Ninh Thuận chủ động ứng phó với nắng hạn kéo dài

Trước tình hình nắng hạn kéo dài trên diện rộng và dự báo ngày càng khốc liệt, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với mục tiêu: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.

Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả…

Theo ông Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận: Vụ sản xuất hè thu 2020, toàn tỉnh phải dừng sản xuất với diện tích gần 16.000ha, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống sinh hoạt của người dân. Hiện nay trên địa bàn có 251 hộ với 940 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng ấy khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn; cây trồng, vật nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề... Theo dự báo của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, tình hình nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài và diễn ra trên diện rộng, khả năng đến giữa tháng 9-2020 bắt đầu mới có mưa. Nắng hạn kéo dài, thảm thực vật tự nhiên và vùng chăn thả đàn gia súc hoàn toàn bị cạn kiệt, hiện có khoảng 110.000 con gia súc như bò, dê, cừu trong vùng hạn sẽ không còn thức ăn, nước uống, nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng, phát sinh dịch bệnh là rất cao.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận cấp nước sinh hoạt cho bà con thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận cấp nước sinh hoạt cho bà con thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn.

Trước diễn biến phức tạp của nắng hạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch ứng phó, như: Triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó hạn trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm... Trọng tâm là giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy công năng công trình tuyến đường ống kênh chính Tân Mỹ và các kênh nhánh, xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước của tất cả hồ chứa nước và hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Ninh Thuận đã chủ động phân bổ 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2018 để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách và các công việc liên quan phục vụ chống hạn. UBND tỉnh đã công bố rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn toàn tỉnh cấp độ 3 để thông tin, nâng cao nhận thức, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác ứng phó…

Để đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài, các địa phương, chủ hộ chăn nuôi, trồng trọt đã chủ động chống hạn, thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nhiều nơi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tiết kiệm nguồn nước, sử dụng nước hiệu quả. Tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, bà con nông dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa và tăng diện tích trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Chuyển đổi, luân canh cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị, ít sử dụng nước tưới; đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất. Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu theo mô hình trang trại, gia trại, bán thâm canh và vỗ béo theo hướng chuyên thịt gắn với cải tạo chất lượng đàn gia súc.

Ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, bà con tập trung chuyển đổi ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo xanh, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang trong mùa nắng hạn, giảm áp lực tưới tiêu. Thời gian tới, địa phương tiếp tục động viên người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: Nho, táo, măng tây, rau xanh... khai thác tốt thế mạnh đất đai, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân… Ninh Thuận đang phấn đấu đến năm 2025, diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 4.102ha; trong đó, lúa 3.052ha, nho 20ha, táo 50ha và các loại cây trồng khác 980ha.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 601/CĐ-TTg ngày 21-5-2020 về "Tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên", các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tăng cường tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân chủ động sử dụng tiết kiệm nguồn nước, thực hiện các biện pháp trữ nước, chuyển đổi sản xuất theo hướng tiết kiệm nước... nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ninh-thuan-chu-dong-ung-pho-voi-nang-han-keo-dai-623066