Niềm tự hào của mảnh đất Nam Tây Nguyên (bài cuối)

TIN LIÊN QUAN

Niềm tự hào của mảnh đất Nam Tây Nguyên

Bài cuối: Định hình nhờ sự khác biệt và hài hòa

Có nền tảng xuất phát tại địa phương, lại chịu vô vàn những áp lực cạnh tranh của các “ông lớn” trong lĩnh vực khai thác du lịch, nhưng quan điểm lấy “thiên nhiên làm nền tảng, con người tạo nên giá trị” đã giúp Dalattourist luôn khẳng định được vị thế của mình với những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu quốc gia.

Vượt thác Datanla, một trong những sản phẩm du lịch mạo hiểm thu hút du khách của Dalattourist

Vượt thác Datanla, một trong những sản phẩm du lịch mạo hiểm thu hút du khách của Dalattourist

Là công ty du lịch - dịch vụ - lữ hành lâu đời nhất Đà Lạt (ra đời từ năm 1976), Dalattourist tiên phong cung cấp những dịch vụ du lịch gắn liền với thiên nhiên, văn hóa và bản sắc của vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng. Từng là đơn vị kinh doanh thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng việc phát triển, đầu tư, xây dựng thương hiệu chỉ bắt đầu từ khi công ty chuyển đổi sang hình thức cổ phần hóa, hơn 5 năm trở lại đây. Đó cũng là khoảng thời gian để Dalattourist có sự “lột xác” vươn mình từ thương hiệu địa phương trở thành thương hiệu quốc gia.

Nói về sự thay đổi này, ông Phạm Nhật Vũ - Phó Giám đốc Dalattourist chia sẻ: “Chúng tôi được công nhận thương hiệu quốc gia là nhờ mang đến những sản phẩm du lịch về tham quan, vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời dựa vào thiên nhiên, đồng thời bổ sung thêm các giá trị của sự sáng tạo, của đầu tư. Phát triển chuỗi các dịch vụ du lịch khép kín từ tham quan, vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời đến các dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Chúng tôi định hình được trên thị trường nhờ sự khác biệt và hài hòa”.

Như lời của Phó Giám đốc Dalattourist, “Sự khác biệt và hài hòa” chính là cốt lõi trong lộ trình tồn tại và phát triển vững mạnh của công ty. Bởi khi mới thành lập, công ty có thế mạnh rất lớn khi gần như sở hữu toàn bộ danh thắng của Đà Lạt, những địa điểm với vị trí thuận lợi nhất để làm du lịch. Nhưng Dalattourist không lợi dụng, trông chờ sự “ban ơn” của thiên nhiên mà chỉ lấy vẻ đẹp của tạo hóa, tận dụng lợi thế bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường.

Việc các khu du lịch thuộc quyền khai thác của Dalattourist luôn là “nam châm” thu hút du khách mỗi khi đến với Đà Lạt là minh chứng rõ nét nhất cho tôn chỉ của công ty khi chỉ để thiên nhiên hỗ trợ cho hành trình phát triển. Có thể thấy rõ được điều này, khi Khu Du lịch thác Datanla được đầu tư thành một nơi không chỉ ngắm cảnh, ngắm thác mà trở thành điểm du lịch khác biệt nhất ở Việt Nam với các sản phẩm du lịch gắn với thể thao mạo hiểm như: Hành trình trên cao (High Rope Course); Thử thách vượt thác Datanla (Datanla Canyoning) hay tột cùng cảm xúc với máng trượt 2,3 km, dài nhất Đông Nam Á; Cũng là điểm du lịch dã ngoại, nhưng núi Lang Biang lại được xây dựng gắn với việc khám phá, trải nghiệm văn hóa của dân tộc K’Ho bản địa; Đồi Robin là nơi kinh doanh dịch vụ du lịch đơn thuần gắn với lữ hành nhưng đã được nâng tầm trở thành điểm kết nối hoàn hảo cho hành trình giữa vùng trung tâm Đà Lạt và Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.

“Các sản phẩm du lịch của Dalattourist đều có sự “hỗ trợ” đắc lực từ địa hình đồi núi, thung lũng, rừng thông và khí hậu mát lành của Đà Lạt (những điều làm nên khác biệt so với các thành phố khác). Nhưng các sản phẩm của công ty đều có sự tương tác với thiên nhiên, đó chính là sự hài hòa để tạo nên vẻ đẹp. Ví dụ, High Rope Course sẽ là sản phẩm thiếu hấp dẫn, khó lòng cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự ở các địa phương, quốc gia khác trong khu vực nếu nó không nằm trong rừng thông nguyên sinh của Đà Lạt”, ông Nguyễn Nhật Vũ khẳng định.

Cũng theo chia sẻ của ông Vũ thì Đà Lạt là vùng đất đầy cảm xúc và rất nhạy cảm. Chỉ cần chạm vào từng cái cây, từng ngôi nhà, từng con suối, thác đều tạo nên cảm xúc với du khách nói riêng và xã hội nói chung. Chính vì lẽ đó, nếu không bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan sẽ làm giảm đi độ hấp dẫn, tính đặc trưng bản địa của các sản phẩm du lịch đã xây dựng trên nền tảng thiên nhiên. Chính vì sự khác biệt trong khai thác các sản phẩm thiên nhiên, hay đúng hơn là sự tôn trọng thiên nhiên, đã giúp cho Dalattourist chiếm lĩnh được hơn 70% thị phần trong tổng số lượt khách khi đến với Đà Lạt sử dụng dịch vụ của công ty.

Phát triển du lịch lấy thiên nhiên làm nền tảng, không tạo ra mâu thuẫn và xung đột với những giá trị của cộng đồng xã hội. Đồng thời, biết tạo ra những điểm nhấn, làm cho thiên nhiên sinh động hơn trong hoạt động du lịch, đúng với nhu cầu của thị trường đã giúp cho Dalattourist trở thành một thương hiệu vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của địa phương.

Giá trị theo đuổi của Dalattourist đó là thu hút khách đến với Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung ngày càng nhiều trên tôn chỉ không thay đổi đó là dựa trên nền tảng thiên nhiên tươi đẹp và giá trị, bản sắc của con người Nam Tây Nguyên. Những yếu tố thấm đẫm văn hóa truyền thống, sự tôn trọng cảnh quan, sự tử tế trong cách làm không chỉ khẳng định vị thế cánh chim đầu đàn trong ngành du lịch của Lâm Đồng, mà còn là điểm tựa bền vững cho sự phát triển của thương hiệu quốc gia Dalattourist trong tương lai.

LAM ANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202104/niem-tu-hao-cua-manh-dat-nam-tay-nguyen-bai-cuoi-3053496/