Nỗ lực dạy tiếng Anh vùng dân tộc thiểu số

Ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập, việc dạy tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, vì tình yêu nghề và sự nghiệp 'trồng người', các thầy, cô giáo dạy tiếng Anh nơi đây vẫn quyết tâm vượt khó, bám trường, bám lớp, cần mẫn gieo con chữ cho các em.

Là giáo viên tiếng Anh mới về Trường tiểu học Nguyễn Huệ, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, cô Hà Thị Minh Hảo luôn năng động, tràn đầy sức trẻ và nhiệt huyết với nghề. Những tiết học của cô Hảo luôn sáng tạo, thú vị giúp học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS dễ dàng tiếp cận với ngôn ngữ mới. Cô Hảo chia sẻ: “Trường tiểu học Nguyễn Huệ có rất nhiều học sinh DTTS nên việc các em tiếp cận với ngôn ngữ mới còn nhiều khó khăn. Là giáo viên, tôi luôn cố gắng giúp các em tiếp cận tiếng Anh một cách thú vị, vui vẻ và hiệu quả nhất”.

Cô Hà Thị Minh Hảo, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Huệ luôn sáng tạo với những bài giảng tiếng Anh, giúp học sinh DTTS dễ dàng tiếp cận với ngoại ngữ

Cô Hà Thị Minh Hảo, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Huệ luôn sáng tạo với những bài giảng tiếng Anh, giúp học sinh DTTS dễ dàng tiếp cận với ngoại ngữ

Với học sinh DTTS, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 3 sau tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Môn Tiếng Anh vốn dĩ đã rất khó học với không ít học sinh ở miền xuôi hoặc thành phố, nơi có đủ điều kiện học tập, còn với học sinh DTTS thì càng khó hơn. Cô Nguyễn Thị Bích Ly, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Nguyễn Huệ cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực sáng tạo trong cách dạy để các em tiếp thu tiếng Anh một cách tốt nhất. Tôi đã sử dụng phương pháp dạy học bằng hình ảnh để các em dễ tiếp cận, dễ nhớ hơn. Đồng thời luyện các em nói nhiều hơn, khuyến khích các em tự tin tiếp cận ngôn ngữ mới”.

Cô Nguyễn Thị Bích Ly, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Nguyễn Huệ ân cần chỉ bảo học sinh trong giờ học

Cô Nguyễn Thị Bích Ly, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Nguyễn Huệ ân cần chỉ bảo học sinh trong giờ học

“Em rất lo lắng khi bắt đầu học tiếng Anh. Tuy nhiên, được các cô giáo ân cần giúp đỡ, dạy em phát âm, nắm vững ngữ pháp, giúp em dần thích thú với những tiết học tiếng Anh. Với môn học này phải kiên trì mới tốt lên được” - em Bế Huy Hoàng (dân tộc Tày) học sinh lớp 5A2, Trường tiểu học Hai Bà Trưng, xã Phú Văn chia sẻ.

Hiện nay, trường có 23 lớp với 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 3 giáo viên tiếng Anh dạy lớp 3, 4, 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếng Anh theo chương trình mới được đưa vào bậc tiểu học giúp giáo viên sáng tạo những bài giảng thú vị; còn đối với học sinh DTTS, các em cũng rất phấn khởi, háo hức khi được tiếp cận.

Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ TRƯƠNG NHỰT KHANH

Cô Trần Thị Nam, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Hai Bà Trưng chia sẻ, tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS, cảm nhận sự gắn kết hồn nhiên, cũng như nỗ lực học tập của các em đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng hết mình để mang tri thức và những điều tốt đẹp đến với các em, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Bằng nghị lực của mình, những thầy, cô giáo nói chung và thầy, cô dạy môn Tiếng Anh nói riêng đã không quản ngại khó khăn, luôn kiên trì với công việc, “ươm mầm” cho những ước mơ của học sinh ở huyện biên giới Bù Gia Mập.

Cô Trần Thị Nam, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Hai Bà Trưng luôn cố gắng hết mình để mang tri thức và những điều tốt đẹp đến với các em học sinh nơi đây

Cô Trần Thị Nam, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Hai Bà Trưng luôn cố gắng hết mình để mang tri thức và những điều tốt đẹp đến với các em học sinh nơi đây

Thanh Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/163932/no-luc-day-tieng-anh-vung-dan-toc-thieu-so