Nổ lớn ở Kabul gây thương vong cho thường dân Afghanistan
Ngày 3/10, người phát ngôn lực lượng Taliban ở Afghanistan cho biết, một vài người dân đã thiệt mạng trong một vụ nổ lớn bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở thủ đô Kabul.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Zabihullah Mujahid, người phát ngôn lực lượng Taliban thông tin, vụ nổ xảy ra gần lối vào của nhà thờ Hồi giáo Eidgah ở Kabul.
Hiện vẫn chưa có số liệu chính xác về số người chết hoặc bị thương, cũng như thông tin chi tiết đằng sau vụ việc.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin của Taliban cho biết, vụ nổ xảy ra trên con đường chính ngay bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Eidgah, nơi đang tiến hành lễ cầu nguyện cho mẹ của ông Mujahid mới qua đời.
Một quan chức Taliban khác nói với Reuters rằng, ít nhất 2 người dân đã thiệt mạng và ba người khác bị thương trong vụ nổ.
Cho đến nay vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm đã tiến hành vụ nổ.
Cuối tháng 8, lực lượng Taliban đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan sau khi hầu hết quân đội Mỹ và các nước phương Tây khác rút quân khỏi nước này, kết thúc sứ mệnh quân sự và ngoại giao vốn bắt đầu ngay sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Taliban đã lên tiếng phủ nhận sự hiện diện của các phần tử khủng bố thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al Qaeda tại Afghanistan. Nhưng IS mới đây đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom hồi tháng 9 ở thành phố Jalalabad, miền đông nước này.
EU đã tăng viện trợ nhân đạo cho Afghanistan kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền, nhưng lại tạm cắt hỗ trợ phát triển - một động thái cũng được các nước khác và Ngân hàng Thế giới thực hiện.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Riyadh trong chuyến thăm Saudi Arabia, Cao ủy Đối ngoại và Chính sách an ninh EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell nói: “Chắc chắn đó là một tình huống khó xử. Bởi vì nếu bạn muốn hỗ trợ để tránh sự sụp đổ của một nền kinh tế, ở một khía cạnh nào đó, bạn có thể phải cân nhắc việc hỗ trợ chính phủ, tùy thuộc vào cách ứng xử của họ. Và hành xử của Taliban cho đến bây giờ không phải là điều đáng khích lệ cho lắm".
"Nếu nền kinh tế sụp đổ, thì tình hình nhân đạo sẽ tồi tệ hơn nhiều. Căng thẳng đối với người dân rời Afghanistan sẽ lớn hơn, mối đe dọa từ khủng bố cũng sẽ lớn hơn và do đó, rủi ro từ Afghanistan ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế sẽ lớn hơn", ông nói thêm.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của chính phủ Qatar cho biết, chuyến bay charter (bay thuê bao chuyến) thứ năm chở dân thường từ Afghanistan đến Qatar kể từ khi Mỹ rút quân vào tháng 8 đã rời Kabul với 235 hành khách, hầu hết là công dân Afghanistan.
Các hành khách sẽ được chở đến một khu phức hợp ở Qatar, nơi đón những người sơ tán từ Afghanistan cho đến khi khởi hành đến điểm đến cuối cùng của họ.
"Nhà nước Qatar sẽ tiếp tục công việc này với các đối tác quốc tế để bảo đảm tự do đi lại ở Afghanistan, đồng thời tập trung vào việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho đất nước này", quan chức trên cho biết.