Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 27)

Phát huy truyền thống, phẩm chất, đạo đức người chiến sĩ cách mạng, các anh luôn vượt qua mọi gian truân, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của BĐBP Việt Nam anh hùng

Bài 27: Vững vàng Đá Bằng

Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Đá Bằng (Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê ngày nay) là một trong 4 đồn được thành lập đầu tiên của CANDVT Đắk Lắk (năm 1975). Tuy gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ về nơi ăn, ở, thời tiết và công tác, nhưng với niềm vinh dự, tự hào của người chiến sĩ cách mạng, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) đơn vị đã luôn kề vai, sát cánh, đêm ngày vững chắc tay súng, sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ an ninh chính trị địa bàn, đã có 10 CB, CS Đồn CANDVT Đá Bằng anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ...

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ Đồn CANDVT Đá Bằng (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê). Ảnh: Phương Vy

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ Đồn CANDVT Đá Bằng (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê). Ảnh: Phương Vy

Vượt khó vươn lên

Sở dĩ gọi là Đồn Đá Bằng là bởi đơn vị đóng quân bên dòng suối Đắk Ruê thơ mộng, có nhiều phiến đá xanh bằng phẳng. Trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây từng là trạm tiếp xăng dầu trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam. Thượng tá Phạm Đức Khá, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê cho biết: Lúc mới thành lập (ngày 26/10/1975), đồn chỉ có 24 CB, CS tuổi đời còn rất trẻ, đa số mười tám, đôi mươi từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào. Đồn trưởng đầu tiên là Thiếu úy Trần Văn Thi, Chính trị viên là Thiếu úy Triệu Văn So...

Ngày đó, Đồn CANDVT Đá Bằng được giao quản lý, bảo vệ khoảng 24km đường biên giới thuộc địa phận xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Vị trí đóng quân của đồn rất khắc nghiệt về thời tiết, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Tuyến đường độc đạo để vào đồn là từ Bản Đôn, đi bộ, băng rừng bám theo dọc bờ sông Sê Rê Pốk dài khoảng 65km. Mưa rừng, lũ quét, sốt rét xảy ra triền miên. Tuy gian khó như thế, nhưng vẫn không làm giảm ý chí chiến đấu, mà còn là động lực thúc đẩy, tạo thêm sức mạnh cho tập thể, cho mọi CB, CS trong đơn vị. Vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đơn vị vừa tranh thủ xây dựng doanh trại, chặt cây, xẻ gỗ làm nhà.

Đại tá Quách Dũng, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê nhớ lại: "Lúc mới thành lập, đơn vị được giao các nhiệm vụ như: Chống các hoạt động vi phạm, lấn chiếm biên giới, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chống địch xâm nhập từ biên giới vào nội địa và từ nội địa ra ngoài biên giới. Chống địch câu kết, móc nối, gây rối, gây bạo loạn ở khu vực biên giới. Chống bọn phản động FULRO, truy quét ngụy quân, ngụy quyền và bọn phản động khác, đập tan âm mưu, thủ đoạn phá hoại của chúng. Xây dựng chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh"...

Cuối năm 1977, đầu năm 1978, trên tuyến biên giới Đắk Lắk, hoạt động lấn chiếm biên giới, đánh phá của Pol Pot ngày càng ác liệt. Có ngày, chúng bắn vào các đồn CANDVT của ta 300 quả đạn cối các loại và dùng cả trung đoàn chia làm nhiều mũi, bao vây dài ngày và tấn công vào các đồn, chốt và lực lượng vũ trang của ta. Riêng Đồn CANDVT Đá Bằng bị bọn chúng đánh phá hàng chục lần. Chúng lợi dụng địa hình, địa vật, đêm tối nhiều lần tiếp cận, dùng hỏa lực tập kích, phá hủy nhà ở, hệ thống hầm hào, công sự chiến đấu của đơn vị.

Đại tá Quách Dũng cho biết: "Chúng đã bắn vào khu vực Đồn CANDVT Đá Bằng 23 quả cối 60mm, 1 quả B41, 40 quả M79 và hàng trăm loạt đạn AK. Bên cạnh đó, chúng còn ngang nhiên tiến sâu vào nội địa gài mìn, phục kích vào đội hình tuần tra của ta, làm 3 đồng chí hy sinh, 4 đồng chí bị thương. Có lần, chúng còn đi sâu vào đất ta trên 10km, dùng mìn phá hủy 3 xe ô tô của ta trên đường từ Bản Đôn ra Đồn CANDVT Đá Bằng".

Chủ động tấn công địch

Với quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, Đồn CANDVT Đá Bằng đã nhiều lần kịp thời ngăn chặn các hoạt động khiêu khích, gây rối, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Pol Pot. Đơn vị đã hàng chục lần nổ súng đánh đuổi, tiêu diệt địch, trong đó, có 3 trận chiến đấu thắng lợi, lập công xuất sắc, đập tan ý đồ của địch tập kích đánh chiếm đồn. Tiêu biểu là trận đánh ngày 25/12/1977. Phát hiện một tốp địch vượt biên giới, xâm nhập trái phép vào đất ta, tổ tuần tra của Đồn CANDVT Đá Bằng đã nổ súng tiêu diệt tại chỗ 2 tên, thu 2 khẩu súng AK và 150 viên đạn, số còn lại bỏ chạy thục mạng về bên kia biên giới.

Đội công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: CTV

Đội công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: CTV

Với tư tưởng chủ động tiến công, bám địch, tìm địch mà đánh, ngày 8/3/1978, Phân đội vũ trang của Đồn CANDVT Đá Bằng gồm 13 CB, CS do Chính trị viên Triệu Văn So phụ trách đã truy theo dấu vết địch để tiêu diệt. Trang bị của phân đội gồm 1 khẩu B.40 và 4 quả đạn, 1 cối 60mm và 10 quả đạn, 11 tiểu liên AK và 1.500 viên đạn, 26 lựu đạn, lương thực, thuốc men đủ dùng từ 3-5 ngày. Sau một ngày đêm hành quân truy tìm theo dấu vết, khoảng 15 giờ, ngày 9/3/1978, gặp địch dựng lán đóng quân bên bờ suối cạn ở sâu bên đất ta, phân đội đã nổ súng tiêu diệt tại chỗ 7 tên và đuổi chúng chạy về bên kia biên giới. Trận này, ta thu 7 khẩu súng các loại, trong đó có 1 khẩu B40, 1 khẩu đại liên K53, 1 khẩu M79 và 4 khẩu súng AK.

Trong quá trình chiến đấu, công tác tại đơn vị, các CB, CS của Đồn CANDVT Đá Bằng luôn nhận thức rõ trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó, qua đó, rèn luyện ý chí chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, chủ động tấn công địch. Tiêu biểu cho lòng quyết tâm cao, gan dạ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là các đồng chí Hà Thanh Trì, Hồ Dã Định, Mai Văn Ánh, Nguyễn Văn Lai, Đàm Song Hỷ, Đinh Xuân Bảy, Hoàng Văn Lam, Triệu Văn So. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đã có 10 CB, CS Đồn CANDVT Đá Bằng hy sinh. Các anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 19-20 tuổi. Đây thực sự là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ CB, CS noi theo.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới, ngày 2/9/1976, Đồn CANDVT Đá Bằng vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa. Ngoài ra, đơn vị còn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1978); được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” năm 1980 và Bộ Tư lệnh CANDVT tặng Cờ “Đơn vị thi đua khá nhất” vào các năm 1976 và 1979.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: "Đã 48 năm trôi qua, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng bao thế hệ CB, CS Đồn CANDVT Đá Bằng ngày xưa và là Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê ngày nay vẫn luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực, kề vai sát cánh bên nhau. Phát huy truyền thống, phẩm chất, đạo đức người chiến sĩ cách mạng, các anh luôn vượt qua mọi gian truân, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của BĐBP Việt Nam anh hùng".

Bài 28: Trên tuyến lửa Đắk Lắk

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-27-post465395.html