Những vụ máy bay bị ép hạ cánh gây chấn động

Trước vụ bê bối hôm 23/5 tại Belarus, từng xảy ra không ít trường hợp máy bay quân sự chặn đường, buộc máy bay dân dụng phải hạ cánh.

Trong vụ việc mới nhất mà nhiều nước phương Tây miêu tả là "cướp máy bay", chiếc Boeing 737 của hãng hàng không dân dụng Ryanair đã bị tiêm kích Mig-29 bám theo lúc bay qua không phận Belarus.

Khi được cảnh báo có thể có bom, phi công trên chiếc máy bay của Ryanair không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện theo yêu cầu từ máy bay quân sự nước chủ nhà và hạ cánh xuống thủ đô Minsk.

Nhà chức trách Belarus sau đó không tìm thấy bom trên máy bay của hãng Ryanair, thay vào đó, họ bắt giữ hai người, trong đó có một nhà hoạt động đối lập từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền.

 Máy bay của hãng Ryanair bị buộc hạ cánh ở Minsk hôm 23/5. Ảnh: AFP.

Máy bay của hãng Ryanair bị buộc hạ cánh ở Minsk hôm 23/5. Ảnh: AFP.

Trong khi EU và Mỹ kịch liệt lên án hành động của Belarus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc phương Tây đạo đức giả, rằng các nước này "đã phản ứng khác trước những vụ việc tương tự từng xảy ra trong quá khứ".

Vụ việc được bà Zakharova lấy làm ví dụ cho điều mà Moscow miêu tả là "sự đạo đức giả" của phương Tây là trường hợp chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales buộc phải hạ cánh tại Vienna, Áo năm 2013, theo BBC.

Chuyên cơ tổng thống Bolivia buộc phải hạ cánh ở Áo

Tháng 7/2013, Tổng thống Morales đang trên đường từ Moscow trở về quê nhà. Chuyên cơ của ông Morales bị điều hướng tới sân bay ở Vienna, Áo sau khi nhiều quốc gia châu Âu không cho phép chiếc chuyên cơ bay qua không phận của họ.

Trước đó, Edward Snowden - người đánh cắp và tiết lộ vô số tin tức tình báo của Mỹ - được cho là đang trú ẩn tại một sân bay ở Moscow, Nga. Còn về phía Bolivia, Tổng thống Morales tuyên bố sẵn sàng cấp quy chế tị nạn cho cựu đặc vụ Mỹ.

 Tổng thống Boliva Evo Morales tại Vienna. Ảnh: BBC.

Tổng thống Boliva Evo Morales tại Vienna. Ảnh: BBC.

Trước khi Tổng thống Morales rời khỏi Moscow, xuất hiện thông tin cho rằng Snowden sẽ được đưa về Bolivia trên chuyên cơ tổng thống. Đây là lý do một số nước châu Âu từ chối cho phép chuyên cơ bay qua không phận.

Sau khi vụ việc xảy ra, Paris gửi lời xin lỗi tới chính phủ Bolivia vì "chậm cấp phép" để chuyên cơ bay vào không phận của Pháp. Chính phủ Pháp nói đã có "những thông tin mâu thuẫn".

Tuy vậy, sự tương đồng giữa trường hợp chuyên cơ Tổng thống Morales và vụ việc tại Belarus rất mờ nhạt.

Chuyên cơ chở tổng thống Boliva hoàn toàn không bị máy bay quân sự nước ngoài chặn đường, nó phải hạ cánh ở Vienna, Áo bởi đơn giản không được phép bay vào không phận các nước khác.

Ông Morales cũng di chuyển trên một chuyên cơ nhà nước, thay vì máy bay dân dụng, thương mại.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã lên án mạnh mẽ vụ việc xảy ra ở Belarus. ICAO tuyên bố vụ việc "đi ngược lại Công ước Chicago", văn kiện quốc tế đặt ra các quy định về an toàn của các chuyến bay.

Iran bắt chiến binh Hồi giáo Sunni năm 2010

Abdolmalek Rigi, thủ lĩnh nhóm nổi dậy Jundullah, bị nhà chức trách Iran bắt giữ tháng 2/2010. Cơ quan thông tấn nhà nước Iran cho biết trước khi bị bắt, Rigi tìm cách bay tới một quốc gia Arab khác thông qua Pakistan.

"Máy bay chở người này bị yêu cầu hạ cánh, chúng tôi sau đó lục soát máy bay và bắt giữ Rigi", AFP dẫn lời một quan chức Iran cho biết.

 Abdolmalek Rigi (giữa) bị lực lượng an ninh Iran khống chế. Ảnh: BBC.

Abdolmalek Rigi (giữa) bị lực lượng an ninh Iran khống chế. Ảnh: BBC.

Khi vụ việc xảy ra, một số hãng tin cho biết Rigi có mặt trên một chiếc máy bay thương mại từ Dubai, UAE tới Kyrgyzstan. Rigi bị bắt khi chiếc máy bay hạ cánh ở Iran.

Truyền thông Mỹ thì lại cho biết Pakistan đã giúp Iran bắt giữ Rigi.

Chính phủ Iran tuyên bố tiêm kích của nước này đã chặn đường và buộc chiếc máy bay thương mại hạ cánh.

Riki bị Iran xử tử tháng 6/2010.

Tiêm kích Mỹ chặn đường máy bay Ai Cập

Tháng 10/1985, một máy bay của Ai Cập chở những người tình nghi là chiến binh Palestine bị tiêm kích Mỹ chặn đường, ép hạ cánh tại căn cứ của Mỹ ở Italy.

Trước đó, tàu du lịch Achille Lauro chở hàng trăm hành khách bị một nhóm chiến binh thuộc Mặt trận Giải phóng Palestine (PLO) tấn công, một du khách người Mỹ bị sát hại.

Sau khi tàu Achille Lauro cập cảng ở Ai Cập, 4 chiến binh của PLO đã trốn thoát. Nhóm này tìm cách rời khỏi Ai Cập bằng máy bay chở hàng để tới Tunisia.

 Tàu du lịch Achille Lauro bị các thành viên PLO tấn công năm 1985. Ảnh: BBC.

Tàu du lịch Achille Lauro bị các thành viên PLO tấn công năm 1985. Ảnh: BBC.

Chiếc máy bay sau đó bị tiêm kích F-16 của Mỹ chặn đường tại không phận quốc tế phía trên Địa Trung Hải, Los Angeles Times cho biết.

4 nghi phạm bị bắt giữ tại căn cứ quân sự Sigonella của Mỹ tại Sicily, Italy. Nhóm không tặc sau đó bị xét xử và ngồi tù ở Italy.

Tiêm kích Pháp chặn đường máy bay Morocco

Ngày 22/10/1956, một chiếc máy bay từ Rabat, Morocco cất cánh để tới Tunis, Tunisia.

Trên máy bay có 5 thủ lĩnh của phong trào giành độc lập cho Algeria có tên Mặt trận Giải phóng Quốc gia (FLN). Những người này khi đó đang trên đường tới dự một hội nghị về tương lai của khu vực Maghreb, do tổng thống Tunisia tổ chức.

Vào thời điểm đó, Algeria là một thuộc địa của Pháp. Sau khi máy bay cất cánh, tình báo Pháp đã huy động tiêm kích chặn đường chiếc máy bay của Morocco, buộc hạ cánh ở Algeria. Vụ việc vấp phải phản đối gay gắt từ Morocco và Tunisia.

Trong số 5 người bị bắt có Ahmed Ben Bella, thủ lĩnh cấp cao của FLN. Khi Algeria giành được độc lập từ Pháp năm 1962, ông Ben Bella đã trở thành tổng thống đầu tiên của quốc gia Algeria độc lập.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-vu-may-bay-bi-ep-ha-canh-gay-chan-dong-post1219701.html