Những xu hướng mới trong phát triển kinh tế ở châu Á
Tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp nhận định tương lai châu Á sẽ phát triển theo hướng giảm bớt ảnh hưởng của phương Tây và tăng cường giao thương trong khu vực.
Cách đây 700 năm, các tuyến đường thương mại trên biển từ Nhật Bản đến biển Đỏ đã được ghi dấu bởi các thuyền buôn Arập, Trung Quốc và cả tàu thuyền đến từ vùng quần đảo Java, chuyên vận chuyển gốm sứ, kim loại quý và hàng dệt may trong khu vực châu Á. Ở trung tâm khu vực, một trạm giao dịch thương mại được biết đến với tên gọi là Singapore đã phát triển khá sầm uất. Mạng lưới thương mại nội Á khổng lồ chỉ bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của các thủy thủ đến từ các đế quốc phương Tây tiên tiến và sự xuất hiện của các thị trường xa xôi hơn cho hàng hóa châu Á.
Tăng cường giao thương trong khu vực
Nhưng hiện nay, hoạt động thương mại khu vực châu Á đang được cơ cấu lại. Mô hình "Nhà máy châu Á" hồi cuối thế kỷ XX, trong đó lục địa này chuyên sản xuất các sản phẩm cho người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu, đã đem lại động lực đáng kinh ngạc cho sự thịnh vượng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Năm 1990, chỉ có 46% trao đổi thương mại châu Á diễn ra trong khu vực, còn lại phần lớn hàng hóa được vận chuyển sang phương Tây. Nhưng đến năm 2021, con số này đã lên đến 58%. Sự tăng cường giao thương trong khu vực cũng đã dẫn đến sự gia tăng của dòng vốn, làm thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ giữa các quốc gia láng giềng. Một kỷ nguyên mới của thương mại châu Á đã bắt đầu, góp phần tái định hình lại tương lai kinh tế và chính trị của lục địa này.
Giao dịch và dòng tiền tệ trong khu vực ngày càng tăng
Trước hết, phải kể đến sự phát triển của các chuỗi cung ứng hậu cần, tập trung đầu tiên vào Nhật Bản trong những năm 1990, sau đó là Trung Quốc. Các hàng hóa trung gian, tức là các thành phần đầu vào được sử dụng để sản xuất sản phẩm hoàn thiện, nhanh chóng được tăng cường vận chuyển qua biên giới các nước trong khu vực. Tiếp theo đó là sự phát triển của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư châu Á hiện nắm giữ 59% cổ phần FDI trong chính khu vực của họ, chưa kể dòng FDI đổ vào các trung tâm tài chính Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, tăng so với mức 48% ghi nhận được vào năm 2010. Tại Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc, tỷ trọng đầu tư trực tiếp từ châu Á hiện nằm trong khoảng từ 26% đến 61%.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009, hoạt động ngân hàng xuyên biên giới đa phần thuộc về các nước châu Á. Trước cuộc khủng hoảng, các ngân hàng địa phương chiếm khoảng 1/3 số lượng khoản vay nước ngoài trong khu vực. Nhưng hiện nay, họ đã chiếm hơn một nửa, nhờ vào sự rút lui của các nhà tài chính phương Tây. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Cho vay nước ngoài của Ngân hàng Công thương Trung Quốc tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2022, đạt 203 tỷ USD. Các ngân hàng lớn của Nhật Bản cũng đã mở rộng hoạt động, để thoát khỏi tình trạng biên độ lợi nhuận hẹp trong nước, tương tự như ngân hàng United Overseas Bank và Oversea-Chinese Banking Corporation của Singapore.
Ảnh hưởng địa chính trị từ căng thẳng Mỹ-Trung
Sự hiện diện về kinh tế của phương Tây đang giảm xuống ở châu Á. Trong một cuộc khảo sát giới nghiên cứu, các doanh nhân và những nhà hoạch định chính sách tại Đông Nam Á do Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) tiến hành gần đây, có khoảng 32% người được hỏi cho rằng Mỹ là quốc gia có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong khu vực, nhưng chỉ có 11% cho rằng nước này có sức ảnh hưởng lớn nhất về mặt kinh tế. Đầu tư của Chính phủ Trung Quốc hướng tới các nước láng giềng trong khu vực, dựa trên sáng kiến "Vành đai và Con đường" đã thu hút sự quan tâm của các đối tác châu Á. Bên cạnh đó các khoản viện trợ và đầu tư chính phủ từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng lên rõ rệt.
Các xu hướng này có khả năng được đẩy mạnh. Đối mặt với mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc, các doanh nghiệp trong khu vực, hiện phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào sản xuất và hàng hóa của Trung Quốc, đang xem xét thêm các sự lựa chọn khác, như dịch chuyển sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn cung ứng tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Tuy vậy, rất ít doanh nghiệp dự kiến sẽ rời bỏ Trung Quốc hoàn toàn. Điều này có nghĩa là sẽ tồn tại hai chuỗi cung ứng châu Á, đồng nghĩa với việc có thể sẽ phải tăng gấp đôi nguồn vốn đầu tư. Các thỏa thuận thương mại sẽ đẩy nhanh quá trình này.
Một nghiên cứu được công bố năm 2022 cho thấy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có phạm vi rộng, đã được ký vào năm 2020, sẽ tạo điều kiện cho việc tăng cường đầu tư trong khu vực.
Đầu tư lớn vào chuỗi cung ứng mới
Chuyên gia Sabita Prakash đến từ ADM Capital, một công ty tín dụng tư nhân, lý giải: Nhu cầu cần thiết lập chuỗi cung ứng mới cho thấy đầu tư vào khu vực châu Á có thể sẽ tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực kho vận (logistics). Việc kết nối các nhà đầu tư đang tìm kiếm nguồn thu nhập đáng tin cậy với các dự án cần hỗ trợ tài chính là sứ mệnh của các công ty tín dụng tư nhân, như ADM Capital. Đây chính là một hoạt động sinh lời ở châu Á và có thể trở nên ngày càng phổ biến.
Quy mô của thị trường tín dụng tư nhân ở Đông Nam Á và Ấn Độ đã tăng lên khoảng 50% từ năm 2020 đến giữa năm 2022, đạt gần 80 tỷ USD. Các nhà đầu tư lớn khác cũng đang chuyển hướng, tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. GIC, công ty đầu tư toàn cầu chuyên về quản lý dự trữ ngoại hối của Singapore, đang đầu tư mạnh vào các dự án bất động sản cần thiết cho các chuỗi cung ứng mới.
Sự thay đổi trong cách thức mà người dân và doanh nghiệp tiết kiệm tiền, hay đầu tư, sẽ giúp quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực tăng tốc. Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã trở thành những nhà đầu tư nước ngoài quan trọng, là những nhà đầu tư quốc tế lớn nhất trên thế giới. Các đối tác này của châu Á, giàu có và có truyền thống phát triển lâu đời, đã đầu tư một lượng lớn tiền vào các nền kinh tế khác trong khu vực, sau khi các mối quan hệ thương mại mới được thiết lập giữa họ với các quốc gia láng giềng.
Vào năm 2011, các nước giàu và có lịch sử lâu đời của châu Á đã đầu tư khoảng 329 tỷ USD, tính theo giá trị tiền ở thời điểm hiện tại, vào các nền kinh tế trẻ hơn và nghèo hơn, bao gồm Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Mười năm sau đó, con số này đã tăng lên 698 tỷ USD.
Đô thị hóa và tiêu dùng tăng
Tại Ấn Độ và Đông Nam Á, "quá trình đô thị hóa đang tăng cao và dòng vốn đang đi theo xu hướng này". Đó là nhận xét của chuyên gia Raghu Narain đến từ Ngân hàng đầu tư Natixis. Theo ông Narain, các thành phố lớn không chỉ cần nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khổng lồ, mà còn đòi hỏi sự hiện diện của các doanh nghiệp mới phù hợp hơn với cuộc sống đô thị.
Chuyên gia Narain phân tích hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) xuyên biên giới tại châu Á đang thay đổi và tiệm cận mô hình tương tự ở châu Âu và Bắc Mỹ. Mặc dù các giao dịch kiểu này tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã giảm đáng kể, nhưng đang trở nên phổ biến hơn tại các nước khác trong khu vực. Các ngân hàng Nhật Bản, đối mặt với lãi suất thấp và tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế trong nước, đang tìm kiếm các giao dịch bên ngoài lãnh thổ. Trong một năm qua, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui và Tập đoàn tài chính Mitsubishi Ufj đã mua lại các công ty tài chính ở Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Song song với đó, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại châu Á đang làm cho các nền kinh tế địa phương trở thành thị trường hấp dẫn. Tại châu Âu, khoảng 70% hàng tiêu dùng được nhập khẩu trong khu vực. Tuy nhiên, tại châu Á, tỷ lệ này chỉ chiếm 44%. Tuy vậy, tình trạng này dự kiến sẽ thay đổi trong tương lai. Theo công ty nghiên cứu World Data Lab, trong số 113 triệu người sẽ gia nhập tầng lớp tiêu dùng toàn cầu vào năm 2024 (chi tiêu trên 12 USD/ngày, tính theo tỉ giá USD năm 2017, được điều chỉnh theo sức mua), khoảng 91 triệu người sẽ là ở châu Á.
Dù tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân Trung Quốc đang chậm lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia khác trong khu vực lại đang có xu hướng gia tăng. Giai đoạn từ năm 2023-2028, dự kiến nhập khẩu của năm nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, sẽ tăng 5,7% mỗi năm, tức là tăng trưởng nhanh hơn so với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển khác.
Giảm sự phụ thuộc vào đồng USD
Các mô hình thương mại khu vực kiểu này cho thấy sự trở lại trạng thái kinh tế quốc tế bình thường hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD. Mô hình xuất khẩu toàn cầu đã đưa phần lớn các nước châu Á đạt tới mức sống của các nước phát triển và khuyến khích đầu tư vào các khu vực xa xôi. Chính các điều kiện và bối cảnh lịch sử đặc biệt đã tạo ra mô hình này, và không thể tái lập hoặc diễn ra một cách dễ dàng trong các tình huống khác.
Lượng hàng hóa được vận chuyển từ các thành phố công nghiệp châu Á sang châu Mỹ lớn hơn nhiều so với những gì có thể được dự đoán dựa trên quy mô tương đối của thị trường xuất khẩu và nhập khẩu của họ cùng với khoảng cách địa lý giữa hai châu lục. Thật vậy, một tài liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á cho thấy xuất khẩu máy móc từ Đông Bắc Á và Đông Nam Á sang Bắc Mỹ vào năm 2019 cao hơn gấp đôi so với so với dự kiến, dựa trên các yếu tố như quy mô thị trường và khoảng cách địa lý.
Quan hệ thương mại chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế trong khu vực khiến chúng sẽ trở nên phụ thuộc vào nhau, khăng khít hơn, do đó có thể cùng chia sẻ một chu kỳ kinh tế, hoặc chịu ảnh hưởng từ những biến đổi kinh tế một cách nhanh và mạnh hơn. Dù việc sử dụng USD làm phương tiện thanh toán vẫn đang tiếp tục trong các giao dịch xuyên biên giới và xu hướng các nhà đầu tư châu Á vẫn ưa thích thị trường chứng khoán phương Tây, một nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào năm 2021 đã kết luận rằng hiện nay các nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt với tác động của các chấn động kinh tế từ Trung Quốc nhiều hơn so với tác động từ Mỹ.
Điều này đã được minh chứng trong những tháng gần đây, khi sự suy yếu trong thương mại của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu ở Hàn Quốc và Đài Loan. Sự tăng cường trong giao dịch, không chỉ đối với các thành phần trung gian mà còn cả các sản phẩm cuối cùng dành cho tiêu dùng, có nghĩa là các các quyết định về tiền tệ và chính sách tiền tệ sẽ ngày càng phát triển theo cùng một hướng.
Xu hướng phát triển này sẽ có những tác động nhất định về khía cạnh chính trị. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng của nước này trong lĩnh vực an ninh ở châu Á, nhưng vai trò quan trọng về mặt kinh tế của họ sẽ suy giảm. Cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách địa phương sẽ quan tâm nhiều hơn đến các nước láng giềng của họ và sẽ dễ hợp tác với các đối tác này hơn so với các khách hàng và quốc gia ở xa. Với việc tiếp tục xây dựng các nhà máy địa phương, tăng trưởng tiêu dùng và nguồn tiết kiệm dồi dào từ người châu Á, đặc biệt là những người lớn tuổi đang mong muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư, quá trình tích hợp khu vực và nhu cầu kết nối kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực châu Á vẫn còn rất lớn và vẫn chưa đạt đỉnh điểm tối ưu.
Trong tương lai, thương mại châu Á sẽ tập trung nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh bên trong khu vực, và ít hướng về thị trường phương Tây hơn. Bản thân các nước châu Á cũng sẽ ưu tiên hơn các giao dịch và hợp tác kinh tế trong khu vực và ít tập trung hơn vào giao dịch và hợp tác với các quốc gia phương Tây hoặc các khu vực xa xôi./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-xu-huong-moi-trong-phat-trien-kinh-te-o-chau-a/311313.html