Những trọng tâm thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN

Ngày 22/6, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khai mạc cuộc họp thượng đỉnh thường niên tại Bangkok trong hai ngày. Trọng tâm của hội nghị là các bên cố gắng thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung gây ảnh hưởng ngày càng nhiều đến nền kinh tế của các nước trong khu vực.

Chiều 22/6, tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. (Nguồn: TTXVN)

Theo hãng tin AFP, tại thượng đỉnh do Thái Lan chủ trì, các lãnh đạo Đông Nam Á đã cố gắng thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), để hình thành một khu vực tự do mậu dịch bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - một thị trường rộng lớn chiếm một nửa dân số thế giới.

Đây được coi là một công cụ của Bắc Kinh nhằm đề ra những quy tắc cho thương mại châu Á-Thái Bình Dương, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà lẽ ra sẽ là hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất thế giới.

Mặc dù các đòn thuế quan ăn miếng trả miếng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng kiến một số nhà sản xuất chạy khỏi Trung Quốc để tới những thị trường ASEAN an toàn hơn, song các nhà kinh tế cho rằng bức tranh tổng thể về tăng trưởng toàn cầu vẫn khá ảm đạm và các nước thành viên ASEAN rất muốn thúc đẩy thương mại với RCEP. Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin M. Andanar cho rằng hiệp định RCEP nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Ông nói: “Thương mại tự do chắc chắn là những gì chúng ta cần ở đây trong khu vực này”.

Phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan Werachon Sukhondhapatipak cũng tuyên bố trước báo giới rằng: “Hiệp định RCEP sẽ là yếu tố chủ chốt giúp gia tăng trao đổi mậu dịch”. Nếu ASEAN nhất trí thông qua thỏa thuận RCEP do Trung Quốc soạn thảo, đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

Các cuộc đàm phán về RCEP được bắt đầu từ năm 2012, tuy nhiên, trong những tháng gần đây, quá trình thương lượng đã bị chững lại do Ấn Độ lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường khổng lồ này. Về phần Australia và New Zealand, hai nước này quan ngại việc thiếu những bảo đảm về môi trường và lao động trong hiệp định.

Theo hãng tin AP, trong bản dự thảo thông cáo được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha công bố sau thượng đỉnh, các lãnh đạo ASEAN cam kết sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về RCEP trong năm nay.

Ngoài vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thảo luận về vấn đề khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. Theo đó, phát biểu sau cuộc họp của các bộ trưởng ở Bangkok, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết ASEAN muốn Myanmar và Bangladesh thảo luận về vấn đề này và đưa ra mốc thời gian cho sự trở lại của người tị nạn. Ông nói thêm rằng Myanmar đã thông báo cho ASEAN về việc cấp thẻ căn cước cho người tị nạn để nhận dạng họ khi họ trở về Nhà nước Rakhine. Ông lưu ý rằng các bên liên quan phải xây dựng niềm tin cho những người tị nạn, đảm bảo với họ rằng họ sẽ sống an toàn ở Rakhine.

Mặc dù ASEAN hoạt động dựa trên chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, song vấn đề Rohingya đã xuất hiện trong chương trình nghị sự của các hội nghị liên quan kể từ năm 2017, thời điểm quân đội Myanmar đụng độ với các nhóm người Rohingya có vũ trang, khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng chỉ trích. Khoảng 740.000 người Rohingya đã chạy trốn từ Myanmar sang Bangladesh kể từ tháng 8/2018 trong bối cảnh xuất hiện những cáo buộc về sự tàn bạo của lực lượng an ninh Myanmar.

Malaysia, quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất trong vấn đề này, nói rằng những kẻ sử dụng bạo lực đối với người thiểu số theo Hồi giáo phải “bị đem ra trừng trị”. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Bin Abdullah từng khẳng định việc hồi hương “phải bao gồm cả tư cách công dân của người Rohingya”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã nhất trí sẽ “thực hiện những hành động cụ thể trong việc ngăn chặn” rác thải biển - bao gồm rác thải nhựa - trên toàn khu vực trong “Tuyên bố Bangkok”, mặc dù các nhà hoạt động cho rằng những hành động này chỉ đơn giản là hạn chế việc sử dụng nhựa.

Tình hình Biển Hoa Nam (Biển Đông), đặc biệt là sau vụ một tàu của Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines, cũng là vấn đề quan trọng sẽ được các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận để đưa ra các biện pháp giải quyết vào ngày 23/6, với việc đưa ra xem xét một dự thảo thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Liên quan đến vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines, Manila cho biết một cuộc điều tra chung về vụ việc đã được thực hiện, đồng thời bổ sung rằng vụ việc này sẽ không làm hỏng các cuộc đàm phán về COC.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-trong-tam-thao-luan-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-asean-96371.html