Ninh Hòa: Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng
Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang triển khai xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng cho các xã nhằm chuyển đổi cây trồng có hiệu quả trên địa bàn.
Đã triển khai ở 6 xã
Đến thời điểm này, 3 xã đã có bản đồ nông hóa thổ nhưỡng là: Ninh Quang, Ninh An và Ninh Thọ. Đây là 3 xã chuyên trồng lúa. Thị xã hợp đồng với Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Trung thực hiện. Mỗi xã chọn vùng điều tra rộng 400ha. Đơn vị điều tra đã lấy 146 mẫu đất để phân tích, đánh giá chất lượng hóa, lý tính của đất và 8 phẫu diện đất trong khu vực dự án.
Kết quả điều tra tại xã Ninh An cho thấy, đất có thành phần cơ giới nhẹ và trung bình chiếm 100% diện tích điều tra, thích hợp cho sản xuất lúa; đất có phản ứng chua chiếm 83,3%, ít thích hợp cho cây lúa, cần tăng cường bón vôi để cải tạo đất; hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất từ trung bình đến nghèo chiếm tỷ lệ lớn: Mùn 66,04%, nitơ dễ tiêu 90,42%, lân dễ tiêu 100%, kali dễ tiêu 100%. Kết quả phân tích đất cũng chỉ ra yếu tố hạn chế trong việc canh tác lúa của người dân là ít bón phân chuồng, chưa bón vôi để cải tạo độ chua của đất và nâng cao độ phì cho đất, góp phần nâng cao năng suất lúa. Tương tự, các xã Ninh Quang, Ninh Thọ, kết quả phân tích hóa, lý tính của đất cũng gần giống Ninh An, thành phần cơ giới đất thích hợp cho trồng lúa, nhưng đất có phản ứng chua có tỷ lệ cao; hàm lượng mùn, nitơ, kali, lân dễ tiêu (trung bình và nghèo) chiếm tỷ lệ cao. Các chuyên gia khuyến cáo nên tăng cường bón phân xanh, phân chuồng, vôi, phân vi sinh để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng.
Đơn vị điều tra kiến nghị, để bảo vệ đất lúa, bảo vệ môi trường, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp, đặc biệt là giải pháp phân bón nhằm hạn chế thoái hóa đất, suy giảm độ phì của đất. Những khoanh đất chua, nghèo dinh dưỡng cần được bón vôi, phân chuồng bổ sung để cải tạo đất tốt hơn. Ngoài ra, UBND xã cần nắm bắt thông tin, khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa mới xác nhận, có phẩm chất để sản xuất hiệu quả. Đồng thời, chính quyền cần quan tâm thực hiện xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng ra phần diện tích còn lại (hiện nay, vùng điều tra mới đáp ứng 50% diện tích/xã).
Ông Đặng Thiện Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh An cho hay, hiện tại, thị xã chưa chuyển giao kết quả nên xã chưa thể thực hiện. Chính quyền xã mong muốn thị xã chuyển giao để triển khai đến người dân.
Tiếp sau 3 xã chuyên trồng lúa, thị xã thực hiện việc lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng cho 3 xã: Ninh Tân, Ninh Sim và Ninh Thượng. Đây là vùng định hướng trồng cây ăn quả. Việc điều tra đến nay đã cơ bản xong. Ông Võ Ngọc Phi Vũ - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho biết, xã đã phối hợp với đơn vị điều tra lấy mẫu đất trong khu vực sản xuất tại 4 thôn. Đơn vị điều tra vừa liên hệ xã để đăng ký báo cáo kết quả.
Sẽ mở rộng
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, với tình hình sản xuất mía đường gặp nhiều khó khăn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát phát triển mạnh từ cây mía sang các cây trồng khác. Tuy nhiên, người dân chưa xác định được tính chất lý, hóa của đất để áp dụng trồng cây gì, thời vụ thế nào, chăm sóc, đầu tư ra sao? Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND thị xã hợp đồng với đơn vị điều tra lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng cho từng vùng đất. Trên cơ sở đó giúp đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án chuyển đổi cây trồng đã được phê duyệt trước đó.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế cho biết, đến nay, thị xã đã thực hiện việc lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng cho 6 xã. Kinh phí mỗi xã 500 triệu đồng, vùng dự án điều tra rộng 400ha/xã. Thời gian tới, thị xã dự kiến triển khai tiếp cho 3 xã: Ninh Thân, Ninh Trung và Ninh Xuân.
Địa phương làm cuốn chiếu, 3 xã một lần, từ nguồn kinh phí theo quy định của Nghị định 35 (ngày 13-4-2015) về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (hiện nay điều chỉnh bởi Nghị định 62 ngày 11-7-2019 với nội dung tương tự) cho đến khi hết toàn bộ các xã. Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hình cho nông dân chuyển đổi cây trồng cũng như chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan Nhà nước địa phương về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đây là cơ sở để xây dựng dữ liệu thông tin về sau.
V.L