Niềm tự hào Việt Nam từ phong trào xóa nhà tạm

Nói về những cái khổ nhất trong cuộc sống mỗi gia đình, cha ông ta đã đúc kết qua câu ca dao sâu sắc 'Thứ nhất vợ (chồng) dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi'.

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Lai châu

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Lai châu

Mái nhà là nơi ta sinh sống hàng ngày, nên nhà dột nát, nhà tạm là nỗi khổ lớn thứ hai; khổ hơn cả nợ nần thiếu thốn tiền bạc. Miền Bắc và miền Trung có mùa đông rét cắt da thịt, mưa phùn lâm thâm, miền Nam có mùa mưa dầm dề… Ai đã từng sống nheo nhóc, nhếch nhác trong những căn nhà dột nát mới thấm thía cái khổ sở, cái lạnh lẽo là như thế nào.

Một trong những mục tiêu của Đảng và Nhà nước là “làm sao cho Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”. Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/1/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; Chỉ thị 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư đã đặt ra mục tiêu đến 2030 “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.

Số liệu chính thức từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, những năm qua, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cả nước còn khoảng trên 400 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng, tuổi thọ 20 năm trở lên) hoặc thiếu hụt về chất lượng. Vì vậy, tháng 4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước 5 năm so với Nghị quyết 42. Đầu tháng 10/2024, Thủ tướng tiếp tục tham dự chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Tổng số tiền huy động được khi kết thúc chương trình là 5.932 tỷ đồng.

Thực hiện phong trào do Thủ tướng phát động, cả nước đang trong chiến dịch khoảng 450 ngày đêm cao điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, mục tiêu hoàn thành 3 nhiệm vụ lớn: 1. Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở bằng nguồn ngân sách nhà nước; 2. Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia; 3. Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài hai nhóm hỗ trợ trên.

Để quyết tâm hoàn thành công việc này, Bộ, ngành chức năng đã đưa ra những phương pháp, cách làm mới, như đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương; nhóm địa phương khó khăn sẽ được cơ chế huy động nguồn lực, hỗ trợ phù hợp; phát huy sự chung tay góp sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả xã hội.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những yếu tố góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững của Liên hợp quốc. Cùng với những ý nghĩa quan trọng như 2025 là năm kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm ngày thành lập nước; 135 năm Ngày sinh Bác Hồ… thì chiến dịch xóa nhà tạm, nhà dột nát càng có ý nghĩa sâu sắc; càng tô thắm truyền thống người Việt đoàn kết, “tương thân, tương ái”; càng làm ngời sáng bản chất, tính ưu việt của Nhà nước ta là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Huỳnh Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/niem-tu-hao-viet-nam-tu-phong-trao-xoa-nha-tam-post527864.html