Niềm tin vào sự khởi sắc của Kiểm toán nhà nước trên chặng đường mới

Từng theo sát hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN), ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021- rất ấn tượng với những cuộc kiểm toán đã tạo được 'tiếng vang'. Kết quả kiểm toán với những phát hiện mang tính đột phá thời gian qua là cơ sở tạo dựng niềm tin vào sự khởi sắc của KTNN trên chặng đường mới.

Ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

“Tiếng vang” và dấu ấn từ kết quả kiểm toán

Trước đây, khi là đại biểu Quốc hội còn bây giờ là cử tri, tôi thấy rằng KTNN đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc đảm bảo công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Kết quả kiểm toán làm điểm tựa, là chỗ dựa, là niềm tin cho các vị đại biểu khi quyết định những vấn đề liên quan đến ngân sách. Nước ta có 500 đại biểu Quốc hội nhưng không phải đại biểu nào cũng có chuyên ngành về kinh tế, tài chính, ngân sách, Quốc hội cũng chỉ có một Ủy ban giúp việc là Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban đó cũng không thể có điều kiện nghiên cứu sâu được. Chính vì vậy, kết quả kiểm toán giúp đại biểu Quốc hội yên tâm hơn khi xem xét tính khả thi của dự toán ngân sách. Đối với quyết toán ngân sách nhà nước cũng vậy, kết quả kiểm toán giúp đại biểu biết việc thu ngân sách, chi ngân sách có đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch hay không...

KTNN đóng vai trò quan trọng bởi lẽ, thứ nhất, từ khi thành lập vào năm 1994 đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý hơn 738.455 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm hơn 40% tổng kiến nghị kiểm toán. KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước, với thực tiễn, kịp thời khắc phục những lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính... Điều quan trọng hơn mà 30 năm qua KTNN đã làm được là giúp những cá nhân, tập thể sử dụng ngân sách nhà nước có ý thức hơn, tuân thủ pháp luật nghiêm túc hơn.

Điểm thứ hai,trong bối cảnh ngân sách thu chưa đủ chi thì việc phân bổ dự toán ngân sách từ Trung ương đến các địa phương làm sao bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả là rất quan trọng. KTNN cũng góp phần vào việc này.

Điểm thứ ba,qua việc kiểm toán ngân sách nhà nước, KTNN giúp tất cả những đơn vị thụ hưởng ngân sách biết trân quý hơn dòng tiền ngân sách, từ đó sử dụng ngân sách tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn.

Điểm thứ tư,kiểm toán giúp tăng cường tính công khai, minh bạch nền tài chính công, tạo được niềm tin với bạn bè quốc tế hoặc các nhà đầu tư đối với các đơn vị, các doanh nghiệp, các tỉnh, thành sử dụng ngân sách.

Điều cuối cùng rất quan trọng đó là, trong bối cảnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, kết luận, kiến nghị của KTNN đã góp phần cung cấp tư liệu, giúp công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tốt hơn.

Ở góc độ cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, kết quả kiểm toán sẽ là căn cứ để các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò giám sát và hạn chế hơn khả năng xảy ra tham nhũng, tiêu cực đối với nguồn lực này tại các đơn vị sử dụng ngân sách.

Trong chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, KTNN đã tạo được nhiều kết quả ấn tượng. Chẳng hạn năm 2007, nước ta sử dụng rất nhiều vốn trái phiếu chính phủ, với sự giám sát của Quốc hội và phát hiện của KTNN, năm 2011, Chính phủ đã điều chỉnh Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ... Liên tiếp 3 năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành chỉ thị về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn với đóng góp rất lớn của KTNN.

KTNN đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc đảm bảo công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ảnh tư liệu

KTNN đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc đảm bảo công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ảnh tư liệu

Một ví dụ mà cử tri, nhân dân rất phấn khởi, đó là năm 2016, qua kiểm toán 27 dự án BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị rút ngắn thời gian thu phí gần 100 năm! Những cuộc kiểm toán như vậy đã tạo ra những “tiếng vang” rất lớn.

Bản lĩnh của kiểm toán viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ là điều mà chúng ta phải tiếp tục quan tâm, trau dồi. Đồng thời, cần có một cơ chế để kiểm toán viên nhà nước “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Ông Bùi Đặng Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Về quá trình xây dựng nông thôn mới, không ai nghĩ khi xây dựng nông thôn mới người dân lại bị nợ, nhưng chính việc phối hợp giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách với KTNN đã phát hiện nợ đọng xây dựng cơ bản của các xã nông thôn mới. Từ đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của các xã nông thôn mới đã được chỉ đạo chấn chỉnh. Gần đây, KTNN tiếp tục có những phát hiện mang tính đột phá, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Trung ương làm tốt hơn nữa việc giám sát, quản lý tài chính công, tài sản công.

Niềm tin và sự mong mỏi

Trong giai đoạn tới, tôi mong muốn tất cả tài chính công, tài sản công được KTNN kiểm toán. Năm 2023, KTNN mới kiểm toán được 50/63 tỉnh, thành về quyết toán ngân sách nhà nước. Như vậy vẫn còn các đơn vị khác, các huyện, xã, Bộ, ngành sử dụng ngân sách nhà nước vẫn chưa được kiểm toán.

KTNN cần tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó điều quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý. KTNN cần tiếp tục rà soát, vấn đề nào còn vướng thì tháo gỡ để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm toán viên, đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ, qua đó nâng cao chất lượng kiểm toán.

KTNN đã thực hiện cả 3 loại hình kiểm toán: Kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ và đã lồng ghép cả 3 loại hình đó trong cuộc kiểm toán; thực hiện các nội dung kiểm toán mới như kiểm toán môi trường... Một điều tại các diễn đàn, đại biểu Quốc hội quan tâm là KTNN có thuê kiểm toán độc lập kiểm toán những đơn vị mà KTNN chưa kiểm toán được do thiếu nhân lực hay không. Hơn nữa, vai trò hướng dẫn, hỗ trợ kiểm toán nội bộ theo luật định của KTNN như thế nào. Nếu các đơn vị thực hiện tốt kiểm toán nội bộ thì nhiệm vụ của KTNN cũng bớt nặng nề hơn.

Tôi cũng rất mong muốn KTNN làm tốt hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Tôi tin là với 30 tuổi, KTNN sẽ có những bước khởi sắc, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công tin cậy của Đảng, Nhà nước, của cử tri và Nhân dân./.

THÙY ANH (lược ghi)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/niem-tin-vao-su-khoi-sac-cua-kiem-toan-nha-nuoc-tren-chang-duong-moi-34171.html