Những ý kiến tâm huyết đóng góp vào dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Để hoàn thiện dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội Khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh biên giới đã triển khai hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến tham gia dự án Luật BPVN.

Theo ý kiến cử tri, Luật BPVN được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trích một số ý kiến tâm huyết của cử tri đóng góp ý kiến tại các hội nghị.

Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP): Thực tiễn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về chức năng, nhiệm vụ và công tác phối hợp giữa các lực lượng ở khu vực biên giới; nhiệm vụ biên phòng; sự thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật về biên phòng. Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của BĐBP và các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp, thống nhất.

 Thiếu tướng Trần Đình Dũng. Ảnh: Viết Hà.

Thiếu tướng Trần Đình Dũng. Ảnh: Viết Hà.

Việc xây dựng dự án Luật BPVN cần phải thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và lợi ích quốc gia; xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng; đảm bảo hợp hiến, hợp pháp; tránh chồng chéo, mâu thuẫn... Nhiệm vụ biên phòng cần khẳng định, việc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới phải bằng sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhân dân là chủ thể, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang là nòng cốt. Đồng thời, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, lực lượng chức năng đảm bảo chặt chẽ, thống nhất.

Đại tá Đinh Tiên Phong, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Thanh Hóa: Dự án Luật BPVN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Hiện nay, có nhiều lực lượng chức năng cùng hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Nhưng trong quá trình phối hợp công tác vẫn còn có vướng mắc, nên cần có những quy định chung được luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phối hợp giữa các lực lượng được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đồng thời, quy định rõ, BĐBP là lực lượng chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Ngoài ra, dự án Luật BPVN cần quan tâm đến quy định về nguồn lực, chính sách chăm lo hậu phương quân đội, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới, biển, đảo có điều kiện khó khăn. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết bị công nghệ hiện đại bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

 Đại tá Đinh Tiên Phong. Ảnh: Viết Hà.

Đại tá Đinh Tiên Phong. Ảnh: Viết Hà.

Đại tá Mã Đức Thuận, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cao Bằng: Việc lấy tên dự án Luật BPVN dựa trên cơ sở thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Trong đó xác định: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, cập nhật luật pháp quốc tế. Xác định rõ phạm vi, trách nhiệm, dễ thực hiện, có tính khả thi cao, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

 Đại tá Mã Đức Thuận. Ảnh: Viết Hà.

Đại tá Mã Đức Thuận. Ảnh: Viết Hà.

Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng, trên cơ sở nhiệm vụ biên phòng được xác định tại Điều 5, Điều 7, dự thảo Luật BPVN, cần xác định rõ lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt, lực lượng tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng theo hướng khái quát, cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; Điều 17 dự thảo Luật BPVN quy định 7 biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới là hoàn toàn phù hợp với Điều 15; điểm c, khoản 1, Điều 22, Luật An ninh quốc gia.

Thiếu tá Vi Văn Chương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La: Đối ngoại biên phòng là bộ phận trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Công tác đối ngoại quốc phòng nói chung, đối ngoại biên phòng nói riêng đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

 Thiếu tá Vi Văn Chương. Ảnh: Viết Hà.

Thiếu tá Vi Văn Chương. Ảnh: Viết Hà.

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới thì BĐBP phải vận dụng đồng bộ các biện pháp công tác, trong đó có công tác đối ngoại, vận động quần chúng... Thời gian qua, BĐBP đã tham mưu cho chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác kết nghĩa nghĩa bản - bản hai bên biên giới; nhận đỡ đầu các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nước láng giềng; hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, công cụ, chuyển giao kỹ thuật... để giúp người dân ở khu vực biên giới từng bước phát triển, nâng cao đời sống.

Dự án Luật BPVN đã quy định một chương riêng (Chương III: Hợp tác quốc tế về biên phòng), quy định này rất phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong thời đại ngày nay, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

VIẾT HÀ (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-y-kien-tam-huyet-dong-gop-vao-du-an-luat-bien-phong-viet-nam-623218