Những vấn đề đáng chú ý trong các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN

Sự kiện các nhà lãnh đạo ASEAN tụ họp tại Vientiane (Lào) vào tuần tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, diễn ra từ ngày 6-11/10 sẽ 'góp mặt' vào các vấn đề quốc tế nổi trội được các nước trên thế giới quan tâm.

 Với tốc độ tăng trưởng nhanh, khối ASEAN đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Ảnh minh họa: Bộ Công thương

Với tốc độ tăng trưởng nhanh, khối ASEAN đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Ảnh minh họa: Bộ Công thương

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới được ví như một cuộc bầu cử toàn cầu, bởi nó sẽ có những kết quả quan trọng đối với phần còn lại của thế giới. Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có các cuộc họp bàn với nhau và với các đối tác đối thoại ngay sau đó để thảo luận về những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng 675 triệu dân này.

Về mặt kinh tế, ASEAN có nhiều sự tự tin và mạnh mẽ hơn. Là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3,8 nghìn tỷ USD, dự đoán đến năm 2030, khu vực ASEAN sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Có thể nói rằng, nền kinh tế ASEAN là một thế lực “đáng gờm”. Hơn nữa, với đà tăng trưởng kinh tế của ASEAN ở mức 4,6% thì dự kiến vào năm 2030, con số này sẽ vượt qua mức trung bình toàn cầu là 3,2%.

Khi Lào trao lại quyền chủ tịch ASEAN cho tân chủ tịch năm 2025 là Malaysia vào ngày 11/10 tới đây, các lãnh đạo cho rằng sẽ có rất nhiều điều cần quan sát liên quan đến một nhiệm kỳ mới của khu vực.

Trong đó, bất chấp vẫn tồn tại vô số vấn đề cấp bách trong nước cần được giải quyết, chủ tịch Malaysia vẫn phải tiếp tục nỗ lực để đạt được sự đồng thuận giữa 10 quốc gia thành viên và các đối tác đối thoại.

Cụ thể:

Đầu tiên, thế giới đang theo dõi sát sao những diễn biến sẽ diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 19, được tổ chức cùng lúc với Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane.

Vấn đề của năm nay sẽ là bối cảnh địa chính trị đang phức tạp ở châu Âu và Trung Đông. Trước vấn đề này, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi sự an toàn cho công dân của mình trong vùng chiến sự.

Vấn đề ở Myanmar cũng sẽ nằm trong những trọng tâm trao đổi.

Thứ hai là cuộc họp ASEAN Troika Plus, dự kiến diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 12. Đối với cuộc họp này, ASEAN sẽ tìm cách tạo ra nền tảng chung cho tất cả các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Myanmar và tìm ra giải pháp phù hợp.

Hơn nữa, hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang mở rộng. Trong đó, khối kinh tế khu vực này được xây dựng vào năm 2012 dựa trên Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ASEAN+1 hiện có. Hiện Hongkong, Sri Lanka và Chile đã nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên RCEP.

Theo thông tin ghi nhận, một số quốc gia thành viên đã đề xuất một “bước sàng lọc trước” trước khi tiến hành quá trình gia nhập. ASEAN đang đóng vai trò chủ chốt trong việc hoàn thiện các thủ tục gia nhập và cần có sự tham vấn chặt chẽ hơn và hợp tác sát sao hơn giữa các nền kinh tế RCEP lớn như Nhật Bản và Trung Quốc.

Được biết, RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ấn Độ đã rút lui vì vấn đề đối với các chính sách nông nghiệp địa phương.

ASEAN hiện đang xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Trong suốt một năm rưỡi qua, Nhóm công tác cấp cao ASEAN đã xây dựng tầm nhìn này. Trong hai thập kỷ tới, các chuyên gia và lãnh đạo các nước mong muốn nhìn thấy một khu vực ASEAN nhanh nhẹn và thay đổi phù hợp hơn trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Để làm được điều đó, ASEAN ưu tiên 3 lĩnh vực chính, gồm chuyển đổi số, phát triển bền vững và kết nối. Đến năm 2025, dưới sự chủ trì của Malaysia, nền kinh tế số khu vực đầu tiên của thế giới, Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, sẽ hoàn thành. Điều này sẽ củng cố thêm nỗ lực của khối trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và kết nối.

Về tính bền vững, ASEAN đã đưa ra Chiến lược ASEAN về Trung hòa Carbon để thu hút thêm đầu tư và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cho tương lai xanh của khu vực. Về mặt kết nối, ASEAN cũng đang xây dựng Kế hoạch Chiến lược Kết nối ASEAN, một văn bản quan trọng trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Cuối cùng, trong khuôn khổ hội nghị nghị thượng đỉnh, sẽ có 14 mục tiêu kinh tế của chủ tịch được đưa ra (trong đó có 7 mục tiêu sẽ được hoàn thành vào cuối năm), bao gồm tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, giải quyết khoảng cách tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc 3.0. Những mục tiêu này đại diện cho dấu ấn của nhiệm kỳ của chủ tịch Lào vào năm 2024.

Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nhung-van-de-dang-chu-y-trong-cac-hoi-nghi-thuong-dinh-cua-asean-146623.html