Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) là nơi có hệ động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú với 2.955 loài thực vật, 1.488 loài động vật. Trong đó, có 44 loài mới phát hiện cho khoa học và nhiều loài quý hiếm, loài chỉ thị cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi. Với sự hợp tác và phối hợp nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, nhà khoa học, trong hơn hai thập kỷ qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc và đưa các loài ĐVHD về lại với môi trường tự nhiên…

“Bảo mẫu”của động vật hoang dã

Nhờ sự hết mình, tận tụy trong công việc của những cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật mà nhiều năm qua đã có rất nhiều cá thể các loài động vật quý hiếm được cứu hộ, bảo tồn và tái thả về với môi trường tự nhiên. Họ được ví như những “bảo mẫu” của ĐVHD.

Chị Phạm Thị Mai Chi (SN 1995), quê ở Long An, điều phối viên của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam từng có thời gian làm công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD tại VQG Hoàng Liên (Lào Cai). Cuối năm 2023, Mai Chi chuyển về công tác tại cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB. Với chị, việc cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật hết sức quan trọng và qua những hành động thiết thực này sẽ giúp mọi người nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học.

“Nhiệm vụ của tôi ở đây là hỗ trợ chuyên môn cho các cán bộ, nhân viên của cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB trong thực hiện công tác chăm sóc, cứu hộ, tái thả ĐVHD; đồng thời thực hiện nhiệm vụ bảo đảm phúc lợi cho các loài ĐVHD được tiếp nhận cứu hộ tại VQG…”, chị Mai Chi cho hay.

Các chuyên gia đang khám sức khỏe cho cá thể chim hồng hoàng tại cơ sở bảo tồn động vật hoang dã Phong Nha-Kẻ Bàng.

Các chuyên gia đang khám sức khỏe cho cá thể chim hồng hoàng tại cơ sở bảo tồn động vật hoang dã Phong Nha-Kẻ Bàng.

Theo chị Mai Chi, hiện, quy trình tiếp nhận, chăm sóc, cứu hộ ĐVHD ở VQG PN-KB đang được triển khai chặt chẽ, khoa học; đồng thời nhận được tham vấn từ nhiều chuyên gia động vật về công tác tiếp nhận, cách ly, kiểm tra sức khỏe, cân nặng, bổ sung, theo dõi chế độ ăn…

Với Mai Chi, làm “bảo mẫu” của ĐVHD có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, khó quên, nhưng có lẽ với chị kỷ niệm khó quên nhất là vừa mới đây, cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB có tiếp nhận một cá thể voọc chà vá chân nâu do người dân tại huyện Lệ Thủy tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Cá thể voọc khi mới tiếp nhận chỉ khoảng hơn 4 tháng tuổi nên có quy trình chăm sóc đặc biệt hơn so với các loài ĐVHD khác đang được nuôi cứu hộ tại trung tâm; đồng thời, cá thể này có hệ miễn dịch kém do người dân cho ăn nhiều loại thức ăn không phù hợp, cần nhiều kiến thức, kinh nghiệm và tham vấn ý kiến các chuyên gia về ĐVHD. Hơn nữa, đây là loài linh trưởng quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới

Thạc sĩ thú y Nguyễn Tất Thắng (SN 1993), cán bộ của cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB gắn bó với Trung tâm Bảo tồn, cứu hộ và phát triển sinh vật gần một thập kỷ qua. Với anh, đây cũng như là ngôi nhà thứ hai của mình.

Theo chia sẻ của anh Thắng, ngoài kinh nghiệm, chuyên môn còn đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên ở cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB phải có lòng yêu nghề và tình yêu thương đối với các loài ĐVHD. Qua đó, cũng góp phần khẳng định năng lực cứu hộ của trung tâm và từng bước đưa nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy đối với cộng đồng, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế…

Giám đốc trung tâm Trần Ngọc Anh chia sẻ, mỗi một cá thể ĐVHD khỏe mạnh được cứu hộ thành công, không chỉ là niềm vui, động lực để những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong việc bảo vệ thiên nhiên, ĐVHD mà việc làm của họ để mọi người cần nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc tôn trọng các giá trị của thiên nhiên, có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, hệ sinh thái, giữ gìn môi trường sống tốt hơn cho hôm nay và mai sau.

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh

Ông Trần Ngọc Anh cho biết thêm, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn nhiều loài ĐVHD, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của VQG PN-KB. Tuy nhiên, công tác cứu hộ ĐVHD luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho cả người và động vật. Vì vậy, để bảo đảm an toàn trong công tác cứu hộ ĐVHD, đơn vị đã quán triệt viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cứu hộ ĐVHD, quy chế vận hành cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB và quy định của pháp luật về an toàn dịch bệnh động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật hiện đang chăm sóc và cứu hộ 80 cá thể ĐVHD. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức tiếp nhận và cứu hộ 46 cá thể ĐVHD; thả về môi trường tự nhiên VQG Phong Nha-Kẻ Bàng 32 cá thể; tỷ lệ cứu hộ thành công đạt hơn 91%.

Đặc biệt, khi tiếp xúc với động vật phải sử dụng bảo hộ lao động (áo quần bảo hộ, khẩu trang y tế, ủng cao su, găng tay); khi trực tiếp làm việc tại khu vực nuôi, nhốt ĐVHD phải bảo đảm khoảng cách tiếp cận an toàn, không trực tiếp tác động vào ĐVHD khi không cần thiết, tuyệt đối tuân thủ các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng ĐVHD, nhất là đối với các loài thú ăn thịt lớn, các loài rắn độc…

“Đơn vị đã quán triệt, chỉ đạo tới đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác cứu hộ ĐVHD phải nghiêm túc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn tại cơ sở ĐVHD; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho động vật, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh; chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa thiên tai, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy nổ, điện giật và các sự cố môi trường khác có thể đe dọa đến sự an toàn của ĐVHD; tăng cường công tác kiểm tra an toàn chuồng trại, đặc biệt chú trọng kiểm tra an toàn hệ thống chuồng cứu hộ 7 cá thể hổ Đông Dương; chuẩn bị tốt công tác dự phòng thức ăn, thuốc thú y và các dụng cụ y tế cần thiết để phục vụ kịp thời công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và cứu hộ ĐVHD…”, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho hay.

Theo anh Nguyễn Tất Thắng, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp; đặc biệt mấy tháng gần đây, tại các tỉnh phía Nam đã có nhiều địa điểm nuôi nhốt hổ bị dịch bệnh. Trước tình hình đó, để bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh trên đàn hổ nuôi, cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB luôn vệ sinh sạch sẽ nền chuồng, bể tắm (1 lần/ngày), khay đựng nước uống (2 lần/ngày); rác thải được thu gom, phân loại và tập kết đúng nơi quy định; phun khử khuẩn bên trong và xung quanh chuồng nuôi hổ định kỳ 3 tháng/lần; đồng thời nhân viên của trung tâm, khách đến làm việc, tham quan, học tập, nghiên cứu tại hệ thống chuồng cứu hộ hổ phải đeo khẩu trang y tế, mang ủng hoặc giày đi qua khay sát khuẩn. Trường hợp có triệu chứng cảm sốt hoặc các bệnh dễ lây nhiễm tuyệt đối không được vào khu vực xung quanh chuồng nuôi hổ…

“Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguồn thức ăn cung cấp cho các ĐVHD luôn được chú trọng như cơ sở cung cấp các loại thịt vật nuôi phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thú y theo quy định pháp luật; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời cơ sở bảo tồn ĐVHD PN-KB luôn nhận tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế để chăm sóc, cứu hộ ĐVHD. Hàng năm, đều tiến hành tiêm vắc-xin, tẩy ký sinh trùng định kỳ để phòng, chống dịch bệnh cho ĐVHD…”, anh Nguyễn Tất Thắng chia sẻ.

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202410/no-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-2221860/