Những việc cần làm ngay khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng ở lớp học
Trước sự lo lắng của phụ huynh khi phát hiện lớp học của con có trẻ mắc bệnh tay chân miệng và sợ con của họ cũng bị lây, chuyên gia sẽ hướng dẫn cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ...
Tay chân miệng là bệnh do virus Coxsackie gây ra. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bệnh thường bắt đầu bằng một cơn sốt. Trẻ trở nên lơ đãng hơn. Một hoặc hai ngày sau, vết loét xuất hiện xung quanh hoặc bên trong miệng và cổ họng. Nếu bé đã biết nói, bé có thể kêu ca về việc bị đau miệng hoặc cổ họng. Vì những vết loét trong miệng và cổ họng gây đau nên bé cũng không muốn ăn.
Những chấm nhỏ màu đỏ có thể xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và mông. Sốt, loét và phát ban trên lòng bàn tay và lòng bàn chân có thể kéo dài vài ngày.
TS.BS. Anthony Komaroff - Trường Y Harvard (Mỹ), cho biết trên tạp chí sức khỏe rằng, một đứa trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể lây lan sang người khác trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Virus Coxsackie lây lan rất dễ dàng chỉ cần chạm vào hay tiếp xúc gần gũi.
Bệnh tay chân miệng cũng lây lan qua: Ho hay hắt hơi; Tiếp xúc với phân (ví dụ từ tã); Chạm vào các đồ vật và bề mặt bị nhiễm bẩn (đồ chơi, cốc hoặc bát đĩa thìa); Cách tốt nhất để tránh bị nhiễm virus Coxsackie là thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước.
Ở lớp học có thể cũng có quy định về việc trẻ bị ốm phải nghỉ ở nhà (và có lẽ họ cũng vệ sinh sạch trường lớp mỗi ngày).
Nếu con của bạn mắc bệnh, bạn nên làm những việc sau để giúp bé mau khỏe:
Đảm bảo rằng bé được uống nhiều nước nhất có thể. Tránh các loại nước có tính acid như nước cam hoặc thức ăn mặn.
Nên cho bé uống nước mát tốt hơn là nước ấm.
Có thể cho bé dùng thuốc acetaminophen và/hoặc ibuprofen (đừng dùng aspirin) để hạ sốt và giảm đau. Hoặc hỏi bác sỹ về thuốc gây tê để giúp giảm đau miệng nếu vết loét nặng.
Hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị tay chân miệng
Theo tư vấn từ Gs.Ts. Bs. Phạm Nhật An - Giám đốc Trung tâm Nhi kiêm trưởng khoa nội trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột Coxsackievirus và Enterovirus 71(EV71) gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào tháng 2 đến tháng 4 và thời điểm học sinh đến trường từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.
Theo bác sĩ Nhật An hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị tay chân miệng, cần thực hiện cách ly theo đường tiếp xúc, hạn chế cho trẻ ra ngoài để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
Phối hợp dùng thuốc kháng sinh và/hoặc thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ.
Vệ sinh miệng và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ (thường vệ sinh trước khi cho trẻ ăn 30 phút).
Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa; chia nhỏ bữa.
Giữ vệ sinh da sạch sẽ, dùng xanh - methylen để chấm lên các nốt phỏng nước.
Mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm.
Theo dõi tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời: Mạch nhanh, run chi, đi không vững (nếu trẻ đã biết đi). Giật mình >2 lần/30 phút.
Về hướng dẫn phòng bệnh trẻ bị tay chân miệng, bác sĩ Nhật An tư vấn: Cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ và sau khi tiếp xúc với chất thải của trẻ. Rửa sạch đồ chơi, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn thích hợp.
Không cho trẻ bị bệnh tới nhà trẻ, nơi tập trung đông người hoặc tiếp xúc với các trẻ khác.
Khi trẻ bị tay chân miệng có những triệu chứng bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang bị tay chân miệng nặng? Làm gì để tránh biến chứng?
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Thầy thuốc Ưu tú, Chuyên gia Dịch tễ, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ sốt cao, khó hạ trên 39 độ. Trẻ sốt trên 2 ngày. Trẻ nôn nói. Đó là các trẻ có nguy cơ có biến chứng.
Biến chứng của bệnh tay chân miệng có nhiều mức độ: Ảnh hưởng thần kinh trung ương, ảnh hưởng thần kinh thực vật, ảnh hưởng tim mạch tuần hoàn.Không có cách tránh biến chứng vì tùy thuộc vào cơ địa và độc lực của virus nhưng trẻ càng nhỏ, càng dễ biến chứng hơn. Việc quan trọng là phát hiện sớm các biến chứng.
Trẻ giật mình, chới với, run chi, yếu tay chân, thở mệt là các dấu hiệu cho thấy trẻ đã biến chứng.
Nếu con bạn rơi vào 2 tình huống này thì nên đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay.