Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết liệt đề ra các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư an toàn, ổn định, hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, địa phương đã gặt hái được những kết quả khả quan trong việc thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực.

Phát huy lợi thế, tiềm năng

Đắk Lắk với đất đai trù phú, thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện địa phương này có diện tích tự nhiên rộng đứng thứ 4 cả nước. Đặc biệt, Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Gia Lai) với hơn 600.000ha. Nhờ đất đai bằng phẳng, phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, tiêu, sầu riêng cũng như các loại cây ăn trái.

Đồng thời, địa phương còn nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, y tế, giáo dục…Vậy nên, công tác xúc tiến đầu tư luôn được UBND tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2021 - 2023, Đắk Lắk thu hút được 57 dự án với số vốn đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư rót vốn chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ...

Riêng năm 2024, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chủ trương đầu tư cho 12 dự án, tổng số vốn đầu tư 2.894 tỷ đồng. So với cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký tăng 1.931 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Đối với hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, hiện địa phương có 233 dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 13.343 tỷ đồng. Cụ thể, tại khu công nghiệp Hòa Phú có 58 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn 6.343 tỷ đồng. Trong đó, có 5 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.092 tỷ đồng. Đối với 9 cụm công nghiệp, có 175 dự án đầu tư và đã có chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng 7.000 tỷ đồng; diện tích đất công nghiệp đã cho các doanh nghiệp thuê 278ha.

Đắk Lắk nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp

Đắk Lắk nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp

Vẫn còn những khó khăn, thách thức

Theo ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, những năm trước đây, địa phương có chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở mức trung bình của cả nước; riêng năm 2022 giảm 26 bậc so với năm 2021, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân là do năm 2022, đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa mạnh về quy mô, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nên gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đặt quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng của PCI nên đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, bất cập để đưa ra giải pháp khắc phục, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp. Nhờ đó, PCI của địa phương năm 2023 đã tăng lên 9 bậc so với năm 2022.

Song do nhiều nguyên nhân khách quan nên chỉ số PCI của Đắk Lắk vẫn ở thứ hạng thấp, đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố, chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng mà tỉnh đặt ra. Trong đó, địa bàn rộng, dân số đông, chưa đáp ứng được hạ tầng cơ sở cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vận chuyển nông - lâm sản hoặc giải phóng mặt bằng đất đai là những nguyên do chủ yếu.

Ông Tuyên cho rằng, để cải thiện môi trường đầu tư, lòng tin đối với doanh nghiệp, cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với những giải pháp mạnh và hiệu quả. Trong đó, giải pháp hàng đầu là thực hiện tốt truyền thông, xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của các sở, ban, ngành, địa phương.

Đồng thời, bảo đảm tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng, thực thi chính sách pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu. Cần nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Tăng cường các hoạt động gặp gỡ, đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp… để giải quyết kịp thời khó khăn , từ đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp.

Chí Thiện

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/no-luc-cai-thien-moi-truong-dau-tu-157356-157356.html