Những yếu tố gây áp lực lên lạm phát

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ dự báo kịch bản lạm phát cả năm 2019 nằm trong khoảng 3,17-3,41%. Dư địa khá lớn để xem xét tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ công do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, kiểm soát mức lạm phát kỳ vọng không đơn giản bởi có nhiều diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới và khu vực.

Bức tranh kinh tế sáng sủa

Nửa đầu năm 2019, dù kinh tế thế giới và trong nước có không ít biến động, bức tranh kinh tế - xã hội qua số liệu của Tổng cục Thống kê khá sáng sủa. Theo đó, sản xuất công nghiệp 7 tháng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% cùng kỳ năm 2017 và năm 2016.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đáng chú ý, xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực bất chấp những bất ổn từ thị trường thế giới. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7-2019 ước đạt 22,60 tỉ USD, tăng 5,5% so với tháng 6, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%). Tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%). 7 tháng ước tính xuất siêu 1,8 tỉ USD.

Quan trọng hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây (cùng kỳ năm 2017 và năm 2018 tăng lần lượt 3,91 và 3,45%)… Các chuyên gia tài chính cho rằng, đây là yếu tố tích cực của nền kinh tế.

Ngoài nguyên nhân thị trường, lạm phát có mức tăng thấp còn do sự phối hợp chính sách giữa tiền tệ, tài khóa và giá cả cơ bản tốt. Tính chung 7 tháng, Việt Nam đã xuất siêu, chứng tỏ cung tăng cao hơn cầu, vừa có tác động đến tăng cung, vừa không gây sức ép lên lạm phát.

Về tài chính, tiền tệ - yếu tố tác động trực tiếp tới lạm phát, cân đối ngân sách chuyển từ bội chi trong thời kỳ trước sang bội thu trong 6 tháng năm 2019. Trong lĩnh vực tiền tệ, tốc độ tăng tín dụng thấp, lãi suất huy động tăng để hút tiền về. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được giãn, hoãn (trừ giá điện, giá xăng dầu, một phần dịch vụ giáo dục)...

Xuất hiện những thách thức

Theo nhiều chuyên gia tài chính, mặc dù nền kinh tế có tín hiệu tích cực nhưng chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi vẫn có những yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Trên thực tế đã xuất hiện những thách thức và quan ngại trong những tháng cuối năm 2019.

“Do ảnh hưởng của những bất định của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,6% và 6,5% trong các năm 2019 và 2020, chủ yếu do sức cầu bên ngoài yếu đi. Lạm phát không đáng kể, xoay quanh chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 4%” - ông Sebastian, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.

Xuất khẩu bắt đầu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về thị trường, khi 7 tháng năm 2019, các thị trường lớn và chủ chốt của Việt Nam như EU, Trung Quốc gần như không tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam tăng chậm lại, đặc biệt là về giá. Không chỉ ở thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp còn tiếp tục gặp khó khăn hơn vì các yếu tố trong nước, nhất là liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, thời tiết hạn hán.

Giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục xu hướng chậm chạp, khi tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 chỉ đạt 8,5% và 7 tháng chỉ đạt 44,9% so với kế hoạch cả năm. Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, dù vẫn nằm trong ngưỡng mục tiêu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% của Quốc hội đề ra, có rất nhiều thách thức. Trước hết là thách thức nội tại nền kinh tế Việt Nam. Dù kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng thiếu vững chắc do năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao. “Đấy là yếu tố cốt lõi cực kỳ quan trọng làm cho lạm phát có khả năng tăng nhanh. Cách điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo “độ trễ” lạm phát trong những năm sau” - ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Ngô Trí Long giải thích thêm, xu hướng tăng giá USD sẽ gây tác động đến tỉ giá trong nước. Với thị trường trong nước, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới vì giá điện, giá dịch vụ y tế, điều chỉnh cơ cấu tiền lương và chi phí quản lý vào cơ cấu giá dịch vụ; giá thịt lợn cũng được dự báo có thể tăng mạnh trở lại sau dịch tả lợn châu Phi nếu người nuôi không tái đàn... Bên cạnh đó là yếu tố bên ngoài, tình hình thế giới luôn bất ổn, trong khi độ mở nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở mức 230%. Với độ mở cao như vậy, nếu có những biến động bên ngoài mà nội tại nền kinh tế chưa có sự phát triển ổn định thì chắc chắn tác động sẽ rất lớn.

Trước đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 cũng đã chỉ ra những yếu tố khiến lạm phát có thể tăng vào 6 tháng cuối năm. Theo CIEM, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm tăng 2,64%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lạm phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng dần về cuối năm vì nhiều nhóm hàng hóa tăng giá. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô có thể chịu ảnh hưởng từ rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới.

Trước tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới có nhiều biến động, dù Việt Nam đang kỳ vọng vào những “cú hích” từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng cũng cần lưu ý, hàng xuất khẩu có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ. Vì vậy, Việt Nam cần ưu tiên ổn định kinh tế, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, từ đó vận dụng các chính sách kinh tế linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến giá USD, nhân dân tệ, euro và giá các mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỉ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ; đồng thời kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận tín dụng của nền kinh tế. Việc nghiên cứu, cân nhắc thời điểm và liều lượng điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá để tránh gây sức ép lạm phát cũng cần được xem xét cẩn trọng.

Có thể nói, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô gồm 3 trụ cột chính, bao gồm: kiểm soát lạm phát; chính sách tỉ giá và giải quyết công ăn việc làm. Điều hành để kiềm chế lạm phát không chỉ nhìn vào một số mặt hàng, mà cần có cái nhìn tổng thể, trong đó chính sách tiền tệ và tài chính là mấu chốt quan trọng nhất.

Những phân tích, đánh giá về bối cảnh kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước những tháng cuối năm cho thấy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam là không hề nhỏ. Nhưng với cách điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt của Chính phủ hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tin tưởng cho rằng, lạm phát vẫn được kiểm soát theo đúng mục tiêu của Quốc hội đề ra, các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm cũng như của cả năm 2019 sẽ đạt được những con số ấn tượng.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-yeu-to-gay-ap-luc-len-lam-phat-546375.html