Những vụ án 'cùng một kịch bản' và câu hỏi số tiền thất thoát đi đâu?
Theo dõi vụ án ở Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đang xét xử tại TP.HCM có thể thấy các bị cáo trong vụ án đều kêu oan, cho mình không có tội.
Thậm chí có bị cáo xin thay đổi tội danh vì “Tự nhiên không lấy cắc bạc nào mà thành tham ô, tội danh này thực sự rất nhục cho gia đình, cho danh dự, cho các con, cho mẹ bị cáo".
Ngay cả bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch TP.HCM, người đã ký cho việc chuyển nhượng nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (Quận 9) cũng cho rằng "Đến giờ này, bị cáo thấy mình có đủ cơ sở để chứng minh rằng mình không có sai sót nào cố ý và không vụ lợi”.
Ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc SAGRI cũng khẳng định, bản thân mình ý thức được việc không thể làm sai pháp luật, không thể chiếm đoạt tài sản của nhà nước.
Một vụ án không ai thấy mình có tội, không ai lấy một đồng nào vậy số tiền thất thoát ấy đi đâu? Không cánh mà bay chăng?
Vụ án đó nội dung thế này: Dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (Quận 9), mới xây được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp quyền phê duyệt, nhưng ông Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch TP.HCM vẫn ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trên cho Tổng Công ty Phong Phú.
Quyết định này của ông Trần Vĩnh Tuyến đã tạo kiện để ông Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật khi không tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, gây thiệt hại 672 tỷ đồng cho nhà nước
Số tiền thất thoát ấy đi đâu?
Đây không phải là dự án đầu tiên được đưa ra xét xử theo cùng một kịch bản: Từ nhà nước chuyển đổi lòng vòng và cuối cùng rơi vào tay tư nhân.
Đã có nhiều vụ án cùng một kịch bản. Cựu bộ trưởng (nay đã bị cắt hết) Vũ Huy Hoàng chuyển đổi dự án từ của nhà nước thành tư nhân trong vụ án Sabeco làm thoái vốn chuyển quyền quản lý của nhà nước sang tư nhân trái pháp luật gây thất thoát cho nhà nước với số tiền lên đến 2.700 tỷ đồng.
Vụ ông Nguyễn Thành Tài biến khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn được thành phố chủ trương xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh, nhưng "do quen biết" nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định dành cho bà Thúy là tư nhân gây thất thoát rất lớn.
Hay những vụ việc mà Vũ Nhôm" phù phép từ của nhà nước thành tư nhân khắp từ Nam chí Bắc cũng nằm trong kịch bản tương tự. Còn nhiều, rất nhiều vụ việc như thế trong lĩnh vực đất đai, nhà cửa, trong cổ phần hóa…
Vậy số tiền thất thoát ấy đi đâu? Không ai vụ lợi, không ai lấy một đồng nào? Người ta lao tâm khổ tìm đủ mọi thủ đoạn, tìm đủ mọi sơ hở của pháp luật để thực hiện trót lọt nhằm mục đích gì?
Ông Lê Tấn Hùng còn than rằng mình không hiểu pháp luật chỉ làm theo chỉ đạo và không có tư lợi. Vậy ông không tư lợi tại sao còn bàn nhau hợp thức hóa số tiền đi du lịch và như cáo trạng quy kết chiếm đoạt vì mục đích cá nhân. Và các bị cáo không tham ô thì lấy đâu ra số tiền nộp lại để khắc phục hậu quả?
Nếu biết tội tham ô là nỗi nhục cho gia đình, cho con cái thì chắc sẽ không có những vụ biến tướng phù phép, không có những vụ lòng vòng biến của công thành của tư, và sự “trong sạch” ấy nếu có thì “lò” của Tổng Bí thư đã tắt rụi từ lâu rồi.