Nỗ lực bình ổn thị trường dầu mỏ

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài OPEC, trong đó đứng đầu là Nga, đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3-2020. Đây là nỗ lực của các nhà sản xuất dầu mỏ nhằm hỗ trợ giá dầu đang bị tác động bởi sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu. Thị trường 'vàng đen' hy vọng sẽ tiếp tục được nâng đỡ nhằm ổn định giá dầu.

Nhóm OPEC+ (gồm 14 nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài tổ chức này như Nga, Ca-dắc-xtan, Ma-lai-xi-a và Mê-hi-cô) nhóm họp tại Viên (Áo) để thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng chung. Tất cả các nước trong và ngoài OPEC đều ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận đạt được hồi tháng 12 năm ngoái thêm chín tháng. Động thái này không nằm ngoài dự đoán khi các thành viên OPEC trước đó, sau cuộc họp kéo dài sáu giờ đồng hồ, cũng đã thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng theo thời hạn nêu trên. Kể từ đầu năm nay, nhóm OPEC+ đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm nguồn cung được các nước thành viên OPEC chấp thuận là 800 nghìn thùng/ngày, song thực tế báo cáo cho thấy, các nhà sản xuất thậm chí đã cắt giảm sâu hơn. Bộ trưởng Năng lượng Nga A.Nô-vắc khẳng định, trong tháng 6 vừa qua, sản lượng dầu của Nga đã giảm 278 nghìn thùng/ngày so với tháng 10-2018, thời điểm Nga đạt sản lượng 11,41 triệu thùng/ngày. Theo quan chức này, sản lượng dầu cắt giảm trong tháng 6 là 50 nghìn thùng/ngày, nhiều hơn so với thỏa thuận giữa OPEC và các nhà xuất khẩu ngoài OPEC.

Việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ được đưa ra trong bối cảnh các thỏa thuận nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực. OPEC ước tính khối này cần sản xuất trung bình 30,52 triệu thùng/ngày trong năm 2019 để cân bằng thị trường dầu mỏ, thấp hơn 60 nghìn thùng/ngày so với mức được đưa ra tháng trước. Nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu yếu đi kéo theo nhu cầu năng lượng có xu hướng giảm và sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt càng khiến nhóm OPEC+ phải thận trọng trong việc đưa ra quyết định nhằm duy trì sự ổn định của giá dầu. Được coi là nhân tố quan trọng dẫn dắt thị trường dầu mỏ, nhóm OPEC+ cũng muốn kiểm soát nguồn cung dầu mỏ nhằm đối phó tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường thế giới. Bởi thế, OPEC và các đối tác ngoài OPEC cũng không loại trừ khả năng tăng sản lượng dầu mỏ trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Giải pháp này sẽ giúp OPEC tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng và củng cố vai trò chi phối trên thị trường năng lượng toàn cầu, trong bối cảnh Mỹ đã vượt Nga và A-rập Xê-út trở thành nước sản xuất dầu số một thế giới.

Trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ vốn đang bị tác động mạnh trước sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ, OPEC đã ký thỏa thuận hợp tác mới với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác trên thế giới, trong đó có Nga. Thực tế, Mỹ đang ngày càng trở thành một nhà sản xuất và tiêu thụ xăng dầu lớn. Bởi thế, dù là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, song Mỹ không muốn giá dầu bị đẩy lên cao bởi điều này tác động tới túi tiền của người tiêu thụ ở Mỹ. Với kịch bản giá dầu tăng, hoạt động đầu tư có thể tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đà phát triển mà kinh tế Mỹ đang duy trì. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm từng yêu cầu OPEC phải tăng sản lượng dầu thô để hạ giá mặt hàng này.

Trong bối cảnh đó, A-rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC và Nga muốn giữ vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt thị trường “vàng đen”. Các nước OPEC+ cho rằng, việc cắt giảm sản lượng dầu có thể giúp duy trì giá dầu ở mức 70 USD/thùng, mức giá được cho là hợp lý đối với hầu hết các nhà xuất khẩu dầu và có thể giúp khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường năng lượng, ngăn chặn nguy cơ tái diễn tình trạng mất cân đối trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế, A-rập Xê-út, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng chịu sức ép không nhỏ từ Oa-sinh-tơn về việc phải tăng sản lượng dầu mỏ nhằm bù đắp phần thiếu hụt dòng chảy dầu mỏ từ I-ran, sau khi Mỹ chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với tám quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô của Tê-hê-ran.

Động thái “bắt tay” giữa các nhà xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài OPEC được đưa ra nhằm bình ổn thị trường. Tuy nhiên, thực tế, trị trường “vàng đen” vốn dĩ rất nhạy cảm với những diễn biến trên chính trường. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và I-ran, Vê-nê-xu-ê-la, hay khả năng Mỹ sử dụng các công cụ nhằm tác động thị trường dầu mỏ vẫn có nguy cơ tác động tới giá dầu. Thị trường dầu mỏ về ngắn hạn được hy vọng giữ được sự ổn định, song cũng hết sức mong manh.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40748902-no-luc-binh-on-thi-truong-dau-mo.html