Ninh Bình lấy điển hình để nhân lên nhiều điển hình mới trong học và làm theo Bác

Hướng trọn niềm kính yêu và biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc sâu tâm nguyện lời dạy của Người dành cho Ninh Bình, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh phát huy sức mạnh đoàn kết, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự thấm sâu, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc đời sống xã hội, nét văn hóa lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ để Ninh Binh hướng tới tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Chương trình văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024); 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959-2024). Ảnh: Đức Lam

Chương trình văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024); 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959-2024). Ảnh: Đức Lam

Góp phần xây dựng văn hóa, lối sống con người vùng đất Cố đô

Về xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh hôm nay, bà con trong xã đi lại thuận tiện hơn, an toàn hơn trên những “cây cầu ông Sản”. Đó là cách gọi trìu mến của người dân đối với những cây cầu do cựu chiến binh Đỗ Quang Sản và gia đình ông đã xây dựng, sửa chữa để phục vụ bà con nhân dân đi lại, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế cho địa phương.

Tính từ cây cầu đầu tiên vào năm 2015, đến nay, ông Sản đã bỏ tiền túi ra hơn 300 triệu đồng để xây mới, sửa lại 8 cây cầu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của người dân. Có người nói ra nói vào, bảo ông thừa tiền, khoe mẽ, vác tù và hàng tổng, ông cũng chỉ cười: “Tôi thấy nhiều cây cầu ở địa phương đã xuống cấp, người dân, phương tiện lưu thông hàng ngày không đảm bảo an toàn, nếu cứ chờ ngân sách của địa phương sẽ không biết đến bao giờ người dân mới có cầu mới để đi”. Nói là làm, ông Sản đã xin ý kiến chính quyền địa phương, sự đồng thuận từ phía Nhân dân, ông quyết tâm xây dựng cây cầu để phục vụ việc đi lại, trao đổi buôn bán...

Những năm qua, gia đình ông cũng đã nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình và tạo việc làm cho từ 8-10 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Ông cùng gia đình đã ủng hộ để sửa chữa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ xã, ủng hộ xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lụt với số tiền gần 30 triệu đồng…

Với gia đình ông Sản, đó chỉ là đóng góp chút ít sức lực của mình cho quê hương ngày càng thêm giàu đẹp, nhưng những việc làm của ông đã góp phần lan tỏa tích cực trong cộng đồng xã hội.

Được coi là khắc tinh của tội phạm buôn lậu trên biển, gian lận thương mại, hoạt động mua bán, vận chuyển chất nổ, chất cấm, khai thác thủy hải sản, thăm dò, khai thác, vận chuyển tài nguyên khoáng sản trái phép, Trung tá Trần Quang Cảnh, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình là người Hải đội trưởng tận tâm, gương mẫu, trách nhiệm, luôn phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trung tá Trần Quang Cảnh tích cực cùng cấp ủy, Ban Chỉ huy Hải đội 2 tham mưu trong lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển của tỉnh, xử lý hiệu quả, kịp thời các vụ việc xảy ra.

Trong 10 năm, đồng chí Trần Quang Cảnh đã trực tiếp chỉ huy Biên đội thực hiện hàng chục chuyến tuần tra với trên 10.000 hải lý, đấu tranh hiệu quả với tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, phương tiện buôn lậu.

Năm 2018, đồng chí trực tiếp chỉ huy tàu/10 cán bộ chiến sĩ tăng cường thực hiện nhiệm vụ đột xuất cùng Hải đội 2/Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định trong bắt giữ và xử lý tàu Hua Fu/18 thuyền viên, quốc tịch Hông Kông chở than cho Triều Tiên, đang bị Liên Hợp quốc cấm vận đi vào vùng biển Nam Định.

Năm 2019, đồng chí trực tiếp chỉ huy Biên đội II/2019 phối hợp thực hiện nhiệm vụ đột xuất, bí mật trong điều kiện thời tiết bất lợi, qua đó tạm giữ tàu Thịnh Phát 6 đang vận chuyển 489,57m3 dầu không có giấy tờ hợp pháp. Bên cạnh đó, đồng chí đã cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị điều động lực lượng, phương tiện kịp thời cứu nạn thành công hàng chục vụ, đảm bảo an toàn về người, hỗ trợ chủ phương tiện đưa tàu về bờ khắc phục hỏng hóc.

Kiên cường trước sóng biển, không quản hiểm nguy, với sự hi sinh thầm lặng để mang lại sự bình yên cho Nhân dân, Trung tá Trần Quang Cảnh và các cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 luôn tâm niệm, tất cả những việc mình làm, với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc đều xuất phát từ cuộc sống của Nhân dân. Người cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh góp phần làm đẹp thêm hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ, ngày đêm giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới biển của tỉnh Ninh Bình.

Trên đây chỉ là hai trong số 65 điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tôn vinh nhân dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) và 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959-2024). Các tập thể và cá nhân được khen thưởng là những “bông hoa đẹp” trong “rừng hoa đẹp” làm cho đất nước phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, góp phần xây dựng văn hóa, lối sống con người vùng đất Cố đô đang hướng tới tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Mỗi tập thể, cá nhân là một ấn tượng sâu sắc về tinh thần học tập, lao động và cống hiến, hy sinh; thể hiện ý chí quyết tâm vượt khó, nghị lực phi thường, bản lĩnh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều tấm gương cảm động về tình yêu thương con người, trách nhiệm đối với Nhân dân và xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn, nhân ái và nghĩa tình hơn.

Hướng trọn niềm kính yêu và biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc sâu tâm nguyện lời dạy của Người dành cho Ninh Bình, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình đã phát huy sức mạnh đoàn kết, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Các nội dung học tập và làm theo Bác được cụ thể hóa thành các tiêu chí rèn luyện đối với cán bộ, đảng viên, phương thức triển khai có nhiều điểm mới sáng tạo. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự thấm sâu, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, trở thành nét văn hóa lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ.

Nêu gương là giải pháp chủ yếu

Trong triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nêu gương là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, là giải pháp chủ yếu thực hiện có hiệu quả việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã căn cứ tình hình, đặc điểm và thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên của cơ quan, đơn vị mình xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện phù hợp và triển khai thực hiện sâu rộng đến các tổ chức, các lực lượng.

Kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện các quy định về nêu gương với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Quy định số 10-QĐi/TU, ngày 14/01/2019 của Tỉnh ủy về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh”.

Theo đó, vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu là tấm gương về phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tụy trong công việc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy sắc bén, có uy tín, vững về chuyên môn, sâu sát cơ sở, nói đi đôi với làm, quan tâm, chăm lo đến những lợi ích chính đáng của nhân dân, của cấp dưới..., từ đó truyền cảm hứng và lôi cuốn, thúc đẩy cán bộ, đảng viên noi theo, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo chuyển biến tích cực về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, góp phần tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về mối quan hệ công tác, lề lối làm việc, tiêu chuẩn chức danh, phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nhất là về lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng biên chế, công chức, viên chức; quy định tiêu chuẩn, chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái; về công tác quản lý cán bộ; tiếp tục thực hiện việc phân công các đồng chí cấp ủy viên các cấp định kỳ dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư, từ đó phát huy tinh thần gương mẫu của người đứng đầu để cấp dưới học tập, làm theo.

Tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân

Xác định việc học tập và làm theo Bác là một nội dung quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã đưa nội dung kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 28/12/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nghị quyết, kế hoạch hằng năm để thực hiện trên từng lĩnh vực, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các phong trào thi đua, phong trào quần chúng, các cuộc vận động ở địa phương để phát động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Hàng năm, mỗi cán bộ, đảng viên bám sát nội dung chuyên đề toàn khóa, kế hoạch học tập chuyên đề, Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, liên hệ bản thân, xây dựng kế hoạch học tập và làm theo gắn với thực hiện các quy định về nêu gương; mỗi năm, lựa chọn nội dung trọng tâm, khâu đột phá để tổ chức thực hiện.

Các đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên theo chức năng, nhiệm vụ công tác đã xây dựng kế hoạch của bản thân và đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh.

Nội dung kế hoạch học tập và làm theo đều được triển khai trước chi bộ, cơ quan, tổ chức đoàn thể để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên giám sát việc thực hiện; cuối năm báo cáo kết quả thực hiện trước tổ đảng, chi bộ, cơ quan, đơn vị, đoàn thể nơi công tác để kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, đăng ký làm theo.

Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên cuối năm.

Các hoạt động học tập và làm theo Bác trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được thực hiện tích cực góp phần quan trọng tạo sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ tỉnh, tạo những chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/ TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và tiếp tục thực hiện Quyết định số 1248- QĐ/TU, ngày 15/4/2014 của Tỉnh ủy Ninh Bình về việc lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân trong năm 2023 và đến hết quý I năm 2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh 10 phiên, 36 lượt công dân, giải quyết 50 vụ việc, ban hành 8 thông báo chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý, giải quyết các vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp. Nội dung các cuộc đối thoại được thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vấn đề phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội...

Thông qua việc đối thoại, tiếp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề được Nhân dân quan tâm, qua đó, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, phát sinh để kiến nghị giải quyết hoặc nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh những chủ trương, quy định của địa phương cho phù hợp, giải quyết những ý kiến, kiến nghị hợp pháp chính đáng của Nhân dân; đồng thời định hướng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các cấp ủy và chính quyền địa phương trong tỉnh, góp phần tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân.

Do đó, năm 2023, chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của Ninh Bình tăng 6 bậc so với năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 82,71%, xếp thứ 28/63. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh xếp thứ 14 toàn quốc.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất. Thông qua các đợt sinh hoạt, học tập, cán bộ, đảng viên nhận thức ngày càng sâu sắc hơn nội dung và giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các tổ chức, cá nhân đã xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương, cấp trên làm trước để cấp dưới làm theo; nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ sở được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên về tinh thần, trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân, đây là những yếu tố quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Ra sức học tập và làm theo Bác bằng cả bổn phận và trách nhiệm, thực hành đạo đức công vụ và lối sống, nếp sống đời thường, cả làm việc và làm người

Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả thiết thực trong học và làm theo Bác ở Ninh Bình, đồng chí Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bày tỏ, thực hiện lời dạy của Bác “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, tỉnh Ninh Bình lựa chọn việc lấy điển hình để tuyên truyền, giáo dục và nhân lên nhiều điển hình mới. Đây cũng là phương thức căn bản để tạo ra sức lan tỏa rộng rãi việc học và làm theo Bác trong toàn tỉnh.

Theo đồng chí Bùi Mai Hoa, từ thực tiễn triển khai thực hiện Kết luận 01-KL/TW ở Ninh Bình, có thể nhận thấy, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/ TW cần đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, liên tục và hiệu quả của cấp ủy đảng, trước hết là thường trực cấp ủy; ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn, là yếu tố quan trọng giúp việc triển khai thực hiện được thông suốt, liên tục và kịp thời trong tổ chức triển khai thực hiện.

Tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ truyền thông, báo chí (như báo, đài, các trang thông tin nội bộ, mạng xã hội…), các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội thi, thi viết, thi trắc nghiệm trực tuyến… sẽ cộng hưởng, tạo sự lôi cuốn và sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và trong xã hội.

Cần gắn kết chặt chẽ, đồng bộ việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW với các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; lấy nội dung “nêu gương” làm nội dung trọng tâm, xuyên suốt chủ đề công tác năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hàng năm; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… đồng thời với vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đó là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Quan trọng hơn, phát huy hiệu quả vai trò trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, vai trò nòng cốt, tham mưu và hướng dẫn thực hiện của cơ quan Ban Tuyên giáo các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát.

Xin được trích lại lời của đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Lễ tôn vinh điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 để làm kim chỉ nam nhắc nhở mỗi tập thể, cá nhân, địa phương, đơn vị tiếp tục học và làm theo Bác: “Phải tự nhắc nhở bản thân, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng cả bổn phận và trách nhiệm, thực hành đạo đức công vụ và lối sống, nếp sống đời thường, cả làm việc và làm người, nhất là trong điều kiện chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, đòi hỏi phải giải phóng mọi nguồn lực, sức mạnh nội sinh, dựa trên nền tảng giá trị tư tưởng văn hóa đạo đức, con người theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Quynh Thu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-lay-dien-hinh-de-nhan-len-nhieu-dien-hinh-moi-429032.htm