Những vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản mong được tháo gỡ

Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đánh giá đã đem lại những cải thiện tích cực cho các doanh nghiệp về thể chế, chính sách hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều văn bản quản lý chưa được thay đổi theo tinh thần của Nghị quyết, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp mà với hoạt động chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản là ví dụ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có nhiều nội dung trong Nghị quyết 19 chưa được các Bộ có thẩm quyền xem xét, sửa đổi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP - bày tỏ: Nội dung miễn kiểm tra nhà nước và công bố phù hợp an toàn thực phẩm (ATTP) đang có nhiều vướng mắc. Ngày 5/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP thông qua nội dung miễn kiểm tra nhà nước và công bố phù hợp ATTP với các nguyên-vật liệu, phụ gia, bao bì nhập khẩu (NK) để sản xuất hàng xuất khẩu (XK), đã tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp thủy sản nâng cao được năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực trong bối cảnh hiện nay.

Tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 6/2/2017 của Chính phủ cũng đã yêu cầu: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật an toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm.

Tuy nhiên, thực tế là trong 6 năm qua Nghị định 38/2012/NĐ-CP nảy sinh nhiều bất cập và ngày càng gia tăng liên quan đến quy định và thủ tục hành chính về công bố phù hợp quy định ATTP. Trong 2 năm từ 2015-2016, VASEP cũng đã gửi hơn 5 văn bản và nhiều buổi làm việc với đại diện Bộ Y tế về những vướng mắc này đối với các sản phẩm sản xuất để tiêu dùng tại thị trường nội địa. Các quy định, quy trình về cấp giấy, cấp đổi lại… trong nghị định này không có trong Điều 12 của Luật ATTP và trong thông lệ quốc tế. “Ngày 22/2/2017, VASEP cũng đã gửi Công văn số 26/2017/CV-VASEP tới Bộ Y tế báo cáo thực trạng và kiến nghị việc tháo gỡ các vướng mắc trong công bố phù hợp quy định ATTP cho sản phẩm sản xuất để tiêu dùng nội địa”- ông Nam cho biết.

Đối với các quy định trong Luật phí và lệ phí, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, các doanh nghiệp thủy sản thi hành 4 thông tư của Bộ Tài chính về những quy định về phí liên quan đến các DN thủy sản như: Xác nhận nguyên liệu thủy sản, nguồn gốc nguyên liệu, phí cấp giấy chứng nhận ATTP theo yêu cầu của nước NK. Trong các thông tư này đề cập tới phí thẩm định nhưng theo nguyên tắc của Luật phí và lệ phí, thu đủ bù chi phí dịch vụ công của Nhà nước và các đơn vị được ủy quyền thì mức phí, lệ phí này rất lớn. “Ví dụ cụ thể ở một công ty chế biến cá ngừ cỡ trung bình trong năm 2016 họ đã phải làm 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Nếu theo quy định thì một năm công ty sẽ phải chi trả thêm chi phí cho hoạt động trên 800 triệu đồng. Đây cũng mới chỉ tính 1 loại phí trong 1 thông tư” - ông Nguyễn Hoài Nam dẫn chứng.

Về việc sửa đổi Luật Lao động năm 2012, đây là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với một ngành sản xuất đặc thù có lượng lao động đông đảo và đang gặp nhiều khó khăn về thị trường cũng như cạnh tranh sản phẩm, VASEP kiến nghị cần sớm sửa Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn để phù hợp với tình hình sản xuất trong nước và tăng chỉ số cạnh tranh quốc gia.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-vuong-mac-cua-doanh-nghiep-thuy-san-mong-duoc-thao-go-84337.html