Ninh Bình: Xây dựng chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Ngày 24/10, tại Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức diễn đàn 'Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình'.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, dữ liệu được xác định là một tài nguyên của đất nước, là tư liệu sản xuất mới quan trọng. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm tin tưởng với sự đồng lòng, sáng tạo, hợp tác thì sự nghiệp chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công và có sự phát triển đột phá.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm tin tưởng với sự đồng lòng, sáng tạo, hợp tác thì sự nghiệp chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công và có sự phát triển đột phá.

Cho rằng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số là những từ khóa quan trọng trong phát triển giai đoạn tới và cũng là cơ hội để thay đổi, bứt phá, vượt khỏi giới hạn, mở rộng không gian phát triển, Thứ trưởng Phan Tâm đã có một số gợi mở để Ninh Bình cân nhắc chọn lựa những trọng tâm, trọng điểm về chuyển đổi số khi thực hiện như: Việc xây dựng thể chế để phân tách quyền sở hữu dữ liệu, định giá tài sản dữ liệu, phân chia lợi ích theo đóng gói; hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu mở; việc xây dựng và cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp để dữ liệu phát huy được tiềm năng, vai trò; nghiên cứu, phát triển tận dụng khả năng của AI; việc tận dụng tối đa chuyển đổi số để tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP bởi Ninh Bình có rất nhiều tài nguyên có thể số hóa, từ truyền thống lịch sử tới danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống, sản vật địa phương. Tất cả có thể được số hóa đưa lên môi trường số, làm nguyên liệu để phát triển kinh tế số.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực chuyển đổi số. Vì vậy, để chuyển đổi số toàn diện ở Ninh Bình là thực sự cần thiết khi lựa chọn mô hình phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế mới nổi, dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, theo đó không chỉ thay đổi chuyển đổi số mà thay đổi căn bản phương thức sản xuất, quản trị xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực chuyển đổi số. Vì vậy, để chuyển đổi số toàn diện ở Ninh Bình là thực sự cần thiết khi lựa chọn mô hình phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế mới nổi, dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, theo đó không chỉ thay đổi chuyển đổi số mà thay đổi căn bản phương thức sản xuất, quản trị xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho biết, từ năm 2022, Ninh Bình đã vươn lên là tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết một phần về Trung ương. Tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện nhất quán, hiệu quả chiến lược theo hướng phát triển “xanh, bền vững và hài hòa”; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp công nghệ cao là trụ cột của công nghiệp cơ khí ô-tô hiện đại; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ. Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Bình được định hướng đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của chuyển đổi số đối với sự phát triển của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, diễn đàn chính là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp gặp gỡ, cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến hay về chuyển đổi số. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tìm ra các định hướng, chiến lược, giải pháp cho phát triển dữ liệu, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nói chung và ở tỉnh Ninh Bình diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Các nhà quản lý, chuyên gia thảo luận tại chuyên đề "Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng Al".

Các nhà quản lý, chuyên gia thảo luận tại chuyên đề "Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng Al".

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia đã chia sẻ thông tin, truyền tải kinh nghiệm cũng như thảo luận ở các chuyên đề: chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng AI; thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình; các tiến bộ của công nghệ dữ liệu và công nghệ số trong phát triển kinh tế số.

Thông qua việc tập trung vào các nội dung như: Vai trò của dữ liệu, định hướng, giải pháp phát triển của Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030; triển khai hạ tầng dữ liệu và nhu cầu ứng dụng AI trong y tế; xây dựng nền tảng kiến trúc dữ liệu cho phân tích và dự đoán; thúc đẩy triển khai chuyển đổi số ở các trụ cột đột phá của Ninh Bình - tầm nhìn và khuyến cáo lộ trình; phát triển công nghiệp văn hóa (du lịch và di sản) dựa trên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; khai thác dữ liệu và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho đổi mới quản trị địa phương và cải cách hành chính ở cấp tỉnh,... các đại biểu đã nêu bật được giá trị của dữ liệu, các chiến lược dữ liệu, kiến trúc dữ liệu hiện đại cho doanh nghiệp, kinh tế dữ liệu, bảo mật và an toàn dữ liệu, thế hệ trung tâm dữ liệu mới cũng như vấn đề chuyển đối số giáo dục, phát triển y tế chất lượng cao, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn thông minh...

VĂN LÚA - YẾN TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-binh-xay-dung-chien-luoc-du-lieu-cho-phat-trien-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-post838353.html