ lực vun đắp trong những năm tháng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vừa đọc tiểu thuyết “Năm 1975 họ đã sống như thế” của ông được xuất bản năm 1979, tôi vừa mường tượng về hành trình xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của chàng trai quê huyện Đan Phượng (Hà Nội) năm nào. Nguyễn Trí Huân nhập ngũ năm 1965, thuộc biên chế của Quân chủng Phòng không-Không quân. Sau đó ít năm, Trí Huân tình nguyện vào chiến trường với vai trò phóng viên, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ.

Công tác, chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng, trong hành trang của người lính ấy ngoài cây súng còn có cây bút và cuốn sổ tay ghi chép. Theo bước đoàn quân thần tốc, Nguyễn Trí Huân tham gia Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và tiểu thuyết “Năm 1975 họ đã sống như thế” là kết quả của những năm tháng nhà văn-chiến sĩ ấy chiến đấu và viết ở chiến trường miền Trung ác liệt. Hòa bình lập lại, Trí Huân trở về miền Bắc và học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, ông được chuyển về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho tới khi nghỉ hưu và chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2007.

2. Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân tâm sự: “Tạp chí Văn nghệ Quân đội là nơi tập hợp của những tài năng văn học, mà ứng xử với tài năng thì trước hết là tôn trọng. Hơn nữa, văn chương là chuyện sáng tạo, đòi hỏi người viết phải có cá tính. Cho nên tôi quan niệm lãnh đạo văn nghệ là phải biết chấp nhận cá tính, tôn trọng cá tính. Ở một cơ quan mang tính đặc thù như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, có hai mối quan hệ cần được tôn trọng. Một là mối quan hệ giữa người chỉ huy và người bị chỉ huy theo điều lệnh Quân đội. Hai là mối quan hệ đồng đội, đồng nghiệp. 14 năm làm Tổng biên tập, tôi đã xử lý ổn thỏa hai mối quan hệ này, đôi khi còn coi trọng mối quan hệ đồng đội, đồng nghiệp hơn. Tôi đã học được cách quản lý, ứng xử như vậy từ các anh Vũ Cao, Từ Bích Hoàng và sau nữa là các anh Dũng Hà, Hồ Phương, Xuân Thiều”.

Có lẽ chính bởi tư duy làm việc thấu đáo, cẩn trọng, tận tụy hết mình và cách ứng xử hòa ái, chân thành, từ một biên tập viên, Nguyễn Trí Huân lần lượt kinh qua các vị trí; rồi đến năm 1993, ông được bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong những năm tháng đó, Tạp chí Văn nghệ Quân đội với chất lượng nội dung vượt trội, các tác phẩm có giá trị cao đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những người lính nói riêng và bạn đọc yêu văn chương cả nước nói chung. Uy tín, danh tiếng và nhân phẩm của ông không chỉ được thủ trưởng Tổng cục Chính trị, đồng chí, đồng đội trong quân ngũ ghi nhận, đánh giá cao mà bạn bè văn chương cả nước cũng hết sức trân trọng, quý mến.

Điều đó được minh chứng bằng việc suốt 25 năm ông được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và có tới 4 nhiệm kỳ đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Thậm chí, khi hoàn thành nhiệm vụ của một người lính trên mặt trận tư tưởng văn hóa, năm 2007, dù đã bước sang tuổi “Lục thập nhi nhĩ-thuận”, nhà văn Nguyễn Trí Huân vẫn được tín nhiệm giao đảm nhận cương vị Tổng biên tập Báo Văn nghệ (2007-2014) và Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (2014-2020). Điều hành, quản lý những diễn đàn văn học-nghệ thuật của các văn, nghệ sĩ giàu cá tính, tài năng và cũng đầy góc cạnh... song ông đã cân đối hài hòa những yếu tố để hướng mọi người tới đích chung là tôn vinh vẻ đẹp văn học. Ông cũng luôn quan tâm sâu sát, tạo mọi điều kiện để cán bộ, biên tập viên và đội ngũ cộng tác viên được phát huy tối đa tài năng của mình, qua đó khẳng định được vị thế của đơn vị cũng như ấn phẩm.

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ, anh học được nhiều điều từ người thủ trưởng, vị tiền bối đáng kính Nguyễn Trí Huân trên cả hai vai trò người lính và người viết. Anh đã được ông chỉ bảo rất nhiều trên các góc độ người thủ trưởng thân tình, tâm lý, người chú đức độ, bao dung, người bạn văn đôn hậu, luôn tôn trọng xu hướng sáng tác của cấp dưới và đồng nghiệp. Còn ở một góc riêng trong tôi, Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân là một người rất đặc biệt, bởi sự quan tâm chân thành đối với người viết trẻ của ông là một trong những yếu tố giúp tôi vững tin đi tiếp trên con đường thơ ca nhiều truân chuyên, gian khó. Đặc biệt, tình nghĩa trước sau như một của ông với đồng đội, bạn bè văn chương thông qua việc tận tâm điều hành Quỹ nhà văn Lê Lựu khi được bạn ký thác, sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh mình lúc khó khăn... cũng là một điều mà tôi luôn tự nhủ mình cần học theo.

3. Lưng vốn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trí Huân tuy không nhiều, song hầu hết đều có dấu ấn, tạo được một vị thế, một giọng văn riêng trên văn đàn. Từ tập truyện ngắn đầu tiên “Mặt cát” xuất bản năm 1977, lần lượt sau đó là các tiểu thuyết: “Năm 1975 họ đã sống như thế”, “Dòng sông của Xô Nét”, “Chim én bay”, tập ký “Dấu thời gian” và tập truyện “Bất chợt mai vàng”. Nhà văn Nguyễn Trí Huân đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1989), Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng (năm 1989), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007) và mới đây nhất, tập truyện “Bất chợt mai vàng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là một trong 10 tác phẩm văn học nổi bật năm 2023.

Qua lăng kính chiêm nghiệm cuộc sống và ngòi bút tinh mỹ, cấu tứ chặt chẽ, văn phong mực thước, sáng sủa và cách sử dụng từ ngữ khá linh hoạt của ông, lớp hậu sinh như chúng tôi dường như cảm nhận được nhiều điều chân thực về chiến tranh, thấu hiểu được tâm tư, ý chí của thế hệ cha anh đi trước khi đối diện với tử sinh, khi đứng trước kẻ thù và cả những nỗi niềm vân vi bởi những khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Nhà văn Nguyễn Trí Huân đặc biệt có ưu thế trong xây dựng tâm lý nhân vật và thoại nhân vật trong nhiều trạng thái, hoàn cảnh khác nhau nên tạo được sự tác động trực tiếp đến tâm lý người đọc, dễ tạo nên sự rung cảm. Không gian của tác phẩm dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn luôn được xây dựng theo nhiều tầng bậc, nhiều tuyến với các trường liên tưởng, ẩn dụ hiệu quả, cách kể trầm ổn, mạch lạc giúp người đọc dễ theo dõi tuyến nhân vật và diễn biến câu chuyện, thời điểm lịch sử.

Ở một số tác phẩm, với thủ pháp hồi tưởng đồng hiện, nhiều nhân vật đã vượt thoát khỏi trang văn, có sức ám ảnh lớn gợi cho người đọc hình dung về những con người có thật trong cuộc sống, mang tính dự báo tương lai. Để đạt tới giá trị ấy, sức cộng cảm ấy, hẳn là bởi từ góc nhìn, suy nghĩ của ông luôn hàm chứa sự day dứt, niềm cảm thông với thân phận, số phận của con người và luôn kiến giải suy nghĩ, hành động của nhân vật, của tình huống truyện theo hướng nhân bản nhất. Điều đó ông đã thêm một lần nữa khẳng định quan điểm của mình trong “Lời vào truyện” của tập truyện “Bất chợt mai vàng”: “... một cuộc chiến tàn khốc đã lùi xa gần 50 năm và cũng đã đến lúc nó cần được khép lại. Khép lại để những con người tham gia cuộc chiến ấy ở cả hai phía có thể sống trong sự tĩnh lặng của đời thường và cũng bởi cuộc đời như một tấm áo họ đang may dở, hãy để cho họ đơm nốt những chiếc khuy áo cuối cùng”.

Một người lính trận kiên cường, một nhà văn tài hoa, một nhà quản lý luôn đề cao sự hài hòa, tôn trọng tài năng và trên tất thảy, Nguyễn Trí Huân tràn đầy lòng trắc ẩn và sự vị tha. Bên hiên nhà một sớm xuân muộn, tôi đã có những giờ phút được lắng nghe những suy tư cho văn học và đội ngũ những người viết văn áo lính từ ông. Và càng thấm thía điều ông nói: “Đã là nhà văn, hãy luôn khát vọng và nỗ lực để viết nên một tác phẩm sâu sắc tinh thần nhân văn và đậm đà nét riêng dân tộc mình”.

ĐẶNG TUỆ LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nhung-trang-van-mang-nghia-tinh-nguoi-linh-796556