Niềm vui ở Nậm San 2

ĐBP - Trở lại bản Nậm San 2 (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) vào những ngày cuối năm 2019, chúng tôi thấy nhiều hộ dân trong bản nhộn nhịp, tất bật tu sửa nhà cửa, xây mới sân, bể nước, công trình phụ, đào ao, làm chuồng và mua gia súc, gia cầm về chăn nuôi. Ðược biết, trong 2 tháng trở lại đây, từ khi chính quyền huyện Mường Nhé giải quyết thỏa đáng, chi trả đầy đủ các chế độ liên quan tới việc bù trừ chênh lệch giá trị đất ở, đất sản xuất giữa nơi đi và nơi đến, thì 21 hộ dân trong bản Nậm San 2 đã được nhận số vốn tương đối lớn để ổn định sinh kế lâu dài. Giờ đây, bà con đang tranh thủ những ngày cuối năm để tu sửa nhà cửa; đồng thời lên kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Sự phấn khởi, vui tươi đã hiện hữu rõ nét trên khuôn mặt từng người dân trong bản.

Từ số tiền được chủ đầu tư chi trả, người dân bản Nậm San 2, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) mua vật liệu về tu sửa nhà và lên kế hoạch phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Phương Liên

Ðưa chúng tôi đi thăm một số hộ dân trong bản, ông Giàng A Thày, Trưởng bản Nậm San 2 phấn khởi nói: “Vậy là đã tròn 10 năm chúng tôi rời huyện Tủa Chùa về Mường Nhé sinh sống theo Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La. Mặc dù còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất nhưng đến nay các hộ dân trong bản đã an cư, lập nghiệp trên quê hương thứ hai. Vào dịp cuối năm này, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi vì chính quyền huyện Mường Nhé đã kịp thời chi trả số tiền hơn 5 tỷ đồng cho 21/40 hộ dân còn thiếu hoặc chưa có đất sản xuất trong bản. Chúng tôi an tâm lắm và sẽ tiếp tục nỗ lực lao động, sản xuất để xây dựng bản làng”.

Trong trí nhớ còn vẹn nguyên của ông Giàng A Thày, 10 năm trước, 36 hộ dân tộc Mông từ hai huyện: Mường Chà (15 hộ) và Tủa Chùa (21 hộ) cùng di chuyển về bản Nậm San 2 sinh sống quần cư. Nguồn kinh tế chính của bà con vẫn là chăn nuôi tại chỗ và canh tác trên nương. Trong đó, 15 hộ dân của huyện Mường Chà đã hoàn thành việc tiếp nhận đất ở và hoán đổi xong diện tích đất nông nghiệp giữa nơi cũ và nơi mới, yên tâm sinh sống, canh tác. Còn lại 21 hộ dân của huyện Tủa Chùa (trong đó có hộ ông Giàng A Thày) mặc dù cũng được bố trí đất ở, đất canh tác nhưng diện tích quá ít, không đủ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình và chưa cân xứng với diện tích của các hộ dân khác được nhận. Cá biệt, có vài hộ gần như không có đất để canh tác. “Thời gian ấy, để có đất nương gieo trồng, chúng tôi phải đi gieo cấy nhờ hoặc mua (bằng miệng, không giấy tờ) của người dân các bản lân cận; một số hộ khác thì canh tác trên nương ở xa bản, nhưng cũng gặp nhiều bất cập như: Khó trông coi, quản lý, thu hoạch; tranh chấp đất đai, xung đột với bà con bản khác hoặc vô tình phá rừng trái phép... Thiếu đất canh tác khiến đời sống khó khăn, đói nghèo dai dẳng nhiều lần dân bản chúng tôi chán nản có ý định quay về quê hương cũ sinh sống” - ông Giàng A Thày chia sẻ thêm.

Về nguyên nhân thiếu đất sản xuất của 21 hộ dân bản Nậm San 2, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân khách quan phần lớn do 21 hộ dân chưa đồng ý, nhất trí với các phương án bố trí đất mà chủ đầu tư đưa ra. Sau nhiều lần họp trao đổi, mãi đến tháng 10 vừa qua 21 hộ dân và chủ đầu tư mới tìm được tiếng nói chung, bà con đã chấp thuận với phương án của huyện Mường Nhé là bù trừ chênh lệch giá trị đất ở, đất sản xuất thu hồi (tại nơi đi) và đất ở, đất sản xuất đã giao (nơi đến) theo đơn giá hiện hành (năm 2018).

Theo đó, diện tích đất thu hồi tại huyện Tủa Chùa là 669.338m2 so với diện tích được giao tại bản Nậm San 2, huyện Mường Nhé là 20.333m2, bà con được hưởng số tiền chênh lệch là 5,358 tỷ đồng, lấy từ vốn hỗ trợ tái định cư thuộc Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La.

Ngay sau khi được nhận số tiền lớn, từ 150 đến trên 300 triệu đồng/hộ, người dân bản Nậm San 2 đã lên kế hoạch trang trải cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Dọc đoạn đường bê tông giữa bản, chúng tôi thấy nhà nào cũng tập kết nhiều vật liệu xây dựng, gạch, sắt, thép, xi măng dọc đường để chuẩn bị tu sửa nhà ở, làm chuồng trại... Ông Vừ Sáy Lầu, người có uy tín bản Nậm San 2 nhận số tiền hơn 300 triệu đồng từ chủ đầu tư, việc đầu tiên ông làm là sửa lại mái nhà đã thủng lỗ chỗ, gia cố tường nhà đã ọp ẹp từ lâu. Ngoài ra, ông Lầu còn đổ xi măng nền sân, ngõ vào nhà; xây mới bể nước sinh hoạt và nhà tắm. Những ngày cuối năm, thay vì tất bật trên nương, cả gia đình ông Lầu tập trung về nhà, cùng bắt tay vào tu sửa, xây dựng nhà. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lầu cho biết: “Tôi trích 1/3 số tiền hỗ trợ để sửa sang nhà cửa, còn lại tôi tính sẽ mua gia cầm về chăn nuôi, phát triển mô hình trang trại. Nhận được số tiền lớn, bản thân tôi thấy khá lo lắng, bởi chúng tôi đã cam kết với chủ đầu tư là tự chịu trách nhiệm về việc tìm đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Giờ đây, tôi đang vận động các hộ dân khác trong bản lên kế hoạch đầu tư thiết yếu cho cuộc sống và chủ yếu vẫn phải dành tiền phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Phấn khởi vì có tiền để đầu tư, trang trải cuộc sống, nhưng người dân bản Nậm San 2 cũng khá thận trọng trong việc chi tiêu. Như gia đình anh Giàng A Chư được nhận số tiền hơn 300 triệu đồng, nhưng anh Chư chỉ đầu tư mua hệ thống đường ống dẫn nước sạch về nhà để tiện sinh hoạt và sửa lại chuồng trại chăn nuôi lợn, mọi chi phí hết khoảng 20 triệu đồng, còn lại anh Chư làm sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Mường Nhé.

21 hộ dân ở Nậm San 2 hiện nay đang ngập tràn niềm vui và phấn khởi vì có điều kiện trang trải cuộc sống tốt hơn trước đây. Cái khó khăn, thiếu đói đã lùi xa vào dĩ vãng. Năm cũ qua đi nhường chỗ cho năm mới bắt đầu. Năm mới này, thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, những mảnh vườn, ao, chuồng kiên cố cũng được xây dựng, diện mạo bản Nậm San 2 thay da đổi thịt và đời sống của bà con cũng được nâng cao hơn.

Phương Liên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/174812/ni%C3%A8m-vui-o-n%E1%BA%A1m-san-2