Niềm tin bị thương tổn vì đi làm

Tổn thương hay kiệt quệ về đạo đức là tác động lâu dài gây ra bởi việc thực hiện, chứng kiến hoặc không ngăn chặn được hành động vi phạm niềm tin đạo đức của bạn.

 "Suy kiệt đạo đức" là dạng kiệt sức mới đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người lao động. Ảnh: NYTimes.

"Suy kiệt đạo đức" là dạng kiệt sức mới đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người lao động. Ảnh: NYTimes.

Các nhà nghiên cứu cho biết một kiểu kiệt sức mới đang xuất hiện. Nó khiến người lao động cảm thấy sợ hãi, không thể thư giãn và có những suy nghĩ xâm nhập, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất và tinh thần, theo Huffington Post.

Theo nghiên cứu của Đại học Sheffield và ban tư vấn sức khỏe, phòng chống kiệt sức Softer Success, "tổn thương đạo đức" do làm việc trong môi trường độc hại gây ra, đặc biệt là khi làm những công việc mà mọi người cảm thấy bất công.

Các nhà nghiên cứu cho biết “sự kiệt quệ" hay "tổn thương" về đạo đức này rất khó để vượt qua. Trên thực tế, trong phần lớn các trường hợp, nghiên cứu cho thấy mọi người cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ việc.

Biểu hiện của "tổn thương đạo đức"

Sự vi phạm hoặc phản bội của đồng nghiệp; quy trình tuyển chọn không công bằng; không hành động khi có khiếu nại, tố giác; và sự sỉ nhục từ cấp trên, bị thao túng hoặc kiểm soát đều là những ví dụ về tổn thương đạo đức có thể xảy ra tại nơi làm việc.

Khi mọi người trải qua điều này trong một khoảng thời gian và bị “kiệt quệ đạo đức”, họ có thể gặp các triệu chứng như:

Cảm thấy xấu hổ trước sự kiện xảy ra ở nơi làm việc
Cảm thấy mệt mỏi hơn
Thường xuyên trì hoãn
Cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng
Không thể thoát khỏi công việc để nghỉ ngơi
Có những suy nghĩ xâm nhập về công việc hoặc các nỗi lo khác
Suy nghĩ về các tình huống xấu nhất
Không hứng thú trong công việc hoặc cuộc sống hàng ngày
Suy kiệt về cảm xúc, tinh thần và thể chất

Cara de Lange, chuyên gia về kiệt sức, người sáng lập của Softer Success, cho biết: “Tổn thương đạo đức có thể là kết quả của nền văn hóa công sở độc hại. Những nơi này không cung cấp đủ quy trình chăm sóc sức khỏe cho nhân viên”.

 "Kiệt quệ đạo đức" là hậu quả do văn hóa làm việc độc hại. Ảnh: Getty Images.

"Kiệt quệ đạo đức" là hậu quả do văn hóa làm việc độc hại. Ảnh: Getty Images.

Hậu quả nghiêm trọng của "kiệt quệ đạo đức"

Nghiên cứu bao gồm 16 người tham gia phỏng vấn, nhằm khám phá tác động của tổn thương đạo đức trong nhiều ngành nghề.

Trong lịch sử, các nghiên cứu về tổn thương đạo đức đã được thực hiện trong các công việc mang tính hiểm họa cao, như quân đội hoặc sức khỏe. Nhưng những người tham gia vào nghiên cứu này làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, luật, công nghệ, viễn thông, bộ phận chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp, nhân sự, khoa học hành vi, kế toán, ngân hàng và tài chính ở nhiều cấp độ thâm niên khác nhau.

Một số ví dụ về tổn thương đạo đức mà những người tham gia đã trải qua tại nơi làm việc bao gồm:

Kỳ thị cộng đồng LGBTQIA+
Chứng kiến các lãnh đạo cấp cao nhận được khoản cổ tức lớn trong thời gian dư thừa nhân viên
Phong cách lãnh đạo gồm hành động sỉ nhục, sợ hãi, kiểm soát và thao túng
Lạm dụng quyền hành
Không tuân thủ luật pháp hoặc quy định
Biển thủ nguồn vốn
Nhắm vào khách hàng dễ bị tổn thương tài chính
Đối xử tệ với nhân viên có vấn đề y tế hoặc vấn đề cá nhân.

Theo nghiên cứu, khi những người tham gia chứng kiến hoặc biết về những việc đi ngược lại đạo đức, họ cảm thấy sốc, bối rối, choáng váng, thất bại và tê liệt. Những người từng trải thì trở nên lãnh cảm.

Hầu hết người tham gia đều hành động ngay lập tức để khắc phục tình hình, tuy nhiên chính phản ứng của tổ chức hoặc sự thờ ơ, im lặng của công ty lại tăng thêm mức độ căng thẳng đạo đức.

Cảm giác bất lực và vi phạm đạo đức mà những người tham gia trải qua đã thúc đẩy họ bỏ việc hoặc nghỉ phép vì trầm cảm. Một số người khác thành lập doanh nghiệp riêng.

Các nhà nghiên cứu cho biết nhìn chung, những sự kiện như vậy có thể khiến con người kiệt quệ về mặt đạo đức, cũng như trải qua cảm giác thờ ơ, chán nản và giảm động lực.

Một số người tham gia đã ví trải nghiệm của họ với một mối quan hệ lạm dụng mà họ không thể thoát ra.

Giáo sư Karina Nielsen, chủ nhiệm bộ môn tâm lý học tại Đại học Sheffield, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những người bị ép buộc thực hiện những hành vi đi ngược lại giá trị đạo đức của họ đã cố gắng khắc phục. Nhưng tất cả những người chúng tôi biết đều đã nghỉ việc hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm mới".

Thông thường, những người đã nghỉ việc tìm cách bù đắp cho hành vi sai trái bằng cách làm công việc tình nguyện hoặc thành lập doanh nghiệp riêng để theo đuổi các giá trị đạo đức của họ.

Giáo sư Nielsen gọi đây là sự sửa chữa đạo đức.

Bà De Lange cho biết sự kiệt quệ về mặt đạo đức có thể là nguyên nhân của một số xu hướng như làn sóng nghỉ việc ồ ạt và trào lưu nghỉ việc âm thầm (xu hướng mọi người chỉ làm đủ những gì công việc yêu cầu).

 Nhân viên nghỉ việc ồ ạt và âm thầm khiến nhiều công ty lao đao. Đây cũng là hậu quả của "kiệt quệ đạo đức". Ảnh: peoplelab.co.uk.

Nhân viên nghỉ việc ồ ạt và âm thầm khiến nhiều công ty lao đao. Đây cũng là hậu quả của "kiệt quệ đạo đức". Ảnh: peoplelab.co.uk.

Bà nói: “Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, mọi người không chủ động chọn tách rời công việc mà thật ra họ đang vật lộn để đối phó với nền văn hóa hối hả xã hội tạo ra, và nhiều khủng hoảng liên tiếp như đại dịch, chiến tranh, Trái Đất nóng lên, khủng hoảng giá sinh hoạt và hơn thế nữa".

Trong tương lai, các công ty cần phải gắn liền đạo đức và mục đích của tổ chức với nhu cầu và vấn đề của thế giới để tăng năng suất, hạnh phúc.

Lời khuyên cho những người trải qua tình trạng "kiệt quệ đạo đức"

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, huấn luyện viên hoặc cố vấn
Đầu tư vào việc chăm sóc bản thân, ví dụ tập thể dục, dành thời gian với thiên nhiên, ưu tiên thời gian phục hồi bản thân
Hãy thử tìm các yếu tố của tình huống mà bạn kiểm soát được. Bạn có thể ghi âm và ghi chú về những gì đang xảy ra, hoặc lên tiếng về những quyết định trái đạo đức
Hãy nghĩ về việc học và phát triển kỹ năng. Bạn có thể phát triển kỹ năng hiện tại hoặc học kỹ năng mới, tham gia công việc tự nguyện phù hợp với các giá trị và bộ kỹ năng của bạn
Suy ngẫm về trải nghiệm căng thẳng đạo đức để biết bạn muốn và cần gì trong công việc mới. Bạn có cần tìm kiếm vị trí phù hợp hơn với hệ thống giá trị không? Bạn sẽ làm điều đó như thế nào? Làm thế nào bạn có thể sử dụng kinh nghiệm này để phát triển?
Tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia nếu bạn đang phải vật lộn với những cảm giác như lo lắng, trầm cảm và kiệt sức.

Phương Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/niem-tin-bi-thuong-ton-vi-di-lam-post1358959.html