Những 'văn phòng chết' khó tồn tại ở Trung Quốc

Nhu cầu về không gian văn phòng vẫn còn mạnh mẽ ở Trung Quốc, ngay cả khi lệnh phong tỏa buộc các công ty chuyển sang làm việc linh hoạt hơn.

Đã 3 tháng kể từ khi chính phủ Anh tuyên bố chấm dứt toàn bộ hạn chế liên quan đến đại dịch như một phần của kế hoạch “sống chung với Covid-19”. Ngay cả yêu cầu tự cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cũng bị loại bỏ.

Tuy nhiên, theo SCMP, trong khi phương thức làm việc kết hợp ở nhà và tại văn phòng trở nên vững chắc, tỷ lệ lấp đầy văn phòng trung bình ở London vào tháng trước chỉ bằng 1/4 mức trước đại dịch, dữ liệu từ Remit Consulting cho thấy.

Tại Mỹ, hầu hết tiểu bang và thành phố đã xóa bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà như một phần của chiến lược coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại 10 thị trường văn phòng hàng đầu được Kastle Systems theo dõi là 43% vào ngày 11/5, thấp nhất là 39% ở New York.

Kết quả cuộc khảo sát toàn cầu được thực hiện vào tháng 2 bởi WFH Research, dự án do nhóm các trường đại học Mỹ điều hành nhằm nghiên cứu cách sắp xếp và thói quen làm việc, cho thấy Anh là một trong những quốc gia có số ngày làm việc ở nhà được trả lương cao nhất.

Trong khi đó, một số nước châu Á nằm trong danh sách địa điểm có tỷ lệ này thấp nhất.

 Nhân viên vào văn phòng ở Lujiazui, khu tài chính lớn nhất Trung Quốc đại lục, tại Thượng Hải ngày 24/2. Ảnh: Reuters.

Nhân viên vào văn phòng ở Lujiazui, khu tài chính lớn nhất Trung Quốc đại lục, tại Thượng Hải ngày 24/2. Ảnh: Reuters.

Chuyển đổi

Kể từ khi đại dịch bùng phát, một trong những xu hướng đáng chú ý nhất trong ngành bất động sản thương mại là khả năng phục hồi và sức hút của các văn phòng truyền thống ở châu Á.

Dữ liệu từ Cushman & Wakefield cho thấy điều này rõ ràng nhất ở Trung Quốc - quốc gia chiếm 2/3 thị trường văn phòng tại châu Á - Thái Bình Dương vào năm ngoái.

Mặc dù hoạt động tương đối mạnh mẽ của thị trường văn phòng trong khu vực do nhiều yếu tố tạo nên, sự gián đoạn gây ra bởi xu hướng chuyển dịch sang làm việc tại nhà (ngoại trừ Australia) phần nào giải thích lý do có ít sự bất ổn hơn về tương lai của khu vực này ở châu Á.

 Khả năng phục hồi của các văn phòng truyền thống ở châu Á là lớn hơn phương Tây. Ảnh: EPA-EFE.

Khả năng phục hồi của các văn phòng truyền thống ở châu Á là lớn hơn phương Tây. Ảnh: EPA-EFE.

Tại Thượng Hải, nơi có nguồn cung văn phòng hạng A lớn thứ 3 trong khu vực sau Bangalore và Tokyo, mức tiêu thụ năm ngoái đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,5 triệu m2, dữ liệu từ JLL cho thấy. Hơn nữa, hoạt động cho thuê được thúc đẩy bởi nhu cầu mở rộng mạnh mẽ từ các công ty dịch vụ tài chính và công nghệ.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, Trung Quốc phải hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ. Các đợt phong tỏa kéo dài trên diện rộng từng là chất xúc tác cho làn sóng làm việc tại nhà ở Anh và Mỹ. Nó cũng kích hoạt sự chuyển đổi sang hình thức làm việc ở nhà và tại văn phòng kết hợp - hiện được thực hiện ở Trung Quốc.

Việc Thượng Hải, trung tâm tài chính và thương mại của quốc gia, bị phong tỏa gần 2 tháng nay đã dẫn đến thử nghiệm làm việc tại nhà. Tình cảnh này buộc nhiều công ty phải thực hiện nghiêm túc cách thức làm việc linh hoạt hơn.

Thị trường văn phòng của Thượng Hải cũng được coi là mảnh đất màu mỡ để thử nghiệm các chiến lược về nơi làm việc mới ở Trung Quốc.

Vẫn chuộng làm việc ở văn phòng

Trong khi các vụ phong tỏa tạo ra cơn địa chấn trong mô hình làm việc và sinh sống ở Anh hay Mỹ, tác động của chúng ở Trung Quốc lại bị giảm bớt bởi nhiều yếu tố văn hóa, công nghệ và kinh tế.

Đầu tiên, giống như các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Nhật Bản, hầu hết công ty Trung Quốc duy trì thiết lập văn phòng truyền thống với bàn làm việc được phân cho từng nhân viên.

Hơn nữa, tư duy của các công ty Trung Quốc cũng bảo thủ hơn. Tammy Tang, Giám đốc điều hành của Colliers tại Thượng Hải, cho biết: “Văn hóa doanh nghiệp cần thời gian dài để thay đổi”.

Bản thân người lao động cũng hoài nghi hơn về cách làm việc kết hợp, chủ yếu do họ gắn bó hơn với môi trường văn phòng và cảm thấy khó khăn khi làm việc tại nhà thường xuyên.

Thứ hai, các văn phòng chất lượng cao ở Thượng Hải và Bắc Kinh có công nghệ tiên tiến hơn so với các văn phòng ở London hay New York, làm tăng sức hấp dẫn của chúng.

Một cuộc khảo sát về các công ty công nghệ Trung Quốc do CBRE thực hiện vào đầu năm 2020 cho thấy hơn một nửa đã lắp đặt công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại các lối vào trong tòa nhà của họ. Một số thậm chí lắp đặt tại các điểm thanh toán trong nhà ăn.

Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải ngủ lại công ty để tránh bị ảnh hưởng năng suất làm việc. Ảnh: Reuters, Bloomberg.

Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải ngủ lại công ty để tránh bị ảnh hưởng năng suất làm việc. Ảnh: Reuters, Bloomberg.

Thứ ba, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng khi nền kinh tế và thị trường toàn cầu đang bất ổn. Điều này làm tăng cổ phần cho các công ty lớn với lực lượng lao động dồi dào, đồng thời giảm động cơ thực hiện những thay đổi căn bản đối với phương thức làm việc.

Theo báo cáo, hàng nghìn công nhân trong lĩnh vực tài chính của Thượng Hải ngủ lại văn phòng để tránh bị ảnh hưởng công việc.

Những dự đoán về “cái chết” của văn phòng ở London và New York là sai lầm. Tương tự, khẳng định rằng xu hướng làm việc linh hoạt không có tương lai ở Thượng Hải cũng sai không kém.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là môi trường văn phòng truyền thống an toàn hơn ở Trung Quốc, ngay cả khi các thành phố bị phong tỏa.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-van-phong-chet-kho-ton-tai-o-trung-quoc-post1320363.html